Thứ sáu, 29/03/2024 21:13 (GMT+7)

Các trường hợp được rẽ phải khi tham gia giao thông

Luật gia Lê Minh -  Thứ ba, 20/08/2019 08:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những trường hợp người tham gia giao thông được phép rẽ phải, kể cả khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ?

Câu hỏi: Tôi bị cảnh sát giao thông đường bộ xử phạt khi rẽ phải mà tín hiệu giao thông đang báo đèn đỏ. Xin hỏi, theo quy định của pháp luật giao thông thì được rẽ phải trong trường hợp nào? Và mức xử phạt ra sao?

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

          Theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ, hay gọi là QCVN 41:2016/BGTVT thì thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu như sau:

  1. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
  2. Hiệu lệnh của đèn tín hiệu;
  3. Hiệu lệnh của biển báo hiệu;
  4. Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.

          Như vậy, khi gặp đèn đỏ thì bạn sẽ được rẽ phải trong 05 trường hợp sau:

+/ Có hiệu lệnh cho rẽ phải của người điều khiển giao thông;

+/ Có đèn xanh báo hiệu ưu tiên cho phép rẽ phải được lắp đặt kèm theo. Bên cạnh đèn tín hiệu giao thông thông thường còn được lắp thêm một đèn phụ có hình mũi tên xanh. Khi đèn tín hiệu giao thông mũi tên chuyển xanh, người điều khiển phương tiện sẽ được phép rẽ theo hướng mũi tên nhưng phải nhường đường cho các phương tiện lưu thông từ các hướng khác được phép đi;

+/ Có biển báo giao thông cho phép các xe rẽ phải được lắp đặt kèm theo;

+/ Có lắp đặt tiểu đảo để phân luồng cho phép các xe rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông;

+/ Có vạch kẻ đường là vạch mắt võng. Nếu vạch mắt võng màu vàng xuất hiện ở vị trí làn phải trong cùng, cộng thêm mũi tên chỉ hướng di chuyển sát ngã tư, nghĩa là phần đường này chỉ dành cho xe rẽ phải, cấm xe đi thẳng đi vào phần đường này.

          Trường hợp mà bạn rẽ phải không thuộc một trong 05 trường hợp nêu trên thì bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cụ thể Nghị định số: 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ như sau:

“Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

  1. Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
  2. a) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
  3. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
  4. b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm h, Điểm i Khoản 3; Điểm b, Điểm c, Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 4; Khoản 5; Điểm a, Điểm b, Điểm d Khoản 6; Điểm a, Điểm c Khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

  1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
  2. c) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
  3. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
  4. b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm i, Điểm m Khoản 4; Điểm b, Điểm đ Khoản 5; Khoản 6; Điểm a Khoản 7; Điểm a Khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

Điều 8. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

  1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
  2. h) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.”

          Theo quy định trên thì mức xử phạt đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô khi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông là phạt tiền từ 1.2 triệu đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

          Đối với mức xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy khi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông là phạt tiền từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng. Hình phạt bổ sung có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

          Đối với mức xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy khi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông là phạt tiền từ 60 nghìn đến 80 nghìn đồng.

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh

Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline KĐT Văn Quán, Văn Quán, Hà Đông,Hà Nội

Hotline: 0961.272.396

Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Các trường hợp được rẽ phải khi tham gia giao thông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới