Thứ năm, 25/04/2024 12:15 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 4/12/2019

MTĐT -  Thứ tư, 04/12/2019 08:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/12/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/12/2019.

Dân bức xúc vì rác ùn ứ cả tháng trời

Người dân ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang phải chịu cảnh rác thải bị dồn ứ, ngập ngụa, bốc mùi xú uế khắp nơi.

Theo báo Pháp luật TP. HCM, chị Nguyễn Thị Lệ Hương (ngụ phường 1, TP Bảo Lộc) cho biết từ đầu tháng 11 tình trạng rác ùn ứ, bốc mùi hôi thối khắp TP diễn ra thường xuyên.

Đáng nói hơn, “kể từ ngày 20-11-2019, công ty sẽ ngừng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt” - thông báo của Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc, đơn vị chịu trách nhiệm thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP, nêu.

Đồng thời đơn vị này cũng yêu cầu người dân, tổ chức thực hiện việc lưu giữ rác tại nơi ở, nơi làm việc cho đến khi TP Bảo Lộc có chủ trương mới về công tác xử lý rác.

Chị Hương bức xúc nói: “Tiền rác hằng tháng chúng tôi đóng đều đặn, không thiếu một xu. Thế mà họ lại ra thông báo ngừng thu gom rác thật là vô trách nhiệm. Thông báo này đã đẩy chúng tôi vào cảnh phải sống chung với rác thải vô thời hạn”.

Đại diện Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc cho biết tình trạng chậm thu gom rác trên địa bàn TP là do đơn vị tiếp nhận, xử lý rác thải tại TP Bảo Lộc (Công ty cổ phần Môi trường xanh Friendly) đang trong quá trình lắp đặt, hoàn thiện dây chuyền xử lý rác nên tiếp nhận không hết lượng rác trên địa bàn.

“Hiện tại Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc đang chờ chủ trương mới của UBND TP Bảo Lộc đối với công tác xử lý rác thải trên địa bàn” - vị đại diện cho biết.

Australia: Thành phố Sydney lại chìm trong khói mù ô nhiễm

Ngày 3/12, thành phố Sydney của Australia một lần nữa lại chìm trong khói mù dày đặc do các đám cháy rừng ở dãy núi Blue ở phía Tây thành phố khiến cho chất lượng không khí nơi đây giảm sút.

Chỉ riêng trong tháng 11 và đầu tháng 12 đến nay, chỉ số chất lượng không khí ô nhiễm ở Sydney đã cao hơn so với chỉ số gộp lại của 5 mùa cháy rừng trước đây.

Chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí, năng lượng và y tế, Christine Cowie nhận xét: "Chúng ta đang hứng chịu nồng độ bụi mịn cao hơn nhiều so với mức độ thường có ở Sydney và ở nhiều khu vực khác của bang New South Wales".

Giới chức y tế thành phố khuyến cáo những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già và người bị bệnh về đường hô hấp không nên ra ngoài nếu không cần thiết.

Tuy nhiên, ông Cowie cảnh báo việc phơi nhiễm bụi mịn trong không khí có thể ảnh hưởng nhiều hơn vấn đề hô hấp, khi đã có những bằng chứng cho thấy chúng tác động đến hệ tim mạch, có nguy cơ gây đau tim và đột quỵ.

Để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, người dân thành phố Sydney đã phải đeo khẩu trang, các trường học hoãn tổ chức các sự kiện thể thao ngoài trời.

Tính đến 12h ngày 3/12 đã xảy ra 116 đám cháy rừng trên toàn bang New South Wales, 56 đám cháy trong đó chưa khống chế được và hơn 2.000 nhân viên cứu hỏa đang nỗ lực dập lửa với sự hỗ trợ của máy bay.

Hàn Quốc xử lý nghiêm ô tô gây ô nhiễm tại thủ đô Seoul

Chính quyền thành phố Seoul, Hàn Quốc đã bắt đầu chiến dịch xử phạt chủ các phương tiện thải ra lượng lớn khí thải CO2.

Cụ thể, các xe có lượng phát thải cao sẽ bị phạt 250.000 Won (khoảng 5 triệu đồng) khi di chuyển trong Khu vực giao thông xanh. Việc áp dụng hình phạt sẽ có hiệu lực từ 6h - 21h hàng ngày. Seoul kỳ vọng, chính sách trên sẽ giúp giảm mật độ bụi mịn trong khu vực tới 15,6%.

Ngoài ra, Seoul cũng có kế hoạch tăng mật độ xe bus để kết nối các khu vực trong thành phố bắt đầu từ năm 2020 cũng như tăng gấp đôi số lượng xe đạp cho thuê công cộng vào cuối năm 2020.

Các đám cháy rừng Amazon làm băng tan nhanh hơn

Một nghiên cứu đã kết luận rằng khói từ những đám cháy rừng Amazon đang gây ảnh hưởng đến dãy Andes khi sông băng tại đây đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh.

Tháng 8/2019, cả thế giới đã phải lo lắng khi chứng kiến những đám cháy nghiêm trọng xảy ra tại rừng Amazon ở Brazil. Những cột khói từ các đám cháy có thể cao tới 5.000m so với mực nước biển, còn gió mang chúng đến với các dòng sông băng, biến thành các phân tử carbon đen cực nhỏ, có khả năng khiến băng tuyết tan chảy ngày một nhanh hơn.

Một chuyên gia khí hậu ước tính, những đám cháy tại Amazon từ năm 2010 đã khiến mức chảy từ sông băng Zongo ở Bolivia tăng thêm 4,5%. Và trong trường hợp các phân tử này tăng lên, sông băng sẽ tiếp tục hấp thụ nhiều nhiệt lượng hơn, dẫn đến tình trạng biến mất hoàn toàn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 4/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới