Thứ sáu, 29/03/2024 22:02 (GMT+7)

Xã An Khánh có làm ngơ cho việc san lấp đất bằng rác thải xây dựng?

Phan Ngân -  Thứ tư, 04/04/2018 08:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều héc-ta ao hồ ở An Khánh đang bị san lấp trái phép bằng rác thải xây dựng khiến nhiều người lo ngại về sự ảnh hưởng của rác thải tới môi trường. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc này?

Gần 20 năm trở về trước, cơn bão đô thị hóa đã ập đến xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội từ một xã thuần nông nay thành “đô thị”. Hậu quả đi kèm cơn lốc “Thủ đô hóa” này là hàng nghìn hộ dân không còn đất để sản xuất, trồng trọt.

Năm 2001, thực hiện Quyết định 672 của Chính phủ, xã An Khánh bị thu hồi 34ha đất ven đường Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long) để thực hiện dự án Cụm công nghiệp An Khánh.

Tuy nhiên, cho tới tận bây giờ, trên địa bàn xã An Khánh vẫn còn cơ số diện tích đất chưa giao được cho doanh nghiệp do thỏa thuận không thành giữa các doanh nghiệp và nhân dân.

Điều đáng nói hơn nữa là có một diện tích đất lớn trong đó đang bị san lấp trái phép rầm rộ bằng rác thải xây dựng.

Nhặt ve chai từ xe vật liệu san lấp

Đó tưởng chừng như điều nghịch lý nhưng lại xảy ra tại khu đất ao rộng vài hec-ta ở vị trí gần hai sân bóng mini của thôn Phú Vinh, xã An Khánh. Khu đất có nguồn gốc là đất dự án Cụm công nghiệp An Khánh chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng (GPMB), nay do UBND xã An Khánh trực tiếp quản lý.

Thế nhưng, từ dịp Tết Nguyên đán 2018 trở lại đây, khu vực này đang bị san lấp rầm rộ bằng rác thải xây dựng. Không khó để có thể phát hiện được khu vực san lấp, bởi lúc nào có xe tải chở rác thải xây dựng đến là lúc đó có tới vài chục người làm nghề đồng nát nhanh chóng tập hợp, cuốc tung từng mảng đất để thu lấy phế liệu.

Đứng từ xa cũng có thể thấy hàng chục người thu nhặt phế liệu đang nhanh chóng đào xới ngay cạnh chiếc xe san gạt.

Thay vì san lấp bằng cát và đất, ở đây người ta dùng đất bẩn xen lẫn túi bóng, bao xi măng, rác sinh hoạt và vô kể gạch ngói vỡ để làm đầy vài héc-ta ao đầm. 

Dường như cả đơn vị quản lý nhà nước lẫn đơn vị thu mua số chất thải xây dựng này đều "tặc lưỡi" cho qua...

"Mỗi ngày có khoảng hai xe tải chở đất đến vào buổi sáng và chiều, xe to đấy. Cứ thấy xe tới là chúng tôi ra nhặt thôi, chẳng cần xin phép ai cả, nhặt rác đi cho họ, họ còn mừng ấy chứ" - Một người thu gom phế liệu cho hay. 

Một trong số hàng chục người tham gia thu gom tại bãi rác thải xây dựng, khi nào hết rác họ sẽ đi "dự án" khác

"Chúng tôi làm nghề này toàn đi theo những công trình như thế này này. Cứ có xe vào là nhặt nhạnh, một ngày một người cũng kiếm được khoảng 200.000đ." - Một người khác tiếp lời.

Thêm vào đó, họ không quên tiết lộ: "Thấy bảo san gạt chỗ này để làm sân bóng mini thì phải". 

Ông Phó Chủ tịch xã kêu...khó!

Khi PV tiếp cận hiện trường lần thứ nhất là khoảng 15h30 chiều ngày 26/3, lúc này khu vực ao mới đang trong quá trình lấp, chưa san gạt mặt phẳng. Ngay lập tức, PV đặt lịch làm việc với văn phòng UBND xã An Khánh để trao đổi về sự việc trên.

Tuy nhiên, 1 tuần sau đó, PV mới có buổi làm việc với đại diện chính quyền xã về vấn đề này. Trong 1 tuần PV chờ đợi, tiến độ san lấp tại bãi đất diễn ra rất nhanh. Hiện tại, ao lớn đã trở thành miếng đất vuông thành sát cạnh và chờ sử dụng.

Nắm được vấn đề trên, ông Nguyễn Viết Hướng - Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh đã trao đổi trực tiếp với PV Môi trường & Đô thị Việt Nam điện tử. Ông Hướng cho hay: "Thành phố Hà Nội và huyện Hoài Đức đã giao khu vực đất đó để dân canh tác nhưng chỗ ấy không có nguồn tiêu, không có nguồn tưới, mùa mưa thì ngập úng mà mùa khô thì cạn, vào mùa mưa bà con thả cá để lấy thu nhập. Một số người dân lại "nhờ" được chỗ đó để bán cây cảnh, vì nghề này cũng là một nghề nổi bật mang lại thu nhập cao cho người dân".

Tuy nhiên, khi địa phương phát hiện có tình trạng san lấp mặt bằng, thanh tra huyện Hoài Đức cũng đã yêu cầu kiểm tra, xử lý. Xã An Khánh kiên quyết không chấp nhận tình trạng san gạt sai quy định như vậy. Việc này UBND xã sẽ trực tiếp tham gia giám sát và quản lý, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Chúng tôi cũng có biện pháp ngăn chặn rồi nhưng do lực lượng quản lý nhà nước còn mỏng nên hơi lỏng lẻo, lợi dụng đêm hôm, đường đại lộ lại lớn, họ vẫn vụng trộm chở đất vào" - ông Hướng kể khó.

UBND xã An Khánh có lường được hậu quả nếu hàng chục tấn rác thải xây dựng này bị vùi lấp không dấu vết?

Để rộng đường dư luận, PV cung cấp cho vị Phó Chủ tịch UBND những bằng chứng chứng minh xe chở rác thải xây dựng tới đổ ngang nhiên giữa ban ngày thì ông Hướng lại không giải thích được sự việc.

Đến đây, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi, UBND xã An Khánh "lỏng lẻo" tới đâu mà để một-ai-đó có thể chở rác thải xây dựng rầm rập vào địa bàn để san lấp giữa "thanh thiên bạch nhật"?

Ai là người đã thu mua số rác thải xây dựng này về đây san lấp và mua từ đâu và san lấp để làm gì? Có đơn vị nào đứng sau vụ việc "tiếp sức" cho hành vi trái phép này hay không?

Trách nhiệm của chính quyền địa phương là gì trước thực trạng từng miếng ao đang oằn mình gánh hàng tấn gạch đá? Dựa vào đâu để biết được những vi phạm quy định trong quy định san lấp mặt bằng và sử dụng rác thải xây dựng?

Tất cả sẽ được Môi trường & Đô thị Việt Nam điện tử cập nhật trong kỳ 2 của bài viết.

Bạn đang đọc bài viết Xã An Khánh có làm ngơ cho việc san lấp đất bằng rác thải xây dựng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới