Thứ sáu, 29/03/2024 05:48 (GMT+7)

Hưng Yên: 'Bảo kê' xây dựng trái phép bằng văn bản bị nghi là giả?

Tiêu Diệp -  Thứ tư, 10/07/2019 17:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không những bán đất trái thẩm quyền, chính quyền xã Phạm Ngũ Lão còn có dấu hiệu “bảo kê” cho hoạt động xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp bằng một văn bản có dấu hiệu giả mạo?

Xây dựng nhà trái phép nhờ “giấy tờ giả mạo”?

Theo phản ánh của rất nhiều hộ dân tại thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động – Hưng Yên), năm 2011 các hộ gia đình ở đây được chính quyền xã Phạm Ngũ Lão giao cho một Biên bản giao đất nhưng lại được lập vào năm 1997.

Khi đến nhà ông Vũ Cao Sơn (Bí thư Đảng ủy xã) để nộp tiền, họ được ông Vũ Cao Sơn “mách nước”: Khi nào xây dựng nhà, nếu có cán bộ xã đến hỏi giấy tờ thì chỉ cần đưa Biên bản này ra là không có ai hỏi gì hết.

Tin tưởng lời của ông Vũ Cao Sơn, lúc đó đang là Chủ tịch UBND xã Phạm Ngũ Lão (năm 2011) nên các gia đình cầm Biên bản này về sau khi đã nộp tiền đất cho ông Sơn ngay tại nhà riêng. Số tiền nộp tại nhà riêng ông Sơn được người dân phản ánh là hàng chục đến hàng trăm triệu đồng tùy theo diện tích.

Biên bản giao đất được ký ngày 15/2/1997 ông Ngô Văn Quỳnh, trong đó cơ quan ban hành là UBND xã Phạm Ngũ Lão thuộc UBND huyện Kim Thi, nhưng con dấu lại là UBND xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Đưa cho chúng tôi xem một Biên bản giao đất được ký ngày 15/2/1997, ông Ngô Văn Quỳnh cho biết: Tiền đất tôi đã mang đến nhà nộp cho ông Sơn 45 triệu đồng, nhưng đến nay chính quyền xã vẫn chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôi.

Tại Biên bản giao đất được lập vào ngày 15/2/1997 do Chủ tịch UBND xã Lưu Minh Cương ký, điều làm chúng tôi bất ngờ là phía trên, bên trái của văn bản thể hiện cơ quan ban hành là UBND xã Phạm Ngũ Lão thuộc UBND huyện Kim Thi, nhưng con dấu lại là UBND xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Chính nhờ có tấm “bùa hộ mệnh” này mà rất nhiều hộ dân tại thôn Cốc Khê nói riêng và xã Phạm Ngũ Lão nói chung đã ngang nhiên xây dựng nhà trên đất nông nghiệp (đất ruộng 03) mà không hề bị chính quyền xã xử lý.

Điều làm cho người dân ở đây bất bình là chỉ có những hộ dân được ông Vũ Cao Sơn trao cho “tấm bùa” hộ mệnh ấy mới được xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, còn những hộ khác nếu xây dựng trên đất nông nghiệp sẽ bị chính quyền xã “gõ đầu” và xử lý ngay lập tức.

Ngày 23/3/1996, Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội đã ban hành Quyết định chia tách huyện Kim Thi thành hai huyện là Kim Động và Ân Thi. Biên bản giao đất của UBND xã Phạm Ngũ Lão được ký ngày 15/2/1997 không còn là huyện Kim Thi nữa. Vì vậy Biên bản giao đất này hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Dấu hiệu giả mạo tài liệu và lừa đảo?

Theo những gì mà người dân thôn Cốc Khê phản ảnh và căn cứ vào Biên bản giao đất của gia đình ông Ngô Văn Quỳnh thì văn bản này hoàn toàn vô hiệu và không có tính pháp lý.

Sở dĩ, năm 1996 huyện Kim Thi đã được Quốc Hội phê chuẩn cho tách thành hai huyện là Kim Động và Ân Thi, nhưng chính quyền xã Phạm Ngũ Lão vẫn sử dụng văn bản cũ là hoàn toàn không đúng với quy định.

Không chỉ có ông Ngô Văn Quỳnh mà rất nhiều người dân khác có Biên bản giao đất này trên toàn xã Phạm Ngũ Lão, khi đem hồ sơ này đề nghị UBND xã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều không được cán bộ địa chính xã chấp thuận là hoàn toàn đúng, bởi vì văn bản này rõ ràng có dấu hiệu hoàn toàn giả mạo.

Không chỉ riêng gia đình ông Quỳnh, còn rất nhiều hộ gia đình khác được ông Vũ Cao Sơn phát "bùa hộ mệnh" cũng lặp lại tình trạng tương tự.

Hàng chục hộ dân tại thôn Cốc Khê khi phản ánh với phóng viên, họ đều khẳng định đã mang tiền đến nhà riêng của ông Vũ Cao Sơn để nộp tiền, số tiền nhiều hay ít tùy thuộc vào diện tích đất được giao.

Nếu như các hộ dân này chứng minh được việc giao tiền và nhận tiền của ông Vũ Cao Sơn khi nhận Biên bản bàn giao đất thì hành vi này của ông Vũ Cao Sơn đã có dấu hiệu của tội làm giả tài liệu để lừa dối cơ quan tổ chức, công dân. Theo Điều 341 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 và sửa đổi năm 2017.

Theo ông Ngô Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND xã Phạm Ngũ Lão cho biết: “Hiện nay, UBND Tỉnh Hưng Yên và huyện Kim Động đang tiến hành thanh kiểm tra, làm rõ các nội dung nêu trên. Chúng tôi cũng đang làm báo cáo để gửi, còn xử lý như thế nào lại do các cơ quan có thẩm quyền”.

Để bảo vệ tính nghiêm minh và thượng tôn của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình vi phạm pháp luật, đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên, huyện Kim Động và các cơ quan pháp luật vào cuộc, điều tra và xử lý nghiêm minh.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Bạn đang đọc bài viết Hưng Yên: 'Bảo kê' xây dựng trái phép bằng văn bản bị nghi là giả?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.