Thứ sáu, 29/03/2024 16:55 (GMT+7)

Ai can thiệp việc xử lý trạm trộn bê tông sai phép ở Bắc Ninh?(Kỳ 3)

Sơn Hồng - Tiêu Diệp -  Thứ ba, 16/04/2019 14:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Mới nhận chức Chủ tịch xã Tri Phương 6 tháng ngắn ngủi nên việc xử lý hàng chục trạm bê tông hoạt động trái phép gần 10 năm qua là hơi khó với tôi, mọi thứ cần thời gian, lộ trình” – ông Thịnh nói.

Trong một lần hiếm hoi phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử trao đổi cùng ông Nguyễn Trọng Thịnh - Chủ tịch UBND xã Tri Phương (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) chia sẻ cởi mở về việc gặp khó trong công tác xử lý “thiên đường” trạm trộn bê tông không phép tại địa phương trong thời gian vừa qua.

Trong đó ông Thịnh thổ lộ thẳng việc ra văn bản cưỡng chế chỉ “làm màu” và để “thối” bởi mỗi khi tiến hành xử lý là một vài cuộc điện thoại “bí mật” từ trên gọi xuống gây khó. Ngoài ra các doanh nghiệp còn gặp “sếp to” để xin lộ trình nên xã không biết xử lý như thế nào.

Dù sai phạm doanh nghiệp vẫn “lộng hành”

Gần đây nhất, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đăng tải: Cận cảnh 'thiên đường' trạm trộn bê tông không phép ở Bắc Ninh (Kỳ 1)Bắc Ninh: Loạt trạm trộn sai phép tự phát hay có sắp đặt? (Kỳ 2).

Trong loạt bài phản ánh về việc lãnh đạo xã Tri Phương nhiều năm qua cố tình bao che sai phạm lấn đất, chiếm đất, sử dụng đất trái phép, sử dụng đất sai mục đích... tự ý “xẻ thịt” hơn 20 ha đất đê điều, đất nông nghiệp xây dựng trạm trộn bê tông trái phép suốt từ năm 2013 đến nay nhưng chính quyền “ỉm” chuyện không báo cáo xử lý.

Lợi dụng lòng sông, đê điều khai thác, vận chuyển, làm bến bãi tập kết vật liệu xây dựng biến tướng nhiều năm qua. 

Sự việc khiến người dân xã Tri Phương vô cùng bức xúc bởi cách quản lý yếu kém của lãnh đạo địa phương khiến xã có tới 7 điểm “chui” xây dựng “vô phép” trạm trộn bê tông thương phẩm phân chia cho 13 chủ bến bãi hoạt động trái phép.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như dự án được UBND tỉnh Bắc Ninh chấp thuận. Hiện nay, dự án chỉ được “hiểu ngầm” nằm trong vùng quy hoạch và chưa hề có bất kỳ giấy tờ pháp lý nào cụ thể; chưa có quyết định giao đất của UBND tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chưa có biên bản bàn giao…

Hiện nay, toàn bộ 20ha đất đều nằm trong sự quản lý của xã Tri Phương nên không một đơn vị hay cá nhân nào có quyền xâm lấn, xẻ thịt đất để khai thác, sử dụng trái phép trừ khi có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được các cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Thế nhưng, ông Nguyễn Trọng Thịnh - Chủ tịch UBND xã Tri Phương cho biết: “Thực tếnăm 2019trên địa bàn xã có 5 đơn vị hoạt động bến bãi, sau đó xé lẻ ra cho các đơn vị khác nhảy vào nên có đến hơn 10 ông chủ.

Công ty Đầu tư và khai thác cảng Tri Phương được giao cho khoảng 12ha, không hiểu sao công ty lại tự ý chuyển giao một phần đất cho HTX Sơn Long sử dụng 1,8ha. Năm 2013-2015 chuyển giao cho Công ty Bắc Kỳ một phần tiếp làm sân bê tông để làm bến bãi tập kết VLXD nên bây giờ Công ty Đầu tư và khai thác cảng Tri Phương (của công ty Nam Hồng) còn khoảng 8ha.

Các trạm trộn bê tông tại xã Tri Phương từ đó cũng đồng loạt mọc lên "ăn theo".

Ngoài ra, còn có một vài đơn vị khác cũng đang sử dụng đất sai mục đích như: Công ty xây dựng Tri Phương có 6 ha, Công ty Nam Đạt 1,8ha và công ty Tuấn Hùng 1,6ha... ba đơn vị này đều tự ý nhận hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp của các hộ dân từ những năm 2013 rồi lập bến bãi hoạt động “vô phép”.

Ông Thịnh cho biết thêm: “Hiện nay, một vài đơn vị có hồ sơ xin đề nghị chuyển mục đíchsử dụng đấttừ đất nông nghiệp sang làm bến bãivà có văn bản được khảo sát địa điểm của UBND tỉnh Bắc Ninh từ những năm 2013. Tuy nhiên, hồ sơtrình UBND tỉnhxin chuyển đổi mục đíchsử dụng đấtnhiều năm chưa được thông qua”.

Việc doanh nghiệp dùng “món nghề” nhằm “lách luật”, “phá luật” là câu chuyện có thật tại xã Tri Phương?

Ông Thịnh nói: “Mặc dù chưa được giao đất những những công ty này có nhiều hợp đồng viết tay giữa hai bên. Nói rõ luôn là các doanh nghiệp có trạm trộn nhảy vào với các ông đang hoàn thiện hồ sơ bến bãi để hoạt động, mặc dù chưa có giấy phép hoạt động. Chúng tôi cũng đang đau đầu vì mấy ông giời này!

Ông Nguyễn Trọng Thịnh - Chủ tịch xã Tri Phương giãi bày cùng phóng viên.

Đầu năm 2019, liên quan đến Quy hoạch vùng thoát lũ cho Sông Hồng lúc này UBND tỉnh chỉ đạo dừng cấp phép hoạt động, hồ sơ giao đất cho hoạt động bến bãi trong lòng sông Đuống. Trong đó có khu vực bến bãi của xã Tri Phương liên quan trực tiếp đến 3 doanh nghiệp nêu trên.

Tồn tại 7 năm không phép, khi báo chí vào cuộc, dư luận bất bình phản ánh thì đầu năm 2019 UBND tỉnh Bắc Ninh mới có động thái phê duyệt về mặt chủ trương dự án đầu tư bến bãi. Cụ thể là các Công ty Nam Đạt, Công ty Tuấn Hùng và Công ty xây dựng Tri Phương mới rục rịch làm hồ sơ đề nghị UBND tỉnh cho phép quyết định chuyển đổi và giao đất.

Quyết định để… “thối”

Ông Thịnh từng có thời gian công tác lâu năm tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Du. Những tưởng về địa phương mọi công việc sẽ xử lý ổn thỏa và thông suốt nhưng 6 tháng kể từ khi về nhậm chức Chủ tịch, ông Nguyễn Trọng Thịnh mới tá hỏa: “Bây giờ cái xã này nó loạn, từ khi về sờ đến cái gì cũng là một mớ bòng bong.Tồn tại của địa phương thì cũng rất nhiềunhư đất đai, môi trường, bến bãi, trạm trộn, thậm chí kể cả công tác cán bộ”.

Đầu quý II/2019, các doanh nghiệp vẫn ngoan cố bám đất, chưa chịu giao trả lại mặt bằng sạch cho chính quyền.

Lãnh đạo tỉnh, huyện cùng các ban ngành từng khẳng định quyết liệt trước báo chí rằng sẽ xử lý dứt điểm trong năm 2018, nếu đơn vị không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế, giải tỏa. Song, đến đầu quý II/2019, các doanh nghiệp vẫn ngoan cố bám đất, chưa chịu giao trả lại mặt bằng sạch cho chính quyền.

Thể hiện rõ sự bất lực, ông Thịnh cho hay: “Giao cho tôi xử lý toàn bộ trong tháng 4, phải nói thật là sao làm được! Tôi đã ra văn bản đình chỉ toàn bộ tất cả đơn vị không có hồ sơ pháp lý nhưng mà lại có người điện thoại, nhắn tin. Kể cả tỉnh rồi huyện về chỉ đạo giải quyết, nhưng báo cáo anh/ em không làm được vì nó còn vướng nhiều cái lắm”.

Điều vướng mắc được ông Thịnh đề cập đến là gì? Những người đứng phía sau gọi điện, nhắn tin cho ông Thịnh là ai?

“Tôi nói thật, ra quyết định hành chính rất dễ nhưng sau lại không thực hiện được, quyết định nó ‘thối’ ra, mất cả uy. Tháng 5 tôi sẽ họp lại một lần nữa để lên phương án xử lý ngay nhưng công trình nào lớn theo từng bước sau đó lên gặp các sếp, xin ý kiến”, ông Thịnh nói.

Trong cuộc trao đổi ông Thịnh Khẳng định dù các chủ bến bãi, trạm trộn hoạt động sản xuất, chiếm dụng và sử dụng đất là sai. Tuy nhiên, vì có người “vẽ đường cho hươu chạy”, không để “quyết định thối” theo kiểu lên gặp các “sếp” xin lộ trình xử lý và hợp thức hóa sai phạm nên trường hợp này các văn bản hành chính hay bất cứ quyết định đình chỉ tháo dỡ nào của UBND xã, huyện ban ra cũng đều bị “lơ”.

Không những hiểu rõ “quy trình xin - cho” ông Thịnh còn đoán trước được cả “mưu mẹo” phía sau loạt giấy tờ đang xin cấp phép.

Theo ông Thịnh “nếu như người ta chỉ hoạt động bến bãi thôi thì rất nhẹ, nhưng doanh nghiệp nào cũng thế, cũng hám lợi. Có những đơn vị nhu cầu sử dụng chỉ 1ha nhưng lại làm hồ sơ 3 – 5ha, phần thừa còn lại dùng để đầu cơ mua bán, chuyển nhượng kiếm chác”.

Hiện nay, các đơn vị này chưa mua bán chuyển nhượng được thì lại nảy sinh câu chuyện cho mượn mặt bằng, thực ra là hợp đồng thuê mướn. Bằng cách làm hợp đồng cho mượn để “lách luật”, tiền thì các đơn vị này vẫn chuyển giao cho nhau như bình thường.

Mục đích đầu cơ chuyển nhượng, mua bán kiếm lời được hiểu rất rõ.

Vậy, toàn bộ sai phạm sử dụng đất nông nghiệp trên diện tích 20ha sẽ được “hô biến” như thế nào? Quá trình hợp thức hóa sẽ diễn biến ra sao? Thế lực nào đứng sau “giật dây” chỉ đạo và dẫn dắt cho toàn bộ sai phạm này? Không lẽ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bất lực trước sai phạm mà người dân kiến nghị gần 10 năm qua?

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Ai can thiệp việc xử lý trạm trộn bê tông sai phép ở Bắc Ninh?(Kỳ 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.