Thứ sáu, 29/03/2024 15:08 (GMT+7)

Chống tham nhũng vẫn trên nóng dưới lạnh

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ hai, 09/09/2019 11:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thực tế công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, để chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ không hề đơn giản.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty Mobifone và một số đơn vị liên quan, đồng thời đề nghị truy tố 2 bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT và 13 bị can liên quan về các tội danh trên.

Cơ quan điều tra xác định, trong vụ án nêu trên, ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu, là người chỉ đạo trực tiếp việc lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Với vai trò là Bộ trưởng Bộ TT&TT, ông Son đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, vì động cơ mục đích cá nhân mà quyết liệt chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm trái quy định của pháp luật gây thiệt hại gần 6.500 tỷ đồng, nhận hối lộ 3 triệu USD.

Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn

Cụ thể, do có quan hệ với ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch AVG kể từ khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT, nên khi Mobifone có văn bản đề nghị chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty này đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số, ông Nguyễn Bắc Son đã giới thiệu cho Mobifone mua AVG.

Theo kết luận điều tra, mặc dù biết đây là dự án nhóm A và dự án có quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương của Thủ tướng, song ngày 1/10/2015, ông Nguyễn Bắc Sơn đã có thư công tác chỉ đạo ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp họp với đại diện Mobifone và AVG thống nhất giá mua là 8.898,3 tỷ đồng tương đương 95% cổ phần AVG. Ông Nguyễn Bắc Son đã “lệnh” cho cấp dưới phải triển khai ngay dự án và đảm bảo hoàn thành trong năm 2015 vì theo kế hoạch đầu năm 2016 ông Son kết thúc nhiệm kỳ công tác và thôi chức Bộ trưởng.

Thực tế công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, để chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ không hề đơn giản. Đa số các vụ việc được xử lý gần đây chủ yếu là do cố ý làm trái, vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, còn chứng minh và kết luận được hành vi đưa và nhận hối lộ là rất hiếm. Trong khi đó, dư luận lâu nay “xì xào” về việc đưa và nhận hối lộ trong việc đấu thầu, đầu tư, phê duyệt dự án, thậm chí cả trong công tác cán bộ. Điều đáng nói là đưa, nhận hối lộ giờ đây không chỉ là các “bao thơ” mà bằng ca táp, thậm chí là những vali chứa hàng trăm nghìn, hàng triệu USD.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại không chứng minh, không làm ra được, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, trong thương vụ Mobifone mua AVG này, việc này cơ quan điều tra đã đấu tranh và làm rõ được hành vi đưa và nhận hối lộ đối với 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và hàng loạt các cựu lãnh đạo của Mobifone là bước tiến mới trong việc đấu tranh với tệ nạn tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ trong bộ máy công quyền.

Điều này sẽ tạo ra tiền đề để các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản, cũng như xử lý nghiêm hành vi đưa và nhận hối lộ.

Khi bị điều tra, ông Son đã viết đơn xin khắc phục hậu quả và xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để khắc phục. Điều đó là không thể chấp nhận được. Tội hối lộ, tham nhũng lớn theo quy định của pháp luật là phải tịch thu toàn bộ tài sản do tham nhũng và phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tử hình, không thể nộp 500 triệu đồng mà có thể khắc phục được.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho biết tội nhận hối lộ được điều chỉnh bởi Điều 354 BLHS năm 2015 với khung hình phạt tương ứng giá vật chất đã nhận. Cụ thể, người nhận hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên đã có thể bị áp dụng hình phạt tù từ 2 đến 7 năm. Thậm chí, tài sản nhận hối lộ dưới 2 triệu đồng vẫn có thể bị xử lý hình sự nếu đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc từng bị kết án về tội danh liên quan chức vụ. Với các trường hợp nhận hối lộ trên 1 tỷ đồng, Luật sư Thơm khẳng định họ phải đối mặt với khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT, như vụ xảy ra tại tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Cùng với đó, hoạt động lợi dụng triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Ví dụ điển hình được đưa ra là vụ 3 cán bộ thuộc Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ khi tiến hành thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

 Đề cập lĩnh vực này, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) băn khoăn khi tội tham nhũng lại nhập chung vào một loạt tội phạm khác về kinh tế, buôn lậu. Đặc biệt, loại tôi tham nhũng lại thấy rất ít trong khi tình hình thực tế lại không hẳn như vậy. Theo ông Nghĩa, “tham nhũng vặt” như vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ cũng là vấn đề nghiêm trọng, nếu nhập chung với các loại tội phạm khác thì chưa phản ánh hết tình hình. Một số vụ “rất to” được dư luận quan tâm, theo ông Nghĩa, khi ra tòa xét xử lại chỉ thấy tội “cố ý làm trái”, “lạm dụng chức vụ quyền hạn” mà không hề thấy tham nhũng.

“Chỉ có vụ báo đài đăng và nhân dân đang chờ đợi là vụ AVG thì thấy có, còn nhiều vụ nằm trong diện chỉ đạo phòng chống tham nhũng nhưng không thấy hành vi tham nhũng. Kể cả vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng cũng không có yếu tố tham nhũng. Thực sự như vậy hay khó quá không điều tra ra?”, ông Nghĩa nêu.

Vụ Thanh tra Bộ Xây dựng không phải “tham nhũng vặt”

Có cùng mối quan tâm về vấn đề tham nhũng, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cũng cho biết, cử tri kêu rất nhiều về nạn tham nhũng vặt. Chưa có phong bì, lót tay thì chưa xử lý công viêc, gây bức xúc trong nhân dân. Đại biểu Hùng cho rằng, cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.

Theo Chủ nhiêm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ không phải là tham nhũng vặt. “Thực ra, tham nhũng vặt là nhũng nhiễu chứ tham nhũng theo quy định tại Bộ Luật Hình sự, cứ 2 triệu đồng là bắt đầu truy tố rồi. Mức khởi điểm của tội tham ô là 2 triệu đồng, dưới 100 triệu là hình phạt từ 2 đến 7 năm tù. Đó là cách nói thông thường thôi, còn trong khái niệm của luật thì không có tham nhũng vặt. Riêng vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận đến mấy trăm triệu thì không thể là tham nhũng vặt”.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng trước khi bị bắt

Về lĩnh vực này, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng mặc dù các cơ quan đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Đáng lưu ý, vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và nhân viên nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân và tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân.

Ví dụ điển hình được nhóm nghiên cứu đưa ra như vụ số cán bộ Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang đang nhận hối lộ; vụ 5 cán bộ của Thanh tra nhà nước tỉnh Thanh Hóa bị bắt quả tang nhận hối lộ. Tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và giảm (0,35%) so với cùng kỳ. Ngày 4/9, Ủy ban Tư pháp tiếp tục phiên họp toàn thể, nghe các cơ quan tư pháp giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu đặt ra.

Tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) đặt câu hỏi: Vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm), phần liên quan dự án Đa Phước đến lúc nào thì chúng ta mới xử lý được?” “Tôi nhận ủy thác của Bí thư Thành ủy, đề nghị các đồng chí quan tâm đến vụ này, sớm giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho Đà Nẵng trong việc phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong thời gian sắp tới”.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp nêu: Các vụ án liên quan đến tiêu cực trong tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở một số địa phương hiện nay đã được kết luận điều tra, có vụ đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, dư luận và cử tri còn băn khoăn và đề nghị làm rõ động cơ của việc nhận tiền để làm sai lệch kết quả thi.

Vấn đề chống tham nhũng là vấn đề lớn. Cả nước đã đẩy mạnh chống tham nhũng. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân.

Trong xem xét phải xem xét cẩn thận, không thể xem tham nhũng là thiếu trách nhiệm, làm thất thoát tài sản nhà nước, mà phải tìm ra thủ phạm và tài sản thất thoát vào tay ai?

Việc vơ vét cuối nhiệm kỳ như ký các dự án để ăn hối lộ như vụ Mobifone, vụ đề bạt hàng loạt để nhận hối lộ, vụ chạy chức, chạy quyền đều xuất phát là hối lộ, phải xử nghiêm kẻ hối lộ và kẻ nhận hối lộ.

Phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu, người nào bao che, là sân sau cho tham nhũng phải bị xử lý nghiêm.

Phải phát động rộng rãi toàn dân tham gia chống tham nhũng, nhà nước phải tuyên dương và bảo vệ những người giám tố cáo các tham nhũng. Phải kiên quyết loại bộ máy nhà nước các phần tử tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, cơ hội, trục lợi, bè phái. /.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

         

Bạn đang đọc bài viết Chống tham nhũng vẫn trên nóng dưới lạnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.