Thứ sáu, 29/03/2024 13:40 (GMT+7)

Công viên nước thành bãi phế liệu: Cần công khai phương án cưỡng chế

MTĐT -  Thứ năm, 06/02/2020 10:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau diễn biến việc công viên nước Thanh Hà trị giá hàng trăm tỷ đồng bị cưỡng chế thành bãi phế liệu, nhiều câu hỏi lớn được đặt ra.

Dư luận đặt ra câu hỏi cần xem xét xử lý trách nhiệm của các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương đã “không biết gì” trong suốt thời gian doanh nghiệp lắp đặt thiết bị và xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồ sộ quy mô lớn. Khi cưỡng chế để lại bãi phế liệu thì cần lật lại công khai phương án cưỡng chế công trình xem đúng luật hay chưa?

Sự sửa sai khuất tất?

Theo ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, Thanh tra các ban ngành chức năng đã làm gì khi để cho doanh nghiệp xây dựng một công trình không có giấy phép xây dựng quy mô lớn như công viên nước Thanh Hà.

“Trong khi ngân sách Nhà nước eo hẹp không đầu tư loại hình vui chơi giải trí cho cộng đồng phục vụ nhu cầu cấp thiết của nhân dân, tại sao phải sốt sắng cưỡng chế tan tành hệ thống hạ tầng trang thiết bị của công viên nước khẩn cấp một cách bất thường như vậy”, ông Nguyễn Hữu Cường nêu vấn đề.

Vào ngày 15 và 16/1/2020, UBND quận Hà Đông đã giao cho UBND phường Phú Lương và các đơn vị tham mưu thực hiện cưỡng chế khắc phục hậu quả đối với Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land).

Tiếp đó, chỉ sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, công viên nước Thanh Hà được cho là hiện đại khang trang nhất Thủ đô đã bị phá hủy toàn bộ, không hạng mục nào còn nguyên vẹn. Hiện trạng công trình còn lại một bãi phế liệu khổng lồ khiến người dân đi qua nhìn vào rất phản cảm và nuối tiếc.

Về chủ trương cưỡng chế, đại diện Cienco5 Land cho biết, doanh nghiệp hoàn toàn đồng ý và có phương án tháo dỡ theo văn bản của UBND quận Hà Đông và không có ý kiến gì. Tuy nhiên, do cận Tết, khối lượng công việc cũng như các thiết bị hạng mục có kết cấu và trình độ kỹ thuật phức tạp cần có sự tham gia của các chuyên gia nên thời gian kéo dài. Cienco 5 có văn bản xin kéo dài thời gian tự tháo dỡ để bảo tồn nguyên vẹn hệ thống trang thiết bị và có kế hoạch sẽ mang về sử dụng tại khu công viên tại Nghệ An. Thời gian 15 ngày không thể tháo dỡ kịp tiến độ theo yêu cầu của UBND quận vì quá gấp gáp.

Tuy nhiên, sau khi bị chính quyền quận Hà Đông cưỡng chế, Cienco5 Land đã khiếu nại hành vi hành chính của UBND quận và cho rằng, việc thực hiện không đúng quyết định buộc khắc phục hậu quả và quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã dẫn đến Công ty bị thiệt hại cả trăm tỷ đồng do các thiết bị kỹ thuật của công viên, tài sản của công ty đã bị hủy hoại và không còn khả năng tái sử dụng.

Các thiết bị, máy móc và tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng đã bị hư hỏng sau vụ cưỡng chế. Cienco5 Land cho rằng, UBND quận Hà Đông đã có vi phạm quy định của pháp luật khi để lực lượng cưỡng chế của UBND quận phá hủy tài sản của Công ty chứ không thực hiện tháo dỡ theo đúng quyết định buộc khắc phục hậu quả của UBND quận cũng như quy định của pháp luật.

Theo đó, nếu như chính quyền quận Hà Đông thực hiện vụ việc cưỡng chế tháo dỡ những hạng mục công trình xây dưựng vi phạm tại công viên nước Thanh Hà theo đúng tính chất của việc tháo dỡ, khắc phục hậu quả thì phải có biện pháp đảm bảo an toàn; không để tài sản của doanh nghiệp bị hư hỏng hoặc hướng dẫn, phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện tháo dỡ đảm bảo kỹ thuật, khoa học thì sẽ không gây thiệt hại cả trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp.

“Lực lượng cưỡng chế đã huy động sức máy móc để đập phá những công trình, tường bao, thiết bị máy móc công nghệ thậm chí chặt phá cả những hàng cây xanh vô tội, sau đó, lực lượng cưỡng chế ra về để lại hậu “chiến trường” đổ nát. Không có biên bản bàn giao, không kiểm kê tài sản, không niêm phong tài sản, thậm chí chính lực lượng cưỡng chế đã tự di chuyển đi tài sản của doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

“Đồng ý là cần phải nghiêm minh trong xử lý các vấn đề sai phạm cấp phép xây dựng, nhưng công trình mang tính chất xã hội hoá, đã dừng hoạt động nhiều tháng nhưng khi sửa sai cưỡng chế lại có phần vội vàng, về lý thì không sai nhưng về tình là cách hành xử vô cảm với doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hữu Cường bình luận.

Quận Hà Đông “né” cung cấp phương án cưỡng chế công trình?

Trong văn bản trả lời Cienco5 Land vừa ký ngày 04/02/2020, ông Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông phụ trách các vấn đề xây dựng trên địa bàn quận chỉ tập trung nêu lại các văn bản cưỡng chế và cho rằng hậu quả việc cưỡng chế chủ đầu tư đề nghị bồi thường là không có cơ sở, không giải quyết được và UBND quận đã làm đúng không ai chịu trách nhiệm.

“Trong quá trình cưỡng chế lực lượng thi hành nhiệm vụ không thu giữ bất kỳ tài sản vật dụng nào”, ông Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khi phóng viên Báo điện tử Xây dựng hỏi đến quy định về phương án cưỡng chế tháo dỡ và năng lực nhà thầu thi công cưỡng chế cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn trang thiết bị vật chất như nào thì ông Nguyễn Quang Ngọc chưa đưa ra ngay được mà phải chờ các bộ phận chuyên môn tổng hợp trao đổi lại sau.

Hiện tại, đại diện Cienco5 Land cho biết, công ty đã lập vi bằng hiện trạng công trình, có thể tiến hành các thủ tục khởi kiện chính quyền quận Hà Đông sau khi có đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, phía đại diện Cienco5 Land cũng cho biết sẽ có văn bản đề nghị UBND quận Hà Đông phải công khai hồ sơ năng lực đơn vị tiến hành cưỡng chế và phương án cưỡng chế đối với nhà thầu thi công hạng mục gây hậu quả nghiêm trọng này.

Sau đây là một số hình ảnh công viên nước Thanh Hà thành bãi phế liệu không lồ sau cưỡng chế:

Theo Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Công viên nước thành bãi phế liệu: Cần công khai phương án cưỡng chế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới