Thứ ba, 16/04/2024 22:25 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 31/5/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 31/05/2020 06:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/5/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/5/2020.

TP Hồ Chí Minh: Mưa lớn, hàng loạt tuyến đường ngập sâu trong nước

Chiều tối 30/5, sau cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh bị ngập nặng, giao thông hỗn loạn, xe chết máy la liệt, người dân chật vật di chuyển...

Theo KTĐT, ngay từ đầu giờ chiều tại các tuyến đường như Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức), Lê Văn Việt (quận 9)…, nước ngập mênh mông, nhiều đoạn dốc, chảy cuồn cuộn khiến, nhiều người không dám di chuyển.

Trong khi đó, tại một số khu vực khác như quận Bình Thạnh, Gò Vấp…, mưa nặng hạt cũng làm nhiều đoạn ngập, giao thông gặp nhiều khó khăn.

Tại đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, mặt đường ngập nặng, hàng loạt xe máy bị chết máy phải dắt bộ. Mặt đường thấp cộng với nước đổ về đây quá nhiều khiến các cống, rãnh không kịp thoát nước.

Đoạn đường bị ngập dài khoảng 2km, nhiều đoạn nước ngập gần nửa mét, khi có xe lớn đi qua tạo thành sóng tạt thẳng vào nhiều nhà dân.

Tương tư, đường Võ Văn Ngân, quận 9 nước mưa chảy theo dốc cuồn cuộn như lũ khiến người đi đường chao đảo.

Riêng đường Trần Xuân Soạn, quận 7 mưa chỉ mới khoảng 15 phút mặt đường đã mênh mông nước do các cống, rãnh không kịp thoát nước. Nước dồn về 2 bên đường, người dân phải di chuyển ra giữa đường để tránh ngập.

Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường

Nhằm bảo vệ môi trường, Hà Nội đã đưa vào vận hành các nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung, cùng với đó tỷ lệ xử thu gom chất thải sinh hoạt đạt kết quả cao.   

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, từ năm 2015 đến nay, Sở đã tham mưu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành 25 chương trình, nghị quyết, kế hoạch, đề án… về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, trước nhu cầu cấp bách của công tác bảo vệ môi trường, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 11 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết.

Sau gần 3 năm thực hiện, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố có một số chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt ở ngoại thành đạt 89%, nội thành đạt 100%; chất thải y tế thu gom, xử lý đạt 100%. Thành phố cũng đã tập trung xử lý ô nhiễm tại 90 hồ khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành; xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án Sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, trong đó đã hoàn thành công tác điều tra, đánh giá hiện trạng các nguồn thải lỏng đổ vào lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Đặc biệt, Thành phố đã xây dựng 8 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, với tổng công suất 296.700 m3/ngày đêm, xử lý khoảng 30% tổng lưu lượng nước thải phát sinh của Thành phố. Ngoài ra, có 9/9 khu công nghiệp và 26/43 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung; 100% các bệnh viện tư nhân và 26/28 (đạt tỷ lệ 92,8%) bệnh viện do Thành phố quản lý có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Ngày hội Thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường

Ngày 30/5, Thành đoàn Cần Thơ phối hợp với Báo Gia đình Việt Nam (Văn phòng đại diện tại TP Cần Thơ) tổ chức chương trình “Ngày hội Thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường” tại Công viên Lưu Hữu Phước.

Chương trình là chuỗi hoạt động nhằm chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) và hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6).

Ngày hội Thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường đã thu hút hàng ngàn trẻ em thành phố tham gia với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như: tham gia trò chơi phân loại rác, ném rác vào thùng, vận chuyển thùng rác nhanh, vẽ tranh tập thể bảo vệ môi trường, văn nghệ, dân vũ...

Tham gia Ngày hội hàng ngàn em thiếu nhi đã thích thú mang rác thải là những vật dụng trong gia đình như: chai lọ nhựa, bọc ni lông, pin, lon bia, đồ chơi điện tử... đã hư hỏng hoặc không sử dụng để đổi lấy nhiều phần quà như: đồ chơi, bánh kẹo, nước uống, gấu bông...

Cộng đồng quốc tế nỗ lực bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang

Theo TTXVN,  trong khuôn khổ Tuần lễ của Liên hợp quốc về Bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang năm 2020, ngày 29/5, Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã cùng với Phái đoàn Thụy Sỹ, Văn phòng Điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức PAX tổ chức một cuộc thảo luận trực tuyến mang tên “Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang là bảo vệ dân thường”.

Tham dự cuộc thảo luận có 90 đại diện của các nước thành viên Liên hợp quốc và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các tổ chức về nhân đạo và bảo vệ môi trường.

Trưởng Phái đoàn Thụy Sỹ tại Liên hợp quốc Jurg Lauber cho rằng mối quan hệ giữa môi trường và xung đột vũ trang đã được thừa nhận rộng rãi, bởi tài nguyên thiên nhiên là một trong những nguyên nhân gốc rễ làm nảy sinh xung đột; môi trường đất, nước, hệ sinh thái bị tàn phá trong xung đột tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh kế, sức khỏe của người dân.

Trong khi đó, chuyên gia pháp lý Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế, bà Vanessa Murphy lưu ý rằng luật nhân đạo quốc tế quy định cấm sử dụng môi trường làm phương thức chiến tranh dẫn đến hủy hoại môi trường lâu dài, nghiêm trọng và trên diện rộng. Do đó, việc hạn chế tác động của xung đột vũ trang đối với các công trình, hạ tầng có ý nghĩa thiết yếu với sự sống còn của người dân.

Chuyên gia về giải trừ quân bị của tổ chức PAX, ông Wim Zwijnenburg nêu dẫn chứng tại Iraq, nhiều giếng dầu bị các lực lượng tham chiến đốt cháy gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, các nhà máy nước bị ném bom gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Ông Zwijnenburg nhấn mạnh cần, các nước tăng cường thu thập thông tin thông qua sử dụng công nghệ, các nguồn thông tin mở, qua khảo sát, đánh giá thực địa nhằm đánh giá nguy cơ về sức khỏe liên quan đến môi trường, từ đó xây dựng chính sách nhân đạo và phục hồi môi trường sau xung đột.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 31/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.