Thứ sáu, 29/03/2024 11:39 (GMT+7)

Người dân phản đối Dự án Trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân

Nhóm Phóng viên -  Thứ tư, 06/11/2019 08:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Họ tự ý quây lại, dù chưa có sự đồng ý, chưa họp hành bàn bạc thống nhất đã quây lên như thế này, mỗi ngày họ quây một ít, có người dân thì họ dừng, họ làm ban đêm”, một người dân phản ánh.

Loay hoay hơn 7 năm chưa xong giải phóng mặt bằng

Hôm nay, giữa tiết trời Thu Hà Nội, không khí tại tại ô đất có kí hiệu C2-2/THPT1 thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên lại trở nên căng thẳng. Bà con ngăn cản những người lạ mặt tiến hành quây tôn dự án Xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân do Công ty Cổ phần tập đoàn SSG làm chủ đầu tư bởi lẽ khu đất chưa được đền bù thỏa đáng.

Họ tự ý quây lại, dù chưa có sự đồng ý, chưa họp hành bàn bạc thống nhất đã quây lên như thế này, mỗi ngày họ quây một ít, có người dân thì họ dừng, họ làm ban đêm”, một người dân phản ánh.

Dự án Xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân do Công ty Cổ phần tập đoàn SSG làm chủ đầu. 

Được biết, Chủ tịch UBND quận Long Biên đã ban Quyết định số 1114/QĐ-UBND ngày 17/4/2012 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án: Xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân (tên giao dịch quốc tế là Spring School) tại ô đất có kí hiệu C2-2/THPT1 thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên.

Theo đó, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần tập đoàn SSG, tổng mức đầu tư 235.303 triệu đồng, với mục tiêu xây dựng trường THPT chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp giáo dục của địa phương và khu vực.

Để thực hiện dự án này, chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, cam kết hỗ trợ ngân sách địa quận Long Biên là 500 triệu đồng, số tiền thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng là gần 77 tỉ đồng.

Tuy nhiên, từ thời điểm được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, đến nay đã hơn 7 năm, công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều người dân không đồng tình việc nhà nước thu hồi đất và đền bù với “giá bèo”.

Cụ thể, bà con nơi đây cho rằng, dự án nêu trên thuộc dự án nhóm B, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo các quy định của Luật Đất đai năm 2003; Điều 36 Nghị định 181/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ. Đây là dự án phục vụ mục đích kinh doanh chứ không vì mục đích công cộng, chính vì vậy chủ đầu tư phải đứng ra thỏa thuận, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên trên thực tế, giá đền bù đất ruộng, đất nông nghiệp được công bố là 1,53 triệu đồng mỗi m2 và không có tiền hỗ trợ giải quyết việc làm khi thu hồi đất. Bức xúc với mức giá đền bù không thỏa đáng, các hộ dân tại đây đã làm đơn thư kiến nghị gửi các cơ quan chức năng.

Diện tích đất đa phần vẫn đang được người dân canh tác nông nghiệp. 

Theo Văn bản số 4159/STNMT-CCQLĐĐ trả lời anh Nguyễn Đức Thọ cũng như các hộ dân ở phường Bồ Đề. Sở TNMT căn cứ vào Khoản 3, Điều 2, Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 điều chỉnh, bổ sung Khoản 2, Điều 36, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 (quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế): “Sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công cộng bao gồm các công trình giao thông, điện lực, thuỷ lợi, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc, đường ống dẫn xăng dầu, đường ống dẫn khí, giáo dục, đào tạo, văn hoá, khoa học kỹ thuật, y tế, thể dục, thể thao, chợ” và kết luận, dự án này thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2003.

Sở TNMT cũng cho biết, dự án này không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo Điều 62, Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, chiếu theo quy định tại Khoản 60, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ thì “Đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013 mà đã lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp vào danh mục dự án cần thu hồi đất để trình Hội đồng nhân dân thông qua trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất. Trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với trường hợp quy định tại khoản này thực hiện theo quy định tại Điều 69 của Luật đất đai 2013”.

Văn bản Sở TNMT Hà Nội trả lời anh Nguyễn Đức Thọ cũng như các hộ dân ở phường Bồ Đề.

Căn cứ vào các Nghị định nêu trên, Sở TNMT Hà Nội kết luận, Dự án Xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân tại phường Bồ Đề, quận Long Biên thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất.

Sau khi nhận được văn bản nêu trên, anh Nguyễn Đức Thọ cũng như hàng chục hộ dân có đất bị thu hồi tiếp tục gửi kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng đề nghị làm rõ vì có nhiều điểm chưa sáng tỏ.

Bên cạnh đó, anh Nguyễn Đức Thọ cho rằng, nếu dự án này đi vào hoạt động thì không phải ai cũng có điều kiện để cho con em được theo học tại ngôi trường này, bởi lẽ với mức học phí năm học 2019-2020 của mỗi học sinh vào đây học từ lớp 1 đến lớp 12 rất cao, từ 142,52 triệu đồng đến 197,67 triệu đồng thì dự án trên không thể xem là dự án phục vụ công cộng, phục vụ sự nghiệp giáo dục chung cho địa phương.

Thu hồi đất có đúng quy định?

Có mặt tại địa điểm triển khai dự án thuộc khu đất có kí hiệu C2-2/THPT1, nằm trên đường Cổ Linh, phường Bồ Đề là hàng chục tấm băng rôn phản đối “đất chưa đền bù - cấm xâm phạm” của các hộ dân. Tại địa điểm thực hiện dự án, chủ đầu tư cũng mới dựng lên bảng thông tin và phối cảnh kiến trúc. Còn khu đất thì người dân vẫn đang sản xuất nông nghiệp bình thường, tuy nhiên nhiều đoạn đã dựng tôn quây bên ngoài.

Một phần dự án đang được quây tôn chắn. 

Chúng tôi không có công ăn việc làm nên phải ra đồng, bây giờ lấy nốt chỗ đất này, chúng tôi trắng tay biết lấy gì nuôi gia đình, giữa Thủ đô mà đất có giá hơn 1 triệu đồng, chúng tôi lấy đâu ra tiền mua mảnh đất khác”, một người dân nói với chúng tôi.

Là một trong những hộ dân có đất nằm trong vùng quy hoạch, bà Nguyễn Thị Lan (tổ 14, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP. Hà Nội) cho biết, bà mong muốn được làm sổ đỏ và cấp giấy phép xây dựng để làm nhà, ổn định cuộc sống trên diện tích đất thổ cư của gia đình, bà không mong muốn xây trường học hay bất cứ dự án nào. Bởi lẽ những lời hứa từ chính quyền dường như không còn đáng tin cậy.

Nhiều khu đất chính quyền nói để trồng cây xanh, làm công viên nhưng giờ toàn là biệt thự, nhà tiền tỷ. Nếu thu hồi đất để phục vụ lợi ích Quốc gia, hay vì mục đích công cộng thì chúng tôi luôn sẵn sàng, còn nếu thu hồi đất cho doanh nghiệp kinh doanh thì cần phải thỏa thuận với dân, đây là trường tư nhân cơ mà.”, bà Lan nói.

Trước đó bà Lan cùng nhiều hộ dân đã đồng ý đổi đất, đồng ý bàn giao đất cho địa phương làm con đường liên thôn để đổi lấy mảnh đất thổ cư hiện tại nằm trong khu quy hoạch xây dựng dự án. Mảnh đất đã được cấp bìa vàng, tuy nhiên sau đó bị thu hồi lại.

Kể từ đó, mọi đề nghị của bà đều không được giải quyết, đất không có sổ đỏ, không được phép xây dựng. Cuộc sống đầy bất an, lo lắng.

Bà Lan sống trong ngôi nhà tạm đã nhiều năm. 

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thị Loan, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, dự án này không thuộc trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế theo Luật Đất đai năm 2003 và các Nghị định của Chính phủ. Trong đó, khoản 1, điều 40 Luật Đất đai năm 2003 đã quy định rất rõ về việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế: “Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ”.

Theo quy định của pháp luật, chỉ những dự án giáo dục đáp ứng những điều kiện sau đây mới thuộc trường hợp sử dụng đất phát triển kinh tế:

1. Dự án giáo dục này phải là dự án lớn theo quy định của Chính phủ (theo quy định tại khoản 1 điều 40 Luật Đất đai năm 2003)

2. Dự án giáo dục này phải là dự án phục vụ mục đích công cộng

Từ đó, Luật sư Nguyễn Thị Loan cho rằng, nếu dự án này không đáp ứng được hai điều kiện ở trên thì không phải là dự án vì mục đích phát triển kinh tế theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Người dân phản đối Dự án Trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.