Thứ sáu, 29/03/2024 12:52 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/7/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 06/07/2019 15:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/7/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/7/2019.

Có 90% mẫu cá chết trên sông Trà Và bị nhiễm ký sinh trùng

Tin tức trên TTXVN cho biết, ngày 5/7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu cá chết mà Chi cục đã tiến hành lấy mẫu vào ngày 30/6 tại tiểu khu 2 và 3 trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu cho thấy, 6 mẫu cá đem đi xét nghiệm có 90% nhiễm ký sinh trùng (trùng quả dưa).

Ký sinh trùng này phát sinh trong nước ô nhiễm, khi gặp thời tiết bất lợi sẽ xâm nhập vào mang cá khiến cá bị nhiễm bệnh và chết.

Nguyên nhân ban đầu được đánh giá là do những ngày qua thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều nên lượng nước từ nhiều nơi đổ về. Các yếu tố về môi trường có sự biến động như độ trong của nước, lượng oxy hòa tan, độ mặn, nước thủy triều kém không thể vào ra được, ứ đọng lại khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm.

Do vậy, sáng ngày 5/7 Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (Tp. Hồ Chí Minh) ra khu vực tiểu khu 2, tiểu khu 3 tại sông Chà Và, xã Long Sơn để lấy mẫu cá và mẫu nước đi xét nghiệm sau khi phát hiện cá chết hàng loạt tại khu vực này. Theo đó, đoàn tiến hành lấy 4 mẫu cá trên các loại cá bị bệnh điển hình và 4 mẫu nước để gửi đi xét nghiệm.

Theo khảo sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tình trạng cá chết trong 2 ngày qua từ 4-5/7 đã giảm hơn so với các ngày từ 30/6 đến 3/7.

Ngoài ra, khu vực cá bị chết theo đánh giá của Chi cục đang có mật độ nuôi dày, cộng với việc người dân cho cá ăn những loại thức ăn như cá tạp, chưa vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ cũng là nguyên nhân khiến cho nguồn nước nuôi bị ô nhiễm.

Tình trạng cá chết thường mỗi năm có khoảng 3 đợt vào các tháng 4 khi thời tiết nắng nóng, tháng 7,8,9 vào mùa mưa và tháng 12.

Một số vùng của Indonesia bị hạn hán ngay từ đầu mùa khô

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) đưa ra dự báo mùa khô năm nay ở nước này sẽ khô hạn hơn so với năm trước và cảnh báo một số khu vực cần tăng cường giám sát vì có nguy cơ cao xảy ra các vụ cháy rừng và hạn hán.

Trên thực tế, tất cả các khu vực ở Java, đặc biệt là Tây Java, Trung Java và Đông Java, đã bắt đầu bước vào mùa khô, dự kiến cao điểm là tháng 7 - 8, ngoại trừ vùng Bogor, Tây Java, thường có mưa nhiều hơn các vùng khác.

Theo số liệu lưu trữ của BMBK, lượng mưa trong mùa khô năm ngoái chỉ đạt chưa đến 20 mm/tháng và dự báo năm nay, lượng mưa có thể xuống thấp hơn.

Các khu vực Đông Nusa Tenggara (NTT), Tây Nusa Tenggara (NTB), Sulawesi và Sumatra cũng được khuyến cáo cảnh giác với hạn hán và cao điểm mùa khô là tháng 8-9. Hiện một số nơi ở Trung Java đã bắt đầu phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch, do lượng mưa giảm.

Ông Ariono Poerwanto, người đứng đầu Văn phòng giảm nhẹ thảm họa Banyumas, cho biết cơ quan này đang khảo sát các ngôi làng lân cận để dự báo về cuộc khủng hoảng thiếu nước có thể xảy ra trong khu vực. 1.000 bể chứa nước đã được chuẩn bị để gửi nước sạch đến các ngôi làng bị thiếu nước trong mùa khô này.

Quận Gunung Kidul, Yogyakarta, thành phố du lịch nổi tiếng của Indonesia cũng có 10 tiểu khu đang bị hạn hán nghiêm trọng. Cơ quan chức năng ở khu vực đã phân bổ ngân sách 500 triệu rupiah cho việc cung cấp nước sạch và triển khai 7 xe tải chở nước để đối phó với cuộc khủng hoảng nước trong mùa khô năm nay.

Ra quân "Vì Hội An sạch hơn"

BND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ phát động ra quân "Vì Hội An sạch hơn", đồng thời tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường đồng loạt ở 7 địa điểm khác trên địa bàn TP vào chiều 5/7, tại bãi biển An Bàng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hội An, cho biết Hội An đang phát triển rất nhanh về du lịch. Điều này đem lại những lợi ích to lớn về nhiều mặt cho Hội An nói riêng và cả tỉnh Quảng Nam nói chung. Tuy nhiên, đằng sau những con số tăng trưởng ấn tượng là những áp lực to lớn mà Hội An đang phải đối mặt, đặc biệt là về ô nhiễm môi trường và gia tăng rác thải. Năm 2017, toàn TP phát sinh 29.000 tấn rác; đến năm 2018, số rác thải đã tăng lên 33.000 (gần 100 tấn/ngày), hầu hết là rác thải từ hoạt động du lịch.

Từ năm 2006, TP Hội An đã phát động phong trào "Một giờ vì Hội An sạch hơn", toàn TP tổ chức dọn vệ sinh vào chiều thứ sáu hằng tuần và đến nay đã đạt được hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, với những thách thức lớn về môi trường hiện nay, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ môi trường để góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Hội An - TP Sinh thái - Văn hóa - Du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hơn 2.500 tỉ đồng hỗ trợ dự án bảo vệ môi trường

Ngày 5/7, tại TP.HCM, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hỗ trợ tài chính năm 2019 cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết: “Trong thời gian qua, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã hỗ trợ tài chính cho hàng trăm dự án bảo vệ môi trường với số tiền hơn 2.500 tỉ đồng. Những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ về chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

Đồng thời khẳng định vai trò của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là một trong những công cụ của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường".

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới