Thứ sáu, 19/04/2024 21:30 (GMT+7)

Xử lý rác thải tại TP. Pleiku: Nhiều ý kiến trái chiều

NGUYỄN GIÁC -  Thứ năm, 27/09/2018 09:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau thông tin nước rỉ thải tại bãi chôn lấp rác ở xã Gào, TP. Pleiku (Gia Lai) được phản ánh, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai đã lập đoàn khảo sát thực tế, đánh giá tác động về môi trường tại đây.

Nước rỉ thải chảy ra suối... tại “ông trời”?

Theo phản ánh từ báo chí, đại diện Chi cục bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai đã mời các bên liên quan gồm Sở Xây dựng, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh, UBND TP. Pleiku, UBND xã Gào, UBND xã Ia Kênh, Công ty Cổ phần Công trình đô thị Gia Lai cùng kiểm tra thực tế và đưa ra các đánh giá về việc nước rỉ thải không được kiểm soát, ngày đêm chảy ra suối.

Đoàn kiểm tra của tỉnh làm việc tại bãi chôn lấp rác xã Gào.

Từ thực tế ghi nhận tình trạng nước rỉ thải đổ vào suối không được kiểm soát, đoàn kiểm tra của tỉnh đã đi đến thống nhất: Yêu cầu Cty CP Công trình đô thị Gia Lai khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh hệ thống mương thoát nước, thời gian khắc phục đến ngày 30/12/2018; đầu tư trạm bơm để tuần hoàn nước rỉ rác trở lại các ô chôn lấp, không để nước rỉ thải chảy ra môi trường, gia cố các hồ bị rách bạt trước ngày 10/10/2018; có phương án nạo vét tăng dung tích chứa và lót bạt chống thấm bãi lọc sinh học (hồ xử lý nước thải cuối); cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.

Nhân viên lấy mẫu nước tại bãi rác và suối Ia Puch đưa đi kiểm nghiệm.

Tại buổi kiểm tra, qua trao đổi, ông Trần Minh Thành – Phó Giám đốc Cty CP Công trình đô thị Gia Lai cho rằng: Nước rỉ thải chảy ra suối do mưa nhiều, các năm trước không có. Tại vị trí hố 2 nước rỉ thải chỉ đổ ít vào hệ thống gom nước mưa, chảy bao nhiêu không đong đếm được (?)

Trong buổi làm việc, đoàn kiểm tra mời đại diện Trung tâm kỹ thuật quan trắc môi trường – Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi trực tiếp lấy 2 mẫu nước tại hồ chứa nước rỉ thải và tại suối Ia Puch để kiểm tra. Việc phân tích các mẫu nước sẽ được đoàn kiểm tra công bố sau khi nhận được kết quả.

Bãi rác kiêm bể chứa nước thải bể phốt?

Hiện nay, lượng rác thải tại bãi chôn lấp ngày càng nhiều, hố chứa quá tải. Tuy nhiên, công tác duy tu sửa chữa khắc phục các hư hỏng chưa được quan tâm khiến nước rỉ thải độc hại ngày đêm đổ ra suối không hề được các cơ quan chức năng kiếm soát, xử lý kịp thời. Không chỉ vậy, bãi chôn lấp rác thải xã Gào, TP. Pleiku còn kiêm thêm nhiệm vụ tiếp nhận các xe chứa nước thải bể phốt (nước thải bồn cầu).  

Xe chở bể phốt đổ chất thải lỏng bên hố rác xã Gào nơi được cho là cấm việc đổ chất thải này?
Xe chở bể phốt đổ chất thải lỏng bên hố rác xã Gào nơi được cho là cấm việc đổ chất thải này?

Cũng từ thông tin người dân cung cấp, các xe sau khi thực hiện dịch vụ hút bể phốt thì chạy đi đâu? đổ đâu không ai hay biết? Trong số đó, có người dân cho hay, xe thì chạy ra hướng Trà Đa, An Phú, lên xã Gào...

Kiểm chứng thông tin cung cấp, sau nhiều lần theo dõi, chúng tôi phát hiện có xe tải dịch vụ vệ sinh hút bể phốt mang tên H.Q tiến về hướng bãi rác xã Gào. Khi chiếc xe tải này vào đến cổng bãi rác nơi đang được Cty Công trình đô thị Gia Lai quản lý, không hề có ai hỏi cũng như quan tâm sự xuất hiện của chiếc xe “đặc chủng” này. Cứ thế, tài xế đánh xe vào cạnh bãi rác (hố 2) sau đó thả ống, nước màu đen, đậm đặc từ trong bồn xe đổ ra ngoài với mùi đặc trưng tỏa rộng khắp, chảy lênh láng trên nền bê tông rồi chảy thẳng vào hố rác.

Chất thải bể phốt đổ trực tiếp từ xe chứa tại bãi rác.

Cũng trong lần thực hiện bài viết về nước rỉ thải trực tiếp đổ ra suối, PV ghi nhận được các hình ảnh xe tải chở chất thải bể phốt H.Q liên tiếp trở lại bãi rác để đổ chất thải. Qua tìm hiểu, việc chấp thuận cho xe chở chất thải đổ vào hố rác có sự đồng tình từ người phụ trách bãi rác thải và lãnh đạo công ty Công trình đô thị Gia Lai?

Nhằm xác minh rõ hơn về bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt có được tiếp nhận nước thải bể phốt, PV trao đổi ông Trần Minh Thành – Phó Giám đốc Cty CPCTĐT Gia Lai, ông này khẳng định: Bãi rác chỉ tiếp nhận rác thải sinh hoạt, còn các loại xe chở nước thải bể phốt không được đổ tại đây. Bên công ty có xe làm dịch vụ nhưng nay không còn hoạt động. Còn bên ngoài không được đổ trong bãi rác?

Xe chở chất thải ra vào nhưng đơn vị quản lý cho rằng không có?

Đồng thuận quan điểm trên, một đại diện Phòng quản lý đô thị - UBND TP.Pleiku khi thực hiện công tác kiểm tra cùng đoàn tại hố rác một mực cho rằng bãi rác không có xe chứa nước thải bể phốt nào được đổ vào đây.

Từ lời khẳng định và chắc chắn cho rằng nước thải bể phốt sau khi hút vệ sinh sẽ không được đổ vào bãi rác. Tại buổi làm việc chiều 17/9, ông Trương Văn Chánh – Phó Giám đốc Cty Công trình đô thị Gia Lai được phân công tiếp, trả lời báo chí lại đưa ra thông tin hoàn toàn trái ngược với những gì ghi nhận trên.

Khi được hỏi về việc xử lý rác thải, nước bể phốt có được cho vào đổ hay không tại bãi rác xã Gào, vị Phó giám đốc cho biết: "Nước thải bể phốt do xe của đơn vị làm dịch vụ được đổ tại bãi rác, nếu không đổ đây thì đổ đâu. Với các nơi khác không được phép đổ vào. Nước thải đổ vào bãi rác cũng tốt, lên men nhanh! Nước thải không đổ vào bãi rác thì cả thành phố này mỗi ngày đổ đi đâu, còn việc phụ trách bãi rác là của người khác nên tôi chưa nắm rõ".

Như vậy, ngoài việc chất rỉ rác ngày đêm đổ ra suối không chỉ có rác mà rất nhiều tạp chất khác từ bể phốt cũng được thấm và đổ ra suối Ia Puch trong thời gian qua.

Với những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được và việc khẳng định từ các bộ phận chức năng của TP. Pleiku, Cty CPCTĐT Gia Lai, thì liệu rằng đâu là câu trả lời chính xác với những hình ảnh thực tế mà phóng viên ghi nhận?

Xử lý rác thải - vấn đề cấp bách

Sau các lần làm việc và hẹn để trả lời, sáng 19/9, tại UBND TP. Pleiku, PV làm việc trực tiếp với ông Trần Xuân Quang - Chủ tịch UBND TP. Pleiku. Ông Quang cho biết: Chúng tôi đã nhận được báo cáo cũng như nội dung yêu cầu từ báo chí. Hiện các bộ phận tham mưu đang tập hợp để có đầy đủ thông tin. Riêng về việc xử lý rác của thành phố, đây là vấn đề được địa phương và tỉnh quan tâm. Hiện tại phương án kêu gọi đầu tư, thành lập nhà máy xử lý rác thải đang được tiến hành nhằm chọn được đơn vị và cách xử lý rác hữu hiệu nhất.

Cũng theo vị Chủ tịch TP. Pleiku, hiện nay, mỗi năm thành phố chi trả thêm hơn 30 tỷ đồng cho việc thu gom, xử lý rác thải. Nếu chọn phương án mới, hiện đại cho việc xử lý rác thải thì kinh phí dự kiến sẽ tăng lên gấp bội. Do vậy, chúng tôi cũng mong muốn sớm có nhà đầu tư chọn lựa công nghệ xử lý rác tối ưu. Về phía tỉnh quan tâm bổ sung thêm nguồn kinh phí để việc xử lý rác mang lại hiệu quả, tránh tác động xấu đến môi trường như việc chôn, lấp rác thủ công như hiện tại.

Nước rỉ thải chứa đủ tạp chất lẫn nước bể phốt thấm chảy ra suối

Khi được hỏi về việc xử lý nguồn chất thải lỏng (nước bể phốt), Chủ tịch UBND TP.Pleiku cho biết để phòng chuyên môn báo lại cụ thể hơn.

Trước vấn đề ô nhiễm tại bãi rác xã Gào đang hết sức cấp bách, nhiều câu hỏi được đặt ra như việc đổ chất bể phốt bãi rác có được phép hay không? Nếu có thì theo quy định nào, và việc đổ chất bể phốt như ghi nhận của PV như vậy có đảm bảo điều kiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước hay không? Còn nếu không được thì đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm để tránh ảnh hưởng đến người dân.

Bạn đang đọc bài viết Xử lý rác thải tại TP. Pleiku: Nhiều ý kiến trái chiều. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...