Thứ sáu, 29/03/2024 17:51 (GMT+7)

Vụ dân phản đối ở bãi rác Nam Sơn: Hà Nội còn hứa bao nhiêu lần?

Nguyệt Hằng -  Thứ năm, 04/07/2019 13:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ năm 2017 đến nay, đã 5 lần người dân xã Nam Sơn ra đường phản đối, chặn không cho xe chở rác vào bãi xử lý, vì chính quyền chưa chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho dân ra khỏi vùng an toàn.

Bãi rác Nam Sơn.

Đối thoại 5 lần, hứa rồi "quên"

Như đã phản ánh, do bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn phát tán mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân của 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn, nên một số hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đã tràn ra đường phản đối và chặn không cho xe ô tô vận chuyển rác vào bãi rác Nam Sơn.

Từ năm 2017 đến nay, đây là lần thứ 5 người dân xã Nam Sơn, Sóc Sơn ra đường phản đối và chặn không cho xe chở rác vào bãi xử lý.

Người dân chặn đường, không cho xe rác vào bãi rác Nam Sơn từ chiều tối ngày 1/7.

Trước đó, vào giữa năm 2017, do ruồi nhặng hoành hành ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Người dân đã mang hàng kilogam xác ruồi ra chặn đường không cho các xe rác vào bãi.

Tại thời điểm này UBND huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh 2 nhiệm vụ: Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng trong vùng bán kính 500 mét, ngoài ra, cần phải khẩn trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để di chuyển các hộ dân thuộc vùng ảnh hưởng môi trường khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (LHXL CT Nam Sơn).
Thứ hai, điều chuyển nhiệm vụ phun thuốc diệt ruồi muỗi từ đơn vị vận hành khu LHXL CT Nam Sơn sang Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) huyện Sóc Sơn và UBND các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thực hiện từ 1/8/2017, cần bảo đảm hiệu quả, không gây phát sinh đột biến. Sau những hành động của UBND huyện Sóc Sơn, tình hình yên lắng trở lại.
Sau những lời hứa của UBND huyện, tình hình tại Nam Sơn được ổn định trở lại.
Nhưng không lâu sau đó, cụ thể là vào đầu tháng 7/2018, người dân tái diễn cảnh chặn xe rác vì thời tiết nắng nóng cộng với mùi hôi thối khiến họ không chịu nổi. Chính quyền huyện Sóc Sơn lại xuống đối thoại động viên người dân giải tán.

Mỗi lần người dân chặn xe rác, chính quyền huyện Sóc Sơn cũng thức “trắng đêm” để vận động người dân dỡ bỏ lều bạt, mở đường cho xe vào bãi rác Nam Sơn  nhưng cũng không đạt được kết quả nào. Dù người dân họ cho rằng chính quyền cấp xã, huyện không giải quyết được vấn đề nên kiên quyết đợi lãnh đạo thành phố về đối thoại, nhưng những lều bạt cũng được dỡ bỏ vào thời điểm đó, người dân đồng ý chờ đợi UBND huyện Sóc Sơn thực hiện lời hứa của mình.

Chờ đợi và thất vọng, ngày 10/1/2019, hàng trăm người dân tụ tập bên ngoài bãi rác Nam Sơn, họ dựng lều bạt, phong tỏa lối vào bãi rác, còn trang bị cả củi khô để đốt sưởi gác xuyên đêm. Người dân ở cho biết sẽ kiên quyết và không dừng lại việc chặn xe chở chở rác vào bãi rác Nam Sơn, họ yêu cầu phải xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm.

Sau khi UBND TP Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn về đối thoại và vận động người dân vào ngày 13/1, đến sáng ngày 14/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký công văn hỏa tốc số 194/UBND-GPMB gửi các sở ngành và UBND huyện Sóc Sơn giao nhiệm vụ cụ thể thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Đáng tiếc là những chỉ thị, phương án rốt ráo dường như chỉ là cách để chính quyền Hà Nội xử lý tình hình cấp bách. Những lời hứa cứ thế không cánh mà bay, chiều 1/7, người dân của 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lại tiếp tục tràn ra đường chặn xe rác khi chưa được di dời đến vùng an toàn như chính quyền từng cam kết với người dân trong quý II là sẽ thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho dân ra khỏi vùng ô nhiễm .

Ngày 3/7, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã tổ chức cuộc đối thoại với người dân.

Tại buổi đối thoại, nhiều hộ dân cho biết, trong quá trình giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc như hạn mức đất ở; công trình xây dựng trên đất ao vườn liền kề; bồi thường hỗ trợ tái định cư với diện tích đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường; giá thu tiền sử dụng đất khu tái định cư... vẫn chưa thỏa đáng và chưa được giải quyết cụ thể.

Tại buổi tiếp xúc, người dân bày tỏ những ý kiến chưa đồng thuận với chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền. Người dân không chấp nhận mức giá bồi thường hỗ trợ đất ở, tài sản trên đất vì cho rằng mức đền bù thấp.

Do không chấp nhận mức giá đền bù với đất thổ cư nên khi kết thúc buổi đối thoại, người dân không ký và biên bản buổi làm việc và vẫn tiếp tục ngăn cản xe vào bãi rác Nam Sơn.

Trong khi đó, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành kế hoạch, phân luồng rác tạm thời. Theo đó rác thải của 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa) sẽ được chuyển đến tập kết tạm thời tại các điểm trung chuyển Cầu Diễn, Lâm Du (Long Biên).

Chỗ ở cũ ô nhiễm, nơi mới là bãi "đất trống", người dân Nam Sơn sống ở đâu?

Sau nhiều lần chặn xe, người dân xã Nam Sơn nhận ra đây một quy luật, hễ bãi rác bị phong tỏa, rác thải ở Hà Nội sẽ ùn ứ, ô nhiễm nặng nề vì không có nơi xử lý. 

Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP Hà Nội (ban hành ngày 3/6/2013) có nêu rõ khoảng cách an toàn từ điểm/bãi chôn lấp rác thải đến khu vực dân cư tập trung, trường học, bệnh viện, các nguồn nước sông, hồ… tối thiểu là 500 m.

Tuy nhiên ở bãi rác Nam Sơn, diện tích đáng lẽ phải dùng làm vành đai xanh lại đang là nơi sinh sống, sản xuất nông nghiệp của hơn 3.000 con người. Họ đã sống ở đây từ nhiều đời, chứng kiến những chuyến xe rác đầu tiên từ Hà Nội chuyển lên vào năm 1999 khi thủ đô bắt đầu lựa chọn nơi này để chứa rác thải cho vùng nội thành.

Khu tái định cư mơ ước vẫn chỉ là cánh đồng thẳng cánh cò bay.

Sau nhiều năm chờ đợi, đến cuối cuối năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn đã ký 3 quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời người dân 3 xã: Hồng Kỳ, Bắc Sơn và Nam Sơn ra khỏi vùng ô nhiễm cách bán kính 500 m.

Theo dự kiến, việc di chuyển các hộ dân, bố trí tái định cư được thực hiện từ tháng 7 đến cuối năm 2019, có 2 hình thức đền bù. Người dân có thể lựa chọn nhận tiền đền bù hoặc chuyển đến các khu tái định cư nằm gần đường 35. Đây là những khu đất đã được Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội phê duyệt, đảm bảo hạn chế mùi từ nhà máy rác Nam Sơn và không có xe rác đi qua.

Theo phương án di chuyển, đất tái định cư cho xã Nam Sơn được bố trí tại 3 khu, các hộ dân thôn Đông Hạ nằm trong bán kính 500m tính từ hàng rào bãi tác sẽ tái định cư ở khu đất mới cũng thuộc thôn này, cách bãi rác khoảng 1.000m; người dân thôn Xuân Thịnh chuyển đến thôn Thanh Hà (cách bãi rác 7 km); người dân thôn Xuân Bảng đến thôn Hoa Sơn (cách bãi rác 4km).

Nhưng đến thời điểm hiện tại, người dân rất bức xúc khi khu tái định cư của thôn Đông Hạ vẫn không đủ cơ sở hạ tầng cơ bản như điện, nước sinh hoạt, cầu, cống, đường, xá,...để người dân có thể di dời đến vùng án toàn, đảm bảo cuộc sống. Nơi ở cũ ô nhiễm, nơi ở mới chỉ là bãi "đất trống", người dân Nam Sơn sẽ sống ở đâu?

Bạn đang đọc bài viết Vụ dân phản đối ở bãi rác Nam Sơn: Hà Nội còn hứa bao nhiêu lần?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới