Thứ ba, 16/04/2024 18:30 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/6/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 05/06/2020 06:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/6/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/6/2020.

Kon Tum: Điều tra vụ cháy hơn 12ha rừng thông ở huyện Kon Plông

Ngày 3/6, Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) tiếp tục có văn bản số 743/UBND-VP chỉ đạo việc phối hợp điều tra, xử lý vụ cháy rừng tại tiểu khu 412 xã Đăk Tăng.

Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông yêu cầu 4 đơn vị: Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Kon Plông và Ủy ban Nhân dân xã Đăk Tăng tích cực phối hợp, khẩn trương điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy hơn 12ha rừng thông để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng; đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ, tuần tra ở những khu vực nguy cơ cháy cao, kiểm soát chặt người, phương tiện ra vào những khu vực có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa...

Ủy ban Nhân dân xã Đăk Tăng phân công cán bộ tuần tra, truy quét, tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, nghiêm cấm việc phát rừng làm nương rẫy...

Trước đó đầu giờ chiều 21/5, tại khoảnh 15, tiểu khu 412 thuộc địa bàn xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông xảy ra vụ cháy rừng thông ba lá 7 năm tuổi có chức năng rừng phòng hộ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Kon Plông.

Hà Nội triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường làng nghề

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND, triển khai hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề năm 2020. Nội dung chính của kế hoạch nhằm: Đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội làng nghề. Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của làng nghề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng...

Theo kế hoạch, TP tiến hành đánh giá, dự báo, xác định biện pháp quản lý rủi ro của làng nghề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Biện pháp xử lý chất thải của làng nghề. Các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Chương trình quản lý và giám sát môi trường. Phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Thông qua đánh giá tác động sẽ giúp TP có căn cứ chắc chắn về thực trạng môi trường làng nghề, xác định bất cập, đề xuất các biện pháp xử lý, cải thiện ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của từng làng nghề...

Thống kê cho thấy, Hà Nội có 1.350 làng nghề. Sở TN&MT Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.

Kết quả điều tra, khảo sát năm 2018 - 2019 của Sở TN&MT Hà Nội tại 192 làng nghề cho thấy, có tới 77 làng nghề ô nhiễm nước nghiêm trọng, 36 làng nghề ô nhiễm. Trong đó, ô nhiễm nước thải của nhóm làng nghề chế biến nông sản thực phẩm rất đáng lo ngại, phải kể đến làng nghề chế biến tinh bột sắn ở xã Minh Khai (huyện Hoài Đức), làng chế biến tinh bột Cộng Hòa, làng chế biến nông sản thực phẩm Cát Quế, làng nghề làm bún thôn Kỳ Thủy, làng nghề làm bánh đa nem thôn Ngự Câu...

Một số liệu thống kê khác cho thấy, mỗi năm, ngành tinh bột sắn thải ra môi trường khoảng 240 - 300 triệu m3 nước thải/năm nhưng chỉ khoảng 10% tổng lượng nước thải đã qua xử lý, số còn lại đều xả thẳng vào nguồn tiếp nhận. Theo các chuyên gia môi trường, nước xả thải chưa qua xử lý không khỉ làm ô nhiễm tại các nguồn tiếp nhận như các kênh, mương, cống rãnh, ao hồ… mà còn thấm vào đất, gây nên ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Ra mắt sách “Greta Thunberg: Chiến binh bảo vệ hành tinh xanh”

Ngày 4/6, tại hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp với Thái Hà Books công bố cuốn sách “Greta Thunberg: Chiến binh bảo vệ hành tinh xanh”. Sách được dịch và phát hành bằng tiếng Việt trên toàn quốc. Sự kiện cũng nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới thường niên 5/6/2020.

Người đọc sẽ theo chân Greta, bắt đầu từ việc nhận thức về cuộc khủng hoảng khí hậu khi cô bé mới 8 tuổi, rồi thuyết phục cha mẹ điều chỉnh lối sống của họ để giảm lượng khí thải các-bon, và khi cô bé nhận thấy bản thân cần phải có hành động chính trị. Đó là lý do tại sao cô đã đưa phong trào vì khí hậu của mình từ Thụy Điển đến phòng họp của các nhà lãnh đạo quốc tế, tạo nên “Hiệu ứng Greta”.

Cuốn sách kể về Greta Thunberg, một cô bé sinh năm 2003 đến từ Thụy Điển, người đã truyền cảm hứng cho một phong trào thanh thiếu niên trên toàn cầu để chống biến đổi khí hậu và được ví như “tiếng nói của hành tinh xanh”.

Cộng đồng quốc tế đã công nhận những nỗ lực của Greta về việc thúc đẩy quan điểm rằng nhân loại đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng từ biến đổi khí hậu. Phong trào Fridays for Future – Những ngày thứ Sáu cho tương lai do cô khởi xướng đã thu hút hàng triệu người tham gia trên khắp thế giới. Greta được mời phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 24 và đã được đề cử giải Nobel Hòa bình. Cuốn sách ghi lại hành trình của Greta Thunberg đã đến với nhiều độc giả trên khắp thế giới, và giờ là Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện ra mắt cuốn sách, Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe chia sẻ: Biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng trong thời đại hiện nay. Khi cuộc khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 gây ra có chiều hướng thuyên giảm thì cần phải có những biện pháp phục hồi kinh tế theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường hơn. “Với cảm hứng khi đọc cuốn sách về Greta, tất cả chúng ta điều có thể đóng góp để mang lại sự thay đổi. Không ai quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt”, ngài Đại sứ nhấn mạnh.

Cần sớm công bố chương trình nói không với rác thải nhựa tại đảo Cồn Cỏ

5 tháng đầu năm 2020, tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Cồn Cỏ cơ bản ổn định, huyện đảo đã và đang tập trung từng bước xác lập cơ cấu kinh tế của huyện đảo theo hướng du lịch - dịch vụ - thủy sản, phát triển kinh tế- xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng- an ninh; người dân và các nhà đầu tư được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh dịch vụ du lịch; đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ và Du lịch đảo Cồn Cỏ; tình hình an ninh trật tự được giữ vững, quốc phòng an ninh ổn định, không có vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra.

Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên những tháng đầu năm hoạt động du lịch tại Cồn Cỏ tạm dừng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, huyện đảo đã mở cửa đón 12 đoàn với trên 300 du khách đến thăm quan và lưu trú tại đảo Cồn Cỏ.

Từ sau khi du lịch tại Cồn Cỏ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thì đã có sự phát triển vượt bậc. Tính riêng trong năm 2019, số lượng khách du lịch đến đảo đã tăng trên 67%, nâng tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn ước đạt trên 7,3 tỉ đồng, tăng gần 62% so với năm 2018.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện đảo vẫn còn gặp phải rất nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng, các dịch vụ du lịch đi kèm còn sơ khai, hạn chế; các nhà đầu tư dù tìm đến nhưng chưa thực sự mặn mà và tâm huyết với du lịch Cồn Cỏ; huyện đảo vẫn chưa xây dựng được bến cập tàu cố định và nhà chờ hành khách dành cho khách du lịch tại khu vực Cửa Việt; điều kiện lưu trú chưa thể đáp ứng được nhu cầu của du khách...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.