Thứ sáu, 19/04/2024 13:55 (GMT+7)

Công ty VMC bị “tố” lừa bịp trong xuất khẩu lao động (Bài 1)

Đặng Hoàng -  Thứ tư, 09/10/2019 15:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua, Tòa soạn MT&ĐT VN nhận được đơn tố cáo về hành vi lừa đảo của ông Vi Mạnh Cường - TGĐ Cty VMC Group thông qua hình thức thu tiền đưa đi xuất khẩu lao động và du học sang Nhật Bản.

Không có giấy phép vẫn ngang nhiên thu tiền để đưa XKLĐ.

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là định hướng đúng đắn nhằm giúp các hộ dân thoát nghèo và học hỏi được văn hóa, công nghệ của các nước tiến tiến. Tuy nhiên, căn cứ vào nhu cầu đi XKLĐ và sự thiếu hiểu biết của người lao động mà nhiều doanh nghiệp mặc dù không được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Giấy phép XKLĐ) nhưng vẫn ngang nhiên tuyển dụng, thu phí làm hồ sơ xuất cảnh, đào tạo cho người lao động với các “bánh vẽ” - đơn hàng việc nhẹ, lương cao, bay nhanh…gây ra không ít vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong dư luận.

Theo đơn tố cáo, Công ty Cổ phần đầu tư và nhân lực VMC- VMC Group (Cty VMC), có trụ sở tại thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, (Vi Mạnh Cường là người đại diện theo pháp luật; Giấy ĐKKD số: 2400823530, hoạt động từ ngày: 12/10/2017) bị nhiều người lao động tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nhóm PV đã làm việc với đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, thương binh và xã hội (Bộ LĐTBXH) và tra cứu trên Cổng thông tin của Cục Dolab và được biết, Công ty Cổ phần đầu tư và nhân lực VMC- VMC Group là doanh nghiệp không có Giấy phép XKLĐ.

Trụ sở Cty VMC

Một cuộc họp giữa nhân viên Công ty VMC và Tổng giám đốc 

Theo đó, Cty VMC Group sẽ không được hoạt động trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc không được tổ chức tuyển dụng, tư vấn, đào tạo, thu phí dịch vụ đối với chương trình XKLĐ sang các nước.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên “vẽ ra các đơn hàng” tại thị trường Nhật Bản để thu tiền bất chính của nhiều người.

Anh D.V.P, SN 1991, ở Nội Hoàng - Yên Dũng - Bắc Giang cho biết: Anh được một người quen giới thiệu đến Cty VMC Group để đi theo chương trình kỹ sư Nhật. Khi gặp trực tiếp TGĐ Vi Mạnh Cường, thì ông Cường tư vấn sẽ đi theo đơn hàng kỹ sư thiết kế khuôn cốp pha. Sau đó, Cty VMC báo anh D.V.P trúng tuyển đơn hàng, nhập học tại cùng địa chỉ của Cty VMC. Quá trình học hơn bảy tháng, mỏi mòn đợi chờ mà không có VISA mặc dù đã đóng số tiền 6.500 USD cho Cty, gia đình anh P mới nghi ngờ và đòi Cty VMC trả toàn bộ số tiền, thì bị TGĐ Vi Mạnh Cường “khất lần khất lượt” nhiều lần không chịu trả.

Tương tự với anh P, chị Nguyễn Thị Th, SN 1990, ở Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội được Cty VMC tư vấn và “bao đỗ” đơn hàng kỹ sư Nhật Bản (không phải phỏng vấn) vào tháng 12/2018. Tổng số tiền mà chị Th đã phải nộp cho Cty VMC là 128 triệu đồng. Tuy nhiên đến tháng 8/2019 chị vẫn không có tư cách lưu trú để xin VISA, chị đã viết đơn tố cáo hành vi với cơ quan thông tấn.

Đơn trình báo của chị Thanh

Chị Thanh làm việc với Cty VMC

Đủ chiêu trò lừa dân nghèo thiếu hiểu biết

Nhiều người lao động nghi ngờ năng lực của Cty VMC trong việc phái cử thực tập sinh (TTS)sang Nhật Bản. Khi liên hệ trực tiếp với ông Vi Mạnh Cường, họ đề nghị ông đưa ra giấy phép XKLĐ thì TGĐ Cty VMC lúng túng, trì hoãn và đưa ra các loại không đúng như: Giấy phép số 796//LĐTBXH-GP của Cty CP nhân lực TTC ở Hà Nội và Công văn số 1221/QLLĐNN-NBĐNA về việc thí điểm triển khai đưa thực tập sinh kỹ năng (TTS) ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản…

Ngoài ra, khi các TTS và kỹ sư nộp tiền cho Cty VMC thì Cty không hề có hóa đơn, biên lai đảm bảo tính pháp lý. Làm cho rất nhiều gia đình người lao động, hoài nghi, lo lắng khi để con em mình tham gia đơn hàng của Cty VMC.

Giấy cam kết có dấu của VMC

Tuy nhiên, với trụ sở thuê tại cửa ngõ TP Bắc Giang khang trang, được trang hoàng bằng nhiều biển bảng cỡ lớn; tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn ở các trường THPT, các trường trung cấp - cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và một số địa phương lân cận; các chương trình truyền thông rầm rộ trên internet (website, Fanpage…); các sự kiện hoành tráng tại trụ sở Cty VMC…Vi Mạnh Cường đã “đánh bóng tên tuổi” của mình và Cty VMC và tiếp tục “qua mặt” được nhiều người cả tin và đặc biệt là các bạn học sinh trung học phổ thông muốn tham gia chương trình TTS và du học tại Nhật Bản.

Qua điều tra, chúng tôi được biết, Cty VMC chỉ có chức năng tư vấn du học và được Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Giang cấp phép tư vấn du học. Theo quy định, Cty VMC chỉ được tư vấn, định hướng mà không được thu học phí, ký túc xá của các trường tiếng nước ngoài (số học phí và KTX bên nước sở tại sẽ do trường đó thu trực tiếp từ các du học sinh)

Tuy nhiên, trái với quy định hiện hành, Cty VMC vẫn thực hiện rất nhiều những “phi vụ khuất tất”, thu tiền từ các học sinh với số lượng lớn.

Đơn tố cáo của chị Mai

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, SN 2000, ở Hòa An, Cao Bằng đã làm đơn tố cáo rõ việc thu tiền của Cty VMC đến cơ quan công an và tòa soạn báo. Chị Mai đã bị Cty VMC thu tổng cộng số tiền 266 triệu đồng cho chương trình du học Nhật Bản từ cuối 2018 với cam kết sẽ xuất cảnh kỳ tháng 4/2019. Nhưng đến nay, Cty VMC báo chị Mai bị trượt tư cách lưu trú với những lý do không thỏa đáng và mặc dù chị Mai đã nhiều lần đến Cty VMC đòi tiền nhưng VMC vẫn chưa trả hết số tiền cho chị. Chị Mai cho biết: “các bạn của tôi học ở đây chưa một ai xuất cảnh được, các chương trình sự kiện tổ chức tại công ty, đặc biệt là Lễ chia tay xuất cảnh thì ông Vi Mạnh Cường thuê các HSSV ở các trường trung cấp - cao đẳng trên địa bàn Bắc Giang đến để PR cho chuyên nghiệp, dễ tạo niềm tin với người có nhu cầu đi XKLĐ hay du học… ”

Tổng Giám đốc VMC và tin nhắn SMS khất nợ học viên

Nhóm PV đã trực tiếp liên hệ làm việc với đại diện Cty VMC nhiều lần nhưng ông Vi Mạnh Cường không trả lời. Khi tác nghiệp tại trụ sở VMC, tại một số lớp học tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan tại đây các học viên cho biết, thầy cô cũng là những người đi XKLĐ về nước và chưa có chứng chỉ sư phạm, trung tâm hoạt động tự phát chứ không có chức năng đào tạo ngoại ngữ, khi lưu trú tại trung tâm đào tạo VMC thì không được đăng ký tạm trú- tạm vắng với chính quyền xã Đồng Sơn…

Văn bản trả lời của CQCSĐT CABG

Một trung tâm đào tạo Cty VMC không phép? Cty làm lĩnh vực XKLĐ mà không có giấy phép XKLĐ nhưng vẫn “sản xuất” các đơn hàng và thu tiền trái quy định của nhiều người…gây ra sự phẫn nộ và làm tốn kém rất nhiều chi phí- thời gian- cơ hội của nhiều bạn trẻ như vậy thì một câu hỏi lớn được đặt ra: các cơ quan chức năng ở Bắc Giang có biết việc làm của Cty VMC Group hay không?

Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Công ty VMC bị “tố” lừa bịp trong xuất khẩu lao động (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?