Thứ năm, 25/04/2024 00:35 (GMT+7)

Hậu Giang: 'Phớt lờ' quyền lợi chính đáng của nhiều hộ dân

MTĐT -  Thứ ba, 18/04/2017 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND tỉnh Hậu Giang vẫn chỉ đạo cho các Sở, ngành và chính quyền địa phương áp dụng nhiều biện pháp nhằm thu hồi cho được phần đất của những hộ dân này để giao cho một doanh nghiệp tư nhân phân lô.

Dù hầu hết các hộ dân nằm trong khu vực thực hiện dự án Khu dân cư - thương mại Ngọc Thương tại thị trấn Cây Dương quyết liệt phản ứng chủ trương thu hồi đất, song UBND tỉnh Hậu Giang vẫn chỉ đạo cho các Sở, ngành và chính quyền địa phương áp dụng nhiều biện pháp nhằm thu hồi cho được phần đất của những hộ dân này để giao cho một doanh nghiệp tư nhân phân lô, xẻ nền bán kiếm lời.

Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy khi dự án không hoàn thành đúng tiến độ; người dân thì bức xúc, bất bình, còn chính quyền địa phương thì không thể cưỡng chế để thu hồi đất.

Chủ trương thu hồi đất không hợp lòng dân

Ngày 7/3/2012, UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất chủ trương cho Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Ngọc Thường đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư-thương mại Ngọc Thường tại thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, với phương thức đầu tư nhà nước đứng ra thu hồi đất rồi sau đó giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án và có thu tiền sử dụng đất.

Đến ngày 28/3/2012, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 700, về việc quy hoạch đất và thông báo thu hồi đất để đầu tư dự án trên. Theo đó, phần đất được quy hoạch có tổng diện tích hơn 18.000m2 thuộc tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương, nguồn gốc đất do các hộ dân quản lý sử dụng.

DNTN Ngọc Thường cam kết đến quý I/2015 dự án xây dựng Khu dân cư- thương mại Ngọc Thường sẽ hoàn thành, như đến nay các hạng mục tại dự án này đang được xây dựng ngổn ngang.

Sau khi có quyết định quy hoạch, thông báo thu hồi đất của UBND tỉnh Hậu Giang, các cơ quan liên quan đã đến khu vực của dự án thực hiện công tác kiểm kê, áp giá bồi thường. Tuy nhiên, trong số 12 hộ dân bị ảnh hưởng, thì chỉ có 2 hộ là người thân của DNTN Ngọc Thường (là Trương Thanh Thường và Trương Thị Ngộ) đồng ý cho kiểm kê đo đạc, áp giá bồi thường, hỗ trợ với tổng diện tích đất trên 13.700m2. Diện tích đất còn lại 4.414m2 của 10 hộ dân không thể kiểm kê, đo đạc được vì,  

"Từ khi bắt đầu triển khai, lập quy hoạch và công bố quy hoạch dự án các hộ dân đều không tham dự, không đồng tình ủng hộ thực hiện dự án, nên trong quá trình triển khai đo đạc, áp giá bồi thường để thu hồi đất gặp nhiều khó khăn..."- ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết.

Gia đình ông Huỳnh Văn Tuyết, ở ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp có 4.000m2 đất. Trong thời gian qua, huyện Phụng Hiệp đã tiến hành thu hồi của gia đình ông khoảng 3.000m2 để xây dựng các công trình đường, trạm y tế. Mặc dù đơn giá bồi thường áp dụng để bồi thường cho gia đình ông đối với phần đất bị thu hồi chỉ khoảng 40 triệu đồng/1.000m2, nhưng gia đình ông Tuyết chấp hành không phản ánh khiếu nại gì.

Sau khi tuyến đường Hùng Vương tại khu vực trung tâm huyện Phụng Hiệp được đầu tư xong, phần lớn diện tích đất còn lại của gia đình ông Tuyết đã lòi ra mặt tiền tuyến đường này, ông Tuyết cũng như nhiều hộ dân nơi đây dự định xin chuyển mục đích sử dụng một phần đất để xây dựng nhà ở theo quy hoạch kiến trúc của huyện.

Thế nhưng, năm 2012 các cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang thông báo cho hộ ông Tuyết biết là sẽ thu hồi hết phần đất còn lại của gia đình ông để giao cho DNTN Ngọc Thường lập dự án phân lô, xẻ nền bán lại cho người dân. "Tôi kiên quyết không đồng ý, vì với chủ trương này, UBND tỉnh Hậu Giang đã ép gây thiệt hại lớn cho gia đình tôi, trong khi đó mang lại lợi nhuận kích xù cho một doanh nghiệp tư nhân"- ông Huỳnh Văn Tuyết bức xúc cho biết.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Tuyết, nếu như Nhà nước tiếp tục lấy đất của gia đình ông để thực hiện các công trình công cộng phục vụ cho việc phát triển kinh tế- xã hội của huyện thì ông sẽ xem xét chấp thuận giao đất, còn nếu lấy đất để DNTN Ngọc thường phân lô, xẻ nền kinh doanh ông không đồng ý.

Tương tự, ông Trần Văn Phụng, ở ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương không khỏi bức xúc trước chủ trương của UBND tỉnh Hậu Giang về việc thu hồi đất của ông để giao cho DNTN Ngọc Thường làm dự án kinh doanh bất động sản. "Gia đình tôi đã phải giao một phần đất của ông bà để lại cho nhà nước đầu tư xây dựng, mở rộng đường xá. Nay các tuyến đường này đã hình thành và rất khang trang sạch đẹp phải để cho người dân, đặc biệt là những hộ đã bị thu hồi đất như tôi hưởng lợi chứ, sao chính quyền lại đứng ra tiếp tục thu hồi đất của tôi rồi giao cho một doanh nghiệp vào kinh doanh để hưởng lợi. Điều này tôi không thể chấp nhận được"- Ông Trần Văn Phụng cho biết.

Theo ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng, huyện Phụng Hiệp thì, sau một thời gian kiểm kê, đo đạc, áp giá bồi thường đến tháng 8/2013, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành quyết định giao đất đợt 1 cho DNTN Ngọc Thường với diện tích trên 13.700m2 ( đây là diện tích đất của người thân chủ DNTN Ngọc Thường). Diện tích đất còn lại 4.414m2 của 10 hộ dân dù sau nhiều nổ lực của các cơ quan chức năng, đến nay vẫn chưa thực hiện kiểm kê, đo đạc thu hồi được. Xuất phát từ nguyên nhân này mà việc xây dựng Khu dân cư- thương mại Ngọc Thường tại thị trấn Cây Dương chậm hơn 2 năm so với tiến độ thời gian nhà đầu tư cam kết hoàn thành dự án này.

Huyện không thể cưỡng chế buộc các hộ dân giao đất được

Mặc dù việc vận động 10 hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án xây dựng Khu dân cư- thương mại Ngọc Thường tại thị trấn Cây Dương giao đất đã để thực hiện dự án đã đi vào ngỏ cụt, nhưng từ năm 2015 đến nay UBND tỉnh Hậu Giang vẫn nhiều lần chỉ đạo cho huyện Phụng Hiệp, các Sở, ngành chức năng tiếp tục vận động những hộ dân này cho  kiểm kê, đo đạc để thu hồi đất.

Mới đây, ngày 4/4/2017 tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án Khu dân cư- Tái định cư thương mại trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và một số huyện, thị khác, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các ngành chức năng, huyện Phụng Hiệp tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng diện tích đất 4.414m2 tại dự án Khu dân cư- thương mại Ngọc Thường, trong đó áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp theo quy định, làm tốt công tác vận động để các hộ dân đồng thuận, ủng hộ việc triển khai dự án nhằm thực hiện theo đúng quy hoạch...

Tuy nhiên, chính quyền huyện Phụng Hiệp phải thừa nhận rằng, hiện nay việc vận động người dân cho kiểm kê, đo đạc để thu hồi đất đang gặp rất nhiều khó khăn do người dân không đồng tình. "Mặc dù người dân không đồng tình, nhưng huyện Phụng Hiệp cũng không thể tiến hành cưỡng chế để thu hồi phần đất của các hộ dân này được vì nếu cưỡng chế sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng..."- Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Phụng Hiệp nói.

Lý do cốt lõi mà trong hơn 5 năm qua dù các ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang và huyện Phụng Hiệp đã nỗ lực trong việc vận động, thuyết phục, nhưng chưa thể thu hồi được 4.414m2 đất của 10 hộ dân bị ảnh hưởng là do chủ trương thu hồi đất của UBND tỉnh Hậu Giang đã "phớt lờ" quyền lợi chính đáng của những hộ dân đã bị thu hồi đất trước đó, tạo điều kiện cho DNTN Ngọc Thường kinh doanh hưởng lợi trên chính mảnh đất còn lại của họ. Vì vậy, mới có chuyện từ khi triển khai, lập quy hoạch và công bố quy hoạch dự án đã không nhận được sự đồng thuận của hầu hết người dân.

Để giải quyết vấn đề này, huyện Phụng Hiệp cũng như 10 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng Khu dân cư- thương mại Ngọc Thường yêu cầu UBND tỉnh Hậu Giang xem xét, chỉ đạo cho các ngành chức năng điều chỉnh lại quy mô của dự án này, nhằm tạo điều kiện cho những hộ dân được chuyển mục đích sử dụng đất, được cất nhà ở ổn định tại khu vực này theo quy hoạch xây dựng của huyện Phụng Hiệp.

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Hậu Giang: 'Phớt lờ' quyền lợi chính đáng của nhiều hộ dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành