Thứ bảy, 20/04/2024 20:38 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/11/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 09/11/2019 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/11/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/11/2019.

Hạn hán tại miền nam châu Phi đe dọa cuộc sống của 45 triệu người

Vừa qua, các cơ quan cứu trợ quốc tế cảnh báo một đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài ở miền nam châu Phi đang đe dọa cuộc sống của khoảng 45 triệu người ở lục địa này. Việc cung cấp thực phẩm khẩn cấp được lên kế hoạch cho các vùng của Nam Phi, Zambia, Zimbabwe và các quốc gia khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi lượng mưa sụt giảm và nhiệt độ tăng cao.

Giám đốc văn phòng cứu trợ quốc tế khu vực nam châu Phi thuộc tổ chức Oxfam Nellie Nyang’wa cho biết, hàng triệu người dân nghèo đã và đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và sự cạn kiệt nguồn dự trữ do những cú sốc khí hậu gây ra ở những khu vực chịu nguy cơ thiên tai cao nhất tại châu Phi. Giám đốc Nellie Nyang’wa cho rằng quy mô của sự tàn phá do hạn hán trên toàn miền nam châu Phi đang đẩy hàng chục triệu người dân châu lục rơi vào một thảm họa nhân đạo; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay cứu trợ khẩn cấp đối với những người dân này.

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 7/11 vừa qua, tổ chức Oxfarm cho biết một số khu vực của Zimbabwe đã có lượng mưa thấp nhất kể từ năm 1981, khiến hơn 5,5 triệu người đối mặt với nạn khan hiếm lương thực nghiêm trọng. Trong khi đó, theo thông tin của tổ chức Chữ thập đỏ Zambia, các vùng đất trồng ngô màu mỡ của nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề, khiến 2,3 triệu người đối mặt với nạn đói.

Cháy rừng lan rộng nhiều nơi tại Australia

Thời tiết hanh khô cùng với nhiệt độ tăng cao lên đến 37-39 độ C kèm theo gió mạnh 80km/h đang khiến cho cháy rừng lan rộng và khó kiểm soát tại hai bang New South Wales và Queensland của Australia.

Theo thống kê của Sở cứu hỏa bang New South Wales vào trưa nay (8/11), diện tích cháy rừng tại bang này lên đến 370.000 hecta, rộng hơn diện tích rừng bị cháy vào năm ngoái. Tại bang New South Wales có 74 đám cháy trong đó có 15 đám cháy được cảnh báo nguy hiểm và 50 đám cháy ngoài tầm kiểm soát. Tại bang Queensland, cũng xảy ra 40 đám cháy rừng trong đó có 2 đám cháy nguy hiểm.

Tại những khu vực nguy hiểm, đường cao tốc, trường học đều bị đóng. Bầu trời tại khu vực Port Macquarie, một điểm cháy rừng nghiêm trọng tại bang New South Wales đã chuyển sang màu vàng cam, không khí đặc quánh khói bụi và mùi khét.

Sở cứu hỏa bang New South Wales và Queensland đã huy động hơn 1.000 lính cứu hỏa tham gia chữa cháy trong ngày hôm nay cùng với sự trợ giúp của hơn 70 máy bay cứu hỏa xả nước và dung dịch chữa cháy xuống khu vực nguy hiểm.

Cơ quan chức năng đề nghị người dân sống trong các vùng nguy hiểm theo dõi tin tức liên tục trên trang web của Sở cứu hóa, xem truyền hình và nghe đài để cập nhật tình hình. Người dân cũng được yêu cầu nâng cao tinh thần cảnh giác và chủ động sơ tán nếu thấy nguy hiểm bởi với gió mạnh như ngày hôm nay thì khi lực lượng phòng cháy chữa cháy đến nơi có thể đã muộn. Hiện cho đến lúc này chưa có thống kê thiệt hại về người và tài sản từ việc cháy rừng trong những ngày qua.

Bạc Liêu tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước vùng nuôi tôm

Trước tình hình môi trường nước ở một số vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn ô nhiễm nặng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường và ngành môi trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xả thải trái phép ra môi trường; đồng thời, khuyến khích người nuôi tôm áp dụng quy trình nuôi công nghệ cao khép kín, tiết kiệm nước, tái sử dụng nguồn nước...

Thực hiện chỉ đạo trên, tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao; hướng dẫn người dân áp dụng quy trình xử lý nước thải, chất thải theo quy định. Cụ thể, thiết kế ao nuôi phải có 2 hệ thống ao xử lý nước thải; lắp đặt hệ thống xử lý nước thải từ xi phong đáy ao và có nơi chứa, xử lý an toàn trước khi thải ra môi trường. Cơ quan chuyên môn cũng khuyến khích các cơ sở nuôi trồng thủy sản tái sử dụng lượng nước thải thay nước từ ao nuôi hằng ngày, bằng cách thả các loại cá, nhuyễn thể hai mảnh vỏ… để cải thiện môi trường nước, hạn chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo người dân gần đây mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển theo cấp số nhân nhưng khâu đầu tư quy trình xử lý nước thải rất thô sơ, xử lý không triệt để, thậm chí một số hộ xả thải trực tiếp ra sông, kênh, rạch, khiến ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển ồ ạt nhưng không được địa phương quy hoạch vùng nuôi cụ thể, phần lớn nuôi đan xen trong vùng nuôi tôm quảng canh, hộ nào có điều kiện thì nuôi nên rất khó quản lý. Theo các chuyên gia, mô hình nuôi này mật độ và nâng suất rất cao, nhưng lượng chất thải xả ra môi trường rất lớn, nếu không được đầu tư xử lý đúng quy trình sẽ gây ra ô nhiễm vùng nuôi rất nghiêm trọng.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, nguồn nước ô nhiễm, thời tiết bất lợi, con giống nhiễm bệnh là nguyên nhân dẫn đến diện tích tôm nuôi thiệt hại đang có chiều hướng tăng ở tỉnh này. Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay trên địa bàn có hơn 8.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh hơn 4.700 ha.

Ngăn nạn đổ trộm rác ở các khu đất trống

Ngày 8/11, Quận ủy quận 2 (TPHCM) tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” trên địa bàn quận 2.

Tại buổi sơ kết, Phó Chủ tịch UBND quận 2 Huỳnh Thanh Khiết khẳng định, Thường trực Quận ủy, UBND quận thường xuyên chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ giải pháp tuyên truyền, vận động và dọn dẹp, gắn biển cấm đổ rác ở các điểm nóng về vệ sinh môi trường. Việc kiểm tra, xử phạt cũng được tập trung đối với các hành vi vi phạm, thông qua hình ảnh thu thập được từ camera của người dân cũng như tổ chức mật phục bắt quả tang vi phạm. Tuy nhiên, quận 2 đang đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều dự án chậm đầu tư, để đất trống, tạo điều kiện cho nhiều người đổ trộm rác, chất thải gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, quận sẽ tiếp tục gắn biển cấm, camera giám sát; đồng thời làm việc với các chủ đầu tư, chủ đất để ngăn chặn, phát hiện và xử lý trường hợp đổ trộm rác thải, gây ô nhiễm môi trường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất