Thứ năm, 25/04/2024 19:25 (GMT+7)

Xây dựng 3 khu tái định cư để di dời người dân quanh bãi rác Nam Sơn

An Yên -  Thứ bảy, 19/01/2019 08:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước ngày 30/3/2019, UBND huyện Sóc Sơn phải tiến hành việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân quanh bãi rác Nam Sơn theo thẩm quyền.

Có tới gần 1.000 hộ dân thuộc 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đang sinh sống trong vùng ô nhiễm (bán kính 500 m tính từ bãi rác). Việc họ tụ tập chặn xe đã quá quen thuộc với cánh tài xế xe rác lẫn các cán bộ nhân viên bãi rác.

Việc người dân quanh bãi rác Nam Sơn tụ tập chặn xe đã quá quen thuộc với cánh tài xế xe rác lẫn các cán bộ nhân viên bãi rác.

Giữa năm 2017, nạn ruồi nhặng hoành hành quanh đây từng khiến người dân bức xúc. Họ mang hàng cân xác ruồi ra chặn giữa đường không cho các xe chở rác vào bãi.

Đầu tháng 7/2018, người dân tái diễn cảnh chặn xe rác vì thời tiết nắng nóng cộng với mùi hôi thối khiến họ không chịu nổi. Chính quyền huyện Sóc Sơn lại xuống đối thoại, người dân lại giải tán.

Việc chặn xe rác là cách hiệu quả nhất để các lãnh đạo ở thành phố Hà Nội phải sốt ruột với nỗi khổ của dân Nam Sơn.

Sau nhiều lần chặn xe, người dân nơi đây dần nhận ra một quy luật, hễ bãi rác Nam Sơn bị phong tỏa, chỉ trong một thời gian ngắn rác thải ở nội thành sẽ ùn ứ, ô nhiễm nặng nề vì không có nơi xử lý. Với họ, việc chặn xe rác là cách hiệu quả nhất để các lãnh đạo ở thành phố Hà Nội phải sốt ruột với nỗi khổ của dân Nam Sơn.

Mới đây, đỉnh điểm là chiều 10/1/2019, hàng trăm người dân tụ tập bên ngoài bãi rác Nam Sơn, họ dựng lều bạt, phong tỏa lối vào bãi rác, còn trang bị cả củi khô để đốt sưởi gác xuyên đêm. Người dân ở đây cho biết sẽ kiên quyết và không dừng lại việc chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn này, họ yêu cầu chính quyền phải xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm.

Sau 4 ngày người dân chặn xe rác tại bãi rác Nam Sơn, lượng rác thải ở nội thành Hà Nội bị ùn ứ chất đống ô nhiễm vô cùng.

Ông Đỗ Phương Bột – xóm Huỳnh, thôn 2 xã Hồng Kỳ bức xúc: “Nhân dân chúng tôi muốn trực tiếp Chủ tịch UBND TP Hà Nội về đối thoại trực tiếp với dân và hứa với dân rõ ràng. Chứ cứ giao cho xã với huyện chẳng giải quyết được gì, dân chúng tôi mất niềm tin lắm rồi. Lần này sẽ không chỉ chặn 1, 2 ngày đâu”.

Trong khi dân dựng lều lán chắn xe rác, thì chính quyền huyện Sóc Sơn cũng phải "trắng đêm" để vận động người dân dỡ bỏ lều bạt, mở đường cho xe vào bãi rác Nam Sơn nhưng không đạt kết quả. Vì dân họ cho rằng chính quyền cấp huyện không giải quyết được vấn đề nên kiên quyết đợi lãnh đạo thành phố về đối thoại. Đến ngày thứ 3 (13/1) người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn, lượng rác ở nội thành Hà Nội chất đống, ùn ứ khắp mọi nơi, thì Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng mới trực tiếp về đối thoại và vận động người dân.

Sau khi UBND TP Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn về đối thoại và vận động người dân vào ngày 13/1, thì đến sáng ngày 14/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký công văn hỏa tốc số 194/UBND-GPMB gửi các sở ngành và UBND huyện Sóc Sơn giao nhiệm vụ cụ thể thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Hơn 3.800 nhân khẩu đang sống gần bãi rác Nam Sơn luôn sống trong nỗi khiếp sợ vì ô nhiễm môi trường.

Anh N.V.Quý, người dân sống cách bãi rác Nam Sơn chưa đầy 100 mét cho biết: “Cư dân ở đây đã quen cảnh ăn cơm chung với ruồi nhặng, đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang vì mùi hôi thối. Hơn 4.000 tấn rác của Hà Nội được chở lên bãi rác Nam Sơn này mỗi ngày. Có đợt hàng chục tấn cá ở hồ Tây chết bốc mùi hôi thối nồng nặc được xe vận chuyển mang lên đây chôn lấp khiến người dân "kinh hoàng" vì xác cá rơi rớt dọc đường”.

Hơn 3.800 nhân khẩu đang sống gần bãi rác Nam Sơn luôn sống trong nỗi khiếp sợ vì ô nhiễm môi trường. Sau mỗi đêm xe rác lũ lượt kéo về, thì sáng hôm sau ánh mặt trời lại soi rõ những vệt nước rỉ rác từ đoàn xe chảy ra đen kịt mặt đường. Người dân mặt mày xây xẩm bắt đầu ngày mới với mùi xú uế quen thuộc bốc lên.

Sau mỗi đêm xe rác lũ lượt kéo về thì sáng hôm sau ánh mặt trời lại soi rõ những vệt nước rỉ rác từ đoàn xe chảy ra đen kịt mặt đường.

Bà N.T Thư – thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: “Những năm qua, chính quyền TP Hà Nội đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người dân vùng ô nhiễm như gửi tiền trợ cấp theo đầu người, ưu đãi về dịch vụ y tế, miễn phí nước sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng... Nhưng tất cả không thấm vào đâu so với nỗi khổ sở mà chúng tôi phải chịu đựng. Giờ người dân chỉ mong được di dời khỏi vùng ô nhiễm càng sớm càng tốt”.

Chính quyền TP Hà Nội cũng thấy việc di dời người dân ra xa bãi rác là giải pháp tất yếu. Điều này được cụ thể hóa bằng việc Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về địa phương năm 2016 và tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc di dời, tái định cư cho các hộ dân trong vòng bán kính 500 m quanh bãi rác. Sau tuyên bố của lãnh đạo thành phố, người dân tiếp tục chờ đợi, đến nay đã gần 3 năm. Thi thoảng họ lại bày tỏ sự sốt ruột của mình bằng những cuộc tụ tập chặn xe rác.

Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP Hà Nội (ban hành ngày 3/6/2013) có nêu rõ khoảng cách an toàn từ điểm/bãi chôn lấp rác thải đến khu vực dân cư tập trung, trường học, bệnh viện, các nguồn nước sông, hồ… tối thiểu là 500 m.

Tuy nhiên ở bãi rác Nam Sơn, diện tích đáng lẽ phải dùng làm vành đai xanh lại đang là nơi sinh sống, sản xuất nông nghiệp của hơn 3.800 con người. Họ đã sống ở đây từ nhiều đời, chứng kiến những chuyến xe rác đầu tiên từ Hà Nội chuyển lên vào năm 1999 khi thủ đô bắt đầu lựa chọn nơi này để chứa rác thải cho vùng nội thành.

UBND huyện Sóc Sơn sẽ đảm bảo tiến độ chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân từ quý II/2019.

Sau nhiều năm chờ đợi, đến cuối cuối năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn đã ký 3 quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời người dân 3 xã trong vùng ô nhiễm bán kính 500 m.

Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, ông Đỗ Minh Tuấn cho biết, ba khu tái định cư trên được xây dựng trên quỹ đất của ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, tuy nhiên do thiếu kinh phí nên mới kéo dài. Hiện tại cơ bản đã giải phóng mặt bằng xong, đang làm hạ tầng trên đất. Huyện Sóc Sơn dự kiến kinh phí để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hơn 2.000 hộ dân là khoảng 3.400 tỷ đồng.

Thời gian dự kiến triển khai việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, trước ngày 30/3/2019 UBND huyện Sóc Sơn phải tiến hành việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân theo thẩm quyền, đảm bảo tiến độ chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân từ quý II/2019.

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng 3 khu tái định cư để di dời người dân quanh bãi rác Nam Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.