Thứ sáu, 29/03/2024 14:30 (GMT+7)

Tình trạng không khí xấu đi nguyên nhân một phần do đốt rơm rạ

MTĐT -  Thứ năm, 03/10/2019 17:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cơ quan chức năng và các nhà khoa học cho rằng, các đợt ô nhiễm dạo gần đây là do hiện tượng nghịch nhiệt và tình trạng đốt rơm rạ tràn lan sau thu hoạch lúa gây ra.

Theo TTXVN, từ tháng 9 đến nay, thành phố Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Hưng Yên, Nam Định, thành phố Hải Phòng... đã và đang phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài, nhiều điểm đo tại Hà Nội vượt ngưỡng đỏ lên tới ngưỡng tím (chỉ số AQI vượt 200) là ngưỡng có hại cho sức khỏe của mọi lứa tuổi.

Lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các khu vực nêu trên, cơ quan chức năng và các nhà khoa học cho rằng, các đợt ô nhiễm này là do hiện tượng nghịch nhiệt và tình trạng đốt rơm rạ tràn lan sau thu hoạch lúa gây ra.

Ước tính hiện ở nước ta hàng năm phát sinh khoảng 20 triệu tấn rơm rạ sau thu hoạch. Mặc dù được coi là tài nguyên tái tạo và hàng hóa kinh tế, song từ nhiều năm nay, chúng bị đốt bỏ ở ngoài ruộng do không còn nhu cầu dùng cho đun nấu như trước.

Hậu quả là diện tích rơm rạ bị đốt cháy trên diện tích lớn ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, gây hiệu ứng khí nhà kính làm cho trái đất nóng lên, tro bụi làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người...

Cụ thể là khi đốt rơm rạ sẽ phát thải khí nhà kính gồm 0,7 - 4,1 g CH4 và 0,19 - 0,057 g N2O/kg rơm khô và phát thải các chất khí gây ô nhiễm khác như SO2, NOx, HCl và ở một mức độ nào đó còn phát sinh dioxin và furan. Đốt rơm cũng là một nguồn quan trọng sinh ra hạt sol khí như hạt bụi thô (PM10) và hạt mịn (PM2.5), ảnh hưởng đến chất lượng không khí khu vực và bức xạ của trái đất.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường xuất khẩu gạo tập trung và truyền thống (như Philippines, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc) và thị trường cao cấp (EU, Hoa Kỳ...) đòi hỏi gạo thơm, gạo đặc sản, gạo chất lượng cao và an toàn thực phẩm cũng như có yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Năm 2018 được Chính phủ Việt Nam coi là năm bản lề trong dịch chuyển cơ cấu trong nông nghiệp, trong đó giảm diện tích lúa để chuyển sang các cây trồng khác cho lợi nhuận cao, đồng thời từng bước hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Điều đó buộc sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải thay đổi về cơ bản theo một quy trình khép kín từ khâu trồng trọt đến thu hoạch, theo hướng nông nghiệp hữu cơ (dùng nhiều phân hữu cơ, tăng độ mùn và màu mỡ của đất bằng rơm rạ), nhằm đảo bảo tuyệt đối chất lượng của gạo.

Do đó, cần áp dụng các phương pháp quản lý tổng hợp rơm rạ sau thu hoạch gồm quản lý ở mọi cấp, có sự tham gia của các bên liên quan từ nhà nước đến tư nhân và người nông dân, các cơ quan hỗ trợ/tài trợ và tổ chức phi chính phủ; cải tiến quản lý kỹ thuật, môi trường, tài chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể chế, chính sách pháp lý và hệ thống chính trị sẽ góp phần nhiều cho quá trình này; mở rộng thị trường tiêu thụ rơm rạ lớn như sản xuất giấy và nhựa sinh học từ rơm rạ, một hướng mới góp phần giải quyết đồng thời cả rơm rạ và ô nhiễm rác thải nhựa.

Không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho những vùng xung quanh.

Đốt rơm rạ gây khói mù tại khu vực các xã huyện Quốc Oai, Hà Nội. Quá trình đốt rơm rạ làm phát sinh khí thải CO2, CO, NO2 vào môi trường. Không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho những vùng xung quanh.

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Trung Dũng, Khoa Kinh tế và Quản lý Trường Đại học Thủy lợi cho biết: Giáo sư Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã chỉ ra rằng, có 7 cách để biến rơm rạ thành tiền thay vì đốt bỏ, như bán rơm sau khi được cuộn tròn để dễ vận chuyển tiêu thụ, làm phân, trồng nấm, chăn nuôi, sản xuất nhiệt điện, sản xuất giấy và Ethanol. Như vậy chính sách hay thị trường phải tạo cho rơm rạ có giá nào đó để thị trường hoạt động.

Kinh nghiệm của các nước tiên tiến thì trong quản lý rơm rạ có liên quan đến 3 đối tượng chính là nhà nước, nông hộ và bên có nhu cầu sử dụng rơm rạ (có thể bản thân nông hộ hoặc nông hộ khác hay doanh nghiệp, hợp tác xã, công nghiệp, ...). Nhà nước với vai trò ban hành và thực thi cơ sở chính sách - pháp lý đối với nông hộ và cơ sở tiêu thụ rơm rạ. Trong đó có sử dụng bộ công cụ trực tiếp, công cụ gián tiếp và công cụ kinh tế môi trường, ban hành những văn bản chính sách từ cấp trung ương cho đến địa phương cho công tác quản lý trực tiếp và gián tiếp nguồn rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp, thắt chặt để giảm bớt hoặc từ bỏ việc đốt rơm rạ, còn các doanh nghiệp tạo dựng và mở rộng thị trường tiêu thụ rơm rạ.

Ở Việt Nam, để làm được việc này thì nên khuyến khích những lĩnh vực có tiêu dùng rơm rạ chính như dùng để ủ phân. Ngoài ra còn sử dụng trồng nấm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sản xuất bột giấy từ phi gỗ như rơm rạ được đánh giá khá cao và nơi tập trung trồng lúa lớn như Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển tốt. Công nghệ thì có sẵn và phức tạp hơn sản xuất giấy từ gỗ; làm vật liệu đóng gói, sản xuất nhựa sinh học, đồ dùng một lần (bát đĩa dùng một lần mà hiện nay làm từ giấy và vật liệu nhân tạo)...

Trước mắt, Nhà nước nên có chính sách cho hỗ trợ sản xuất hàng loạt những máy cuộn rơm với chi phí hợp lý, phù hợp với đồng ruộng của Việt Nam, vừa loại bỏ được một trong những nguồn gây nên tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay.

N.H (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Tình trạng không khí xấu đi nguyên nhân một phần do đốt rơm rạ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.