Thứ sáu, 19/04/2024 07:51 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 3/5/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 03/05/2020 16:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 3/5/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 3/5/2020.

Chủ động nâng cao ý thức cảnh giác của cộng đồng trước thiên tai

Quyết định số 46-QĐ/TTg ngày 15/4/2014 của Chính phủ về cảnh báo, dự báo và truyền tin thiên tai sau một thời gian ban hành và thực hiện đã nảy sinh những vấn đề không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/1/2020 (Quyết định 03) quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, thay thế cho Quyết định số 46-QĐ/TTg ngày 15 tháng 4 năm 2014.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường, Quyết định 03 được ban hành trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành về dự báo, cảnh báo, báo tin về thiên tai, bao gồm điều kiện ban hành, nội dung, tần suất và thời gian ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ và động đất, sóng thần; điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời bổ sung những quy định nhằm bao quát toàn bộ các loại thiên tai nêu tại khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường cho biết, các nội dung chính được sửa đổi, bổ sung trong Quyết định số 03 cần được chú ý triển khai thực hiện như đối với các đơn vị dự báo, cảnh báo, bản tin dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới sẽ không còn quy định loại bản tin bão, áp thấp nhiệt đới gần bờ mà được thay thế bằng tin bão, áp thấp nhiệt đới khẩn cấp. Trong đó, điều kiện ban hành, nội dung bản tin sẽ thay đổi như tăng thời hạn dự báo từ 48 giờ đến 72 giờ và cảnh báo từ 72 giờ đến 120 giờ.

Các tin thiên tai khác được quy định cụ thể trong Quyết định bao gồm mưa lớn; ngập lụt; lũ quét và sạt lở đất do mưa lũ hoặc do dòng chảy; nắng nóng; hạn hán; xâm nhập mặn. Nội dung bổ sung cho mỗi loại bản tin dự báo, cảnh báo đều được quy định chi tiết đối với điều kiện ban hành, nội dung bản tin và thời gian, tần suất phát tin dự báo, cảnh báo.

Bên cạnh đó, tăng số lượng vị trí các trạm thủy văn do các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh thông báo lũ nhằm đáp ứng kịp thời cho công tác dự báo, cảnh báo đạt độ tin cậy cao.

Ứng với mỗi loại hình thiên tai, mức độ rủi ro, phạm vi ảnh hưởng, đối tượng được cảnh báo, Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam sẽ thực hiện truyền phát tin trên các phương thức, kênh tần số vô tuyến điện với tần suất thích hợp, như truyền phát bằng điện thoại vô tuyến với tần suất 16 phiên/1 bản tin nguồn nhận được và truyền phát bằng điện văn vô tuyến với tần suất 2 phiên/1 bản tin nguồn nhận được. Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam sẽ phát liên tục trong ngày đến khi bản tin nguồn nhận được không còn hiệu lực.

Mực nước sông Mekong vẫn thấp hơn so với mức cùng kỳ của hai năm trước

Theo TTXVN, Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC) ngày 30/4 ra thông cáo báo chí cho biết mực nước tại phần lớn hạ lưu sông này hiện đã tăng lên mức trung bình nhiều năm, nhưng vẫn thấp hơn mực nước cùng kỳ trong các mùa khô năm 2018 và 2019.

Kết quả giám sát mực nước của MRC cho thấy mưa sớm trên toàn khu vực sông Mekong trong tháng Tư vừa qua đã góp phần đưa mực nước ở sông này trở lại mức bình thường.

Tiến sỹ Lâm Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khu vực về Quản lý Lũ và Hạn của Ban Thư ký MRC cho biết khu vực trên đã đón nhận lượng mưa khá lớn kể từ tuần thứ ba của tháng Tư, tuy nhiên tổng lượng mưa trong đợt này mới chỉ đạt mức trung bình.

Theo thông cáo của MRC, tại trạm Chiang Saen, Thái Lan - trạm quan trắc xa nhất về phía thượng nguồn của hạ lưu Mekong - mực nước đo được ngày 30/4 là 3m, cao hơn 1,2m so với mức trung bình.

Ở trạm Vientiane, Lào, mực nước hiện trên 2m một chút, trong khi mức trung bình ở đây là 1,13m.

Tại Campuchia, mực nước tại các trạm Stung Treng, Kratie và Kompong Cham đều trên mức trung bình, trong khi mực nước tại Chaktomuk, Phnom Penh Port và Prek Kdam đều đang ở mức trung bình.

Do tác động của thủy triều, tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, mực nước tại Tân Châu trên sông Mekong và Châu Đốc trên sông Bassac biến động quanh mức trung bình.Khô hạn tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực Nam Trung Bộ

4 triệu người thu gom rác tại Ấn Độ có khả năng châm ngòi ‘bom hẹn giờ’ COVID-19

Trong 10 ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện mưa giông. Những cơn mưa "vàng" này giúp tiết trời dịu bớt sau những tháng dài nắng nóng khô rát, nhiều loại cây trồng duy trì sự sống lâu hơn. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương khu vực Nam Trung Bộ như các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, dù trời mưa nhưng lượng mưa không đáng kể, thậm chí có nhiều vùng như huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận hay huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận không có mưa. Do đó, nhiều sông suối, ao hồ ở khu vực này càng bị khô kiệt, không thể cấp nước cho sản xuất. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất đã xảy ra cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi và khu vực từ tỉnh Phú Yên đến tỉnh Bình Thuận.

Riêng tại tỉnh Ninh Thuận, trong 10 ngày qua, huyện Bác Ái và huyện Ninh Sơn có mưa nhỏ và vừa với lượng mưa từ 5 - 40mm, các huyện còn lại không có mưa. Tổng lượng nước ở các hồ chứa hiện chỉ còn khoảng 17% dung tích thiết kế.

Với nguồn nước ít ỏi còn lại từ các hồ chứa, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tiếp tục đưa ra khuyến cáo, người dân không trồng lúa trong vụ Hè Thu này, giảm diện tích đáng kể đối với các cây trồng cạn khác. Huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận là địa phương từ cuối năm 2019 đến nay không có mưa, người dân phải ngừng sản xuất đến 3 vụ, nay lại tiếp tục phải dừng sản xuất.

Người dân ngừng sản xuất nông nghiệp đến 3 vụ, nguy cơ thiếu đói đang hiển hiện. Nguồn sinh kế chính để trang trải cuộc sống với nhiều nông dân ở vùng khô hạn trong thời điểm này là đàn gia súc. Tuy nhiên, do ngừng sản xuất kéo dài, phế phụ phẩm trong nông nghiệp, nguồn thức ăn cho gia súc như: rơm rạ, cây bắp không được nhiều. Cùng với thực trạng đồng cỏ bị khô cháy, nguồn nước cạn khô, việc duy trì chất lượng đàn gia súc gặp nhiều khó khăn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 3/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.