Thứ sáu, 29/03/2024 20:46 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 7/11/2019

MTĐT -  Thứ năm, 07/11/2019 14:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/11/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/11/2019.

Phạt nặng công ty Hòa Phát vì làm trái quy định về bảo vệ môi trường

Ngày 6/11, tỉnh Phú Thọ thông tin về việc xử phạt đối với Công ty Hòa Phát (địa chỉ tại khu 16, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ).

Nguyên nhân do công ty này đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính như: Thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) đã được phê duyệt và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt trong báo cáo DTM; thải chất thải rắn công nghiệp thông thường (phân gà) trái quy định về bảo vệ môi trường từ 60.000kg đến dưới 80.000kg. Với 2 hành vi trên, Công ty Hòa Phát đã bị xử phạt với số tiền 442,5 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, Công ty Hòa Phát còn bị áp dụng biện pháp khắc phục như đình chỉ ngay hành vi vi phạm, tăng cường gia cố bờ bao đảm bảo không để nước, phân từ các hố và hồ sinh học chảy tràn ra ngoài, gây ảnh hưởng đến môi trường khu vực và hồ Ngả 2; khẩn trương thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường bị ô nhiễm.

Công ty Hòa Phát buộc phải thực hiện đúng các nội dung trong báo cáo DTM được phê duyệt (có phương án xử lý toàn bộ lượng phân lưu chứa trong khuôn viên đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường); phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường cho Trung tâm quan trắc và bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ.

Học sinh Ấn Độ đeo khẩu trang đến trường vì ô nhiễm không khí

Nhiều trẻ em đã phải đeo khẩu trang khi trở lại trường học tại New Delhi và các thành phố lân cận, dù tình hình ô nhiễm không khi vẫn đang ở mức “không an toàn” tại nhiều khu vực ở phía Bắc Ấn Độ.

Cơ quan dự báo thời tiết của Ấn Độ cho biết những cơn mưa nhẹ sẽ bắt đầu vào ngày 6/11 và sẽ mưa lớn hơn vào ngày sau đó. Những cơn mưa phùn được cho là sẽ khiến tình trạng ô nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn trong khi mưa lớn có xu hướng làm giảm mức độ ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm không khí tại New Delhi đạt mức đỉnh điểm trong năm vào hôm 3/11 vừa qua.

Nhà chức trách New Delhi đã phải phân chia phương tiện cá nhân theo biển chẵn lẻ để giảm tình trạng ô nhiễm, mặc dù giới chức ở thành phố hơn 20 triệu dân này chưa thống nhất được nguyên nhân của ô nhiễm là gì hay ai phải chịu trách nhiệm cho tình trạng ô nhiễm.

Các chuyên gia môi trường cho biết tình trạng đốt cây trồng sau mùa vụ ở các bang Punjab và Haryana, thuộc vành đai nông nghiệp của Ấn Độ và giáp với New Delhi, sẽ làm trầm trọng thêm tình hình ô nhiễm. Việc đốt cây sau mùa vụ khiến thủ đô của Ấn Độ trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Tối 5/11, hơn 1.500 người đã tập trung tại khu vực đài tưởng niệm India Gate, trung tâm thành phố New Delhi, để phản đối tình trạng ô nhiễm liên tục gia tăng và yêu cầu chính quyền có các hành động thiết thực hơn.

Chỉ số chất lượng không khí được đo bởi Đại sứ quán Mỹ tại New Delhi là 177 vào ngày 6/11, mức có hại cho sức khỏe, giảm so với mức 331 vào sáng 5-11.

Nếu chỉ số này vượt quá 401 thì tình trạng ô nhiễm được cho là nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người mắc các bệnh về đường hô hấp, và thậm chí cả người khỏe mạnh.

Wall Street với biến đổi khí hậu

Hơn 70 công ty đã thảo luận về tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đối với hoạt động kinh doanh của họ trong kết quả hàng quý kể từ đầu năm 2019, nhiều gấp đôi so với năm 2018, theo phân tích của Reuters.

Do đó, các nhà quản lý quỹ đầu tư, những người thường không kết hợp các thuộc tính môi trường trong phân tích công ty, đang xem xét kỹ hơn tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đến hiệu quả hoạt động của các công ty.

Theo các nhà quản lý quỹ, sự phá sản của công ty năng lượng Pacific Gas & Electric Co, trụ sở tại San Francisco, hồi tháng 1 đã khiến họ chú trọng hơn đến rủi ro khí hậu. Đồng thời, đã có 10 sự kiện thảm họa thời tiết và khí hậu gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD kể từ đầu năm, gần gấp đôi mức trung bình 6,3 sự kiện cho mỗi năm từ 1980 - 2018 (theo Trung tâm Thông tin môi trường quốc gia Mỹ).

Sự gia tăng các vụ cháy rừng đã thúc đẩy các nhà bảo lãnh, chẳng hạn như Hiscox Ltd (sàn giao dịch trực tuyến) kết hợp các mô hình rủi ro mới và ngừng bảo hiểm một số khách hàng ở các khu vực có rủi ro cao như California. Nhìn chung, 10% các công ty bảo hiểm đã từ chối gia hạn chính sách trong các khu vực dễ xảy ra cháy rừng ở California vào năm 2018, theo Cơ quan Bảo hiểm California.

Sự thất bại trong các cam kết khí hậu

Thậm chí, một trong những nỗ lực đáng kể nhất là Thỏa thuận Paris 2015 về ứng phó biến đổi khí hậu cũng là một thất bại.

Mỹ - cường quốc hàng đầu thế giới, lượng xả thải carbon, tiêu thụ thịt bò và nhiên liệu hóa thạch thuộc hàng nhiều nhất thế giới đã chính thức rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Nguyên nhân do thỏa thuận là một "gánh nặng kinh tế" bị Tổng thống Trump cho là "thiếu công bằng với Mỹ". Ngoài ra, đây là nỗ lực nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp dầu mỏ và than như lời hứa tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trung Quốc, EU bày tỏ sự thất vọng với quyết định này.

Bà Mina Andreeva, người phát ngôn Ủy ban châu Âu cho biết: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ. 194 trên quốc gia trên thế giới đều nằm trong thỏa thuận. Tuy nhiên, dù không có một quốc gia phát thải nhiều khí ô nhiễm cùng cam kết thì chúng tôi vẫn gắn với thỏa thuận này".

"Chúng tôi tin rằng biến đổi khí hậu là thách thức chung của toàn nhân loại. Bất cứ ai cũng cần chung tay để giải quyết" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.

Tuy nhiên, kể cả những quốc gia đang lên tiếng "lấy làm tiếc" cũng không thực hiện đủ trách nhiệm của mình. Đánh giá toàn diện của một hội đồng khoa học có uy tín chỉ ra rằng các cam kết về giảm thiểu tác động khí hậu tới năm 2030 của gần 200 quốc gia ký năm 2015 mới chỉ được hoàn thiện 25%. Trong số các quốc gia G7, duy nhất có Nhật Bản đang đáp ứng cam kết. Với các cường quốc khác như Trung Quốc, Ấn Độ, theo đà hiện tại, thậm chí sẽ phát thải nhiều khí nhà kính hơn vào năm 2030 chứ không phải là giảm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 7/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới