Thứ tư, 24/04/2024 16:30 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/5/2020

MTĐT -  Thứ tư, 06/05/2020 06:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/5/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/5/2020.

Cà Mau khắc phục xong sự cố vỡ đập khiến nước mặn tràn vào nội đồng

Ngày 5/5, ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương đã khắc phục xong sự cố vỡ đập Kinh Đứng (ấp 2, xã Khánh Lâm) và đập kênh Hai Chu (ấp 15, xã Nguyễn Phích) thuộc huyện U Minh.

Theo ông Dư Bé Ba, ngay khi sự cố xảy ra, huyện cùng Công ty Lâm nghiệp U Minh hạ đã có mặt tại hiện trường, huy động phương tiện, máy móc… để tập trung khắc phục sự cố.

Theo tính toán của ngành chuyên môn, sự cố đã làm cho mực nước mặn tràn vào khu vực lâm phần nhưng không đáng kể, với khoảng 0,09m. Sự cố vỡ đập làm nhiễm mặn vùng ngọt hóa, nhưng mực nước trên các tuyến kênh là thấp, bên cạnh đó, người dân không sử dụng nước ở kênh để tưới tiêu, phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, việc nước mặn xâm nhập vào nội đồng cũng ảnh hưởng một phần đến nguồn lợi thủy sản nước ngọt.

Về nguyên nhân gây nên sự cố vỡ đập, theo nhận định của cơ quan chức năng của huyện U Minh là do nắng hạn kéo dài, chênh lệch mực nước giữa bên trong và bên ngoài khá cao, bên cạnh đó, do xuất hiện triều cường lên cao đột ngột tràn qua và gây xoáy mòn mặt đập, từ đó gây ra sự cố trên.

Hàn Quốc và Nhật Bản liên tiếp tiếp hứng chịu động đất và rung chấn

Đêm 4/5, tại khu vực Kanto, Nhật Bản (bao gồm Tokyo và tỉnh lân cận như Saitama, Chiba, Kanagawa…) đã xảy ra trận động đất tương đối mạnh. Tại tâm chấn là Chiba và Saitama, qui mô khoảng 4 độ richter, khu vực Tokyo khoảng 3 độ richter.

Trước đó, Cục khí tượng Nhật Bản đã dự báo sẽ có trận động đất khoảng 5,5 độ richter sẽ xảy ra. Trận động đất này không có cảnh báo sóng thần. Đến nay, chưa có thông báo nào về số thương vong do trận động đất này xảy ra. Trong khi đó, Cục khí tượng thủy văn Hàn Quốc cho biết một trận động đất 3,1 độ richter đã xảy tại tỉnh Nam Jeolla.

Cục khí tượng thủy văn nhận định ở các vùng lân cận có thể cảm thấy rung lắc, qua đó khuyến cáo người dân cảnh giác đảm bảo an toàn. Trên thực tế, sau trận địa chấn 1,8 độ richter ngày 26/4, cơ quan chức năng đã ghi nhận thêm 39 cơn địa chấn cường độ không đáng kể khác. Trong số đó có 4 trận trên 2,0 độ richter xảy ra vào các ngày 28/4 (2,1), 30/4 (2,4), 2/5 (2,3) và trận ngày 3/5 (3,1) có cường độ lớn nhất.

Được biết, máy đo cường độ địa chấn tại tỉnh Nam Jeolla đã ghi nhận trận động đất này ở quy mô 3 độ richter, tức là người ở tầng cao của các tòa nhà sẽ cảm nhận rất rõ rung lắc, còn xe ô tô đứng yên trên đường sẽ hơi lắc lư vào thời điểm xảy ra động đất.

Nhức nhối ô nhiễm môi trường ở Tuy Lai

Nhiều tháng nay, tình trạng rác thải sinh hoạt được vứt bừa bãi trên đường giao thông, khu dân cư, kênh dẫn nước... là vấn đề gây bức xúc tại xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức.

Theo KTĐT, thực trạng ô nhiễm môi trường từ những bãi rác tại xã Tuy Lai đã tồn tại từ nhiều tháng nay do việc vận chuyển của DN thu gom chưa kịp thời, thậm chí có dấu hiệu bỏ mặc chính quyền địa phương và người dân tự giải quyết. Càng để lâu, rác thải tại 7/14 thôn của xã Tuy Lai càng ùn ứ. Theo bà Nguyễn Thị Hương, thôn Trù, xã Tuy Lai, xuất phát từ sự tắc trách của Công ty Minh Quân không thực hiện đúng cam kết trong việc thu gom rác hàng tuần nên từ tháng 1/2020 đến nay, người dân địa phương không hợp tác nộp tiền phí thu gom rác thải. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác tại 7/14 thôn của xã xảy ra ngày càng nghiêm trọng.

Chủ tịch UBND xã Tuy Lai Bùi Văn Quyền khẳng định, từ giữa năm 2017 đến cuối năm 2019, người dân và DN đã thực hiện đúng cam kết. Hàng tuần Công ty Minh Quân thu gom, vận chuyển rác thải đi xử lý, còn người dân hàng tháng nộp tiền dịch vụ đầy đủ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, DN không thu gom, vận chuyển đi nên mới tồn đọng hàng chục tấn rác tại xã.

50 năm tới, 3 tỷ người có nguy cơ sống trong vùng nóng quá sức chịu đựng

Nếu Trái đất tiếp tục ấm lên như tốc độ hiện tại, thì trong vòng 50 năm tới, số người có nguy cơ phải sống trong vùng nóng quá sức chịu đựng có thể lên tới 3 tỷ người.

Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học PNAS của Mỹ, với 1 độ tăng của nhiệt độ, 1 tỷ người sẽ phải di cư tới những nơi mát hơn hoặc tìm cách thích nghi với thời tiết nóng cực độ.

Các hậu quả kéo theo sẽ là thiếu lương thực thực phẩm, thiếu nước, nguy cơ xảy ra xung đột do các làn sóng di cư.

Để ngăn chặn tình trạng này, các nhà khoa học khuyến cáo thế giới cần nhanh chóng giảm đáng kể lượng khí thải carbon.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.