Thứ ba, 23/04/2024 23:02 (GMT+7)

Hà Nội: Nỗi khổ người dân sống trên đất vàng (Bài 1)

Mạnh Tưởng -  Thứ năm, 18/07/2019 16:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các hộ gia đình đang sinh sống tại số nhà 43F – 47C phố Ngô Quyền và số 36A Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội và nỗi khổ sống trên đất vàng nằm trong dự án treo 3 thập kỷ.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn kêu cứu của các hộ gia đình đang sinh sống tại số nhà 43F – 47C phố Ngô Quyền và số 36A Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội về nỗi khổ sống trên đất vàng nằm trong dự án treo 3 thập kỷ.

Dự án có nhiều khuất tất

Theo đơn phản ánh, hiện nay gần 20 hộ dân sống trong những căn nhà lụp xụp, dột nát trên khu đất “vàng” từ số nhà 43F đến 47C phố Ngô Quyền và số 36A Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội không được sửa chữa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do dính dự án treo. Các hộ dân tại đây cho rằng, UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án “Xây dựng Trụ sở của Kho bạc nhà nước T.Ư” là trái với bản quy hoạch chi tiết của Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hơn 30 năm qua, hàng chục hộ dân vẫn miệt mài “kêu cứu” từ cấp Trung ương xuống địa phương. Thế nhưng, đến nay mọi giải pháp tháo gỡ đều như “mò kim đáy bể”.

Dự án Công trình Trung tâm giao dịch Kho bạc Nhà nước Trung ương được khởi xướng từ năm 1992 với tên hiệu là K92, xây dựng trên diện tích 1.417 m2 đất tại góc phố Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (từ số nhà 43E đến 47C Ngô Quyền và số 36A Trần Hưng Đạo). Năm 1993, căn cứ đề nghị của chủ đầu tư và các cơ quan tham mưu, UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi khu đất này để xây dựng công trình nhưng các hộ dân đã phản ứng dữ dội và không đồng ý giao đất, bởi khu đất trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đất ở từ năm 1988 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, theo Quyết định số 108/1988/QĐ-TTg ngày 20/6/1988 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch Thành phố Hà Nội và bản quyết định quy hoạch chi tiết số 96/2000/QĐ-UB của Chủ tịch UBND Thành phố thì đây là khu vực dân cư được kí hiệu là C43/NO, không sử dụng vào xây dựng công trình trụ sở cơ quan.

Thế nhưng, không hiểu sao chỉ một năm sau đó, ngày 20/8/2001 Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội (PCT TP) Lê Quý Đôn lại ra Quyết định 4718/QĐ-UB về việc gia hạn sử dụng đất cho Kho bạc Nhà nước Trung ương, đồng thời hiệu chỉnh tổng số diện tích mặt bằng xuống còn 1.328 m2. Tiếp đó là 4 quyết định gia hạn liên tục được ban hành trong các năm 2002, 2003, 2004, 2006.

Như vậy, rõ ràng việc ký Quyết định gia hạn sử dụng đất của PCT TP Lê Quý Đôn là hoàn toàn trái với quyết định của Chủ tịch TP Hoàng Văn Nghiên về văn bản quy hoạch chi tiết TP. Hà Nội mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Chưa dừng lại ở đấy, điều người dân bức xúc và hoài nghi nhất là việc hiệu chỉnh tổng số diện tích mặt bằng xây dựng của công trình K92 từ 1.417m2 xuống 1.328m2 hiện nay là 1.233,7m2 của PCT TP Lê Quý Đôn là nhằm mục đích gì? Tại sao số nhà 43E Ngô Quyền cũng nằm trong diện tích dự án K92 vẫn được xây 5 tầng? được bán qua lại nhiều lần? Còn lại từ số nhà 43F đến 47 C và số 36A Trần Hưng Đạo không được sửa chữa, cải tạo.?

Trao đổi với PV, Bà Lê Thanh Hằng, một người dân có đất bị thu hồi bức xúc cho biết: Thời điểm đó, mặc dù Ban quản lý công trình K92 có văn bản gửi cơ quan chính quyền sở tại, cùng các hộ nằm trong diện tích được giao phải ngừng việc xây dựng cải tạo, chuyển nhượng quyền sử dụng thế nhưng không hiểu bằng cách nào ngôi nhà 43E phố Ngô Quyền lại nghiễm nhiên được xây dựng mới cao tới 5 tầng và sang tên nhiều lần cho dù nó vẫn hoàn toàn thuộc phần khuôn viên của dự án. Vậy “Có hay không chuyện tương ứng tỉ lệ giữa việc xây dựng mới của ngôi nhà 43E phố Ngô Quyền với phần diện tích dôi ra gần 200m2 của những lần hiệu chỉnh diện tích”, Bà Hằng hoài nghi cho biết thêm.

Những ngôi nhà lụp xụp tại phố Ngô Quyền nằm trong dự án bị thu hồi 

Hà Nội có “phớt lờ” lệnh Thủ tướng?

Trước việc UBND TP Hà Nội ra các quyết định trái với Quyết định của Thủ tướng phê duyệt, trong suốt 3 thập kỉ qua, người dân đã có đơn thư khiếu kiện từ địa phương đến Trung ương nhưng các văn bản mới dừng lại ở mức “đề nghị giải quyết” chứ hoàn toàn chưa có câu trả lời chính thức từ UBND thành phố Hà Nội.

Ngày 5/4/2005, UBND thành phố Hà Nội mới có văn bản số 1204/UB-NNDC giao cho Thanh tra thành phố kiểm tra, kết luận và yêu cầu báo cáo kết quả. Ngày 27/5/2005, Phó chánh thanh tra thành phố Nguyễn Văn Tuấn Dũng ra Quyết định số 501/QĐ-TTTP-P3 giao cho bà Nguyễn Thị Nguyệt – Phó Phòng thanh tra 3 và bà Nguyễn Phương Hoa – cán bộ thanh tra, xem xét và báo cáo trong thời hạn 45 ngày. Tuy nhiên, từ đó đến nay các hộ dân vẫn không nhận được câu trả lời.

Quá bức xúc, ông Phạm Xuân Mai, địa chỉ tại 47 phố Ngô Quyền, Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đã làm đơn thư phản ánh đến nhiều cơ quan chức năng. Nội dung phản ánh nêu rõ: “Khiếu nại việc UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất của các hộ dân tại 36A Trần Hưng đạo và từ số 43F đến 47C phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm để xây dựng Trụ sở Kho bạc Nhà nước Trung ương trong khi đó khu đất trên đã được UBND TP Hà Nội xác định trên bản đồ quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm với chức năng là nhà ở.

Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của ông Phạm Xuân Mai, ngày 25/11/2008, Văn phòng Chính phủ đã có phản hồi bằng công văn số 613/VPCP-V.II gửi đến UBND thành phố Hà Nội đề nghị kiểm tra lại để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.

Đến ngày 7/3/2011, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cũng đã có công văn số 1117/DDQHHN12-TD chuyển đơn của ông Phạm Xuân Mai đến Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để xem xét và giải quyết đúng pháp luật, trả lời người dân có đơn và thông báo kết quả đến Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.

Sau 4 năm vẫn liên tiếp nhận được đơn thư phản ánh của người dân, ngày 02/11/2012 Văn phòng Chính phủ tiếp tục gửi công văn số 8833/VPCP-KTTN đến UBND thành phố Hà Nội. Công văn có nói rõ “hiện nay ông Phạm Xuân Mai và các hộ dân vẫn tiếp tục gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ khiếu nại rất bức xúc”. Văn phòng Chính phủ thêm một lần nữa đề nghị UBND thành phố Hà Nội kiểm tra lại để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng biết kết quả.

Mặc dù có đề nghị từ đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Thủ tướng Chính phủ nhưng UBND thành phố Hà Nội vẫn “bặt vô âm tín”, vẫn không hề có phương án giải quyết nào được đưa ra với người dân.

Chúng tôi đã làm hết cách, đơn thư khiếu nại, kêu cứu lên tận Chính phủ, Chính phủ đã yêu cầu xử lý nhưng sự im lặng của UBND TP Hà Nội thật đáng sợ. Phải chăng Hà Nội đang cố tình “phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng?. Gần 30 năm qua, giá đất đã tăng phi mã. Chúng tôi đang ở trên đất của mình, sở hữu khu đất “vàng” nhưng không thể yên ổn sống và làm ăn” – Ông Phạm Đàn, hộ dân thuộc diện giải tỏa bức xúc.

Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, bất chấp phản ứng quyết liệt từ phía người dân, không những không có phản hồi khiếu nại, ngày 31/3/2017, UBND quận Hoàn Kiếm đã có Thông báo Thu hồi đất số 106/TB-UBND gửi đến gần 20 hộ dân trong diện giải tỏa của khu dự án K92 trước đó. Cụ thể, Thông báo này cho biết, khu đất số 36A Trần Hưng Đạo và 43F-47C phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ bị thu hồi đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu.

Vậy là không thực hiện được dự án này TP Hà Nội lại cố tình “đẻ” ra dự án khác với mục đích thu hồi bằng được khu đất “vàng” để … xây dựng một trường Tiểu học đã có từ lâu. Người dân cho biết, hiện Trường tiểu học Võ Thị Sáu đang hoạt động tại địa chỉ số 35 Trần Hưng Đạo, phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội với diện tích hơn 800m2, ông Mai, người đứng tên làm đơn kêu cứu nói: chúng tôi thực sự không hiểu Chính quyền TP Hà Nội đang có dự tính gì?.

Góc phố Ngô Quyền - Trần Hưng Đạo nằm trong dự án xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu

Người dân tại đây lại thêm một lần bức xúc về cách giải quyết khó hiểu của UBND quận Hoàn Kiếm cũng như UBND thành phố Hà Nội. Những khiếu kiện của người dân trong suốt 3 thập kỉ qua vẫn không hề được giải quyết mà chính quyền tiếp tục có những quyết định phớt lờ nguyện vọng của hàng chục hộ dân hiện đang là chủ của khu đất thuộc dự án.

Lý do vì sao suốt gần 30 năm qua dù vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân, những yêu cầu đề nghị giải quyết từ Trung ương nhưng chính quyền TP Hà Nội không buông khu đất, thành phố vẫn không có quyết định rõ ràng?.

Làm sao để những băn khoăn, lo lắng, bức xúc của người dân không tiếp tục rơi vào im lặng?. Thiết nghĩ, đến lúc này, Quốc hội, Chính phủ cần có sự quan tâm hơn đến những nguyện vọng xác đáng của người dân để từ đó có những chỉ đạo quyết liệt hơn đối với chính quyền TP Hà Nội trong việc khẩn trương giải quyết những bức xúc khiếu nại của người dân trong suốt gần 3 thập kỉ qua. Hình ảnh nhếch nhác của những ngôi nhà lụp xụp, dột nát nằm ngay tại trung tâm Thủ đô lại không được xây mới thậm chí không được cải tạo trong diện giải tỏa sẽ làm giảm đi nhiều nét đẹp của một Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin trong những bài viết sau.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Nỗi khổ người dân sống trên đất vàng (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới