Thứ tư, 17/04/2024 02:36 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/6/2020

MTĐT -  Thứ ba, 30/06/2020 06:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/6/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/6/2020.

Trên 1 triệu người phải sơ tán vì lũ lụt nghiêm trọng tại Ấn Độ

Chính quyền bang Assam cho biết nước sông Brahmaputra, một trong những con sông lớn nhất thế giới chảy từ Tây Tạng vào Ấn Độ sau đó chảy vào Bangladesh, đã tràn bờ tại Assam cuối tuần qua, làm ngập hơn 2.000 ngôi làng, trong khi mưa lớn vẫn tiếp tục trong ngày 29/6.

Lũ lụt đã làm 2 người thiệt mạng trong 24 giờ qua và hơn 1 triệu người bị ảnh hưởng. Mưa xối xả xuống ít nhất 24 trong số 33 huyện của bang Assam và Cơ quan nguồn nước liên bang cho biết mực nước tại sông Brahmaputra sẽ tiếp tục dâng cao khi mưa lớn sẽ vẫn kéo dài trong 3 ngày tới.

Bộ trưởng Nguồn nước bang Assam Keshab Mahanta cho biết tình hình lũ lụt vẫn rất nghiêm trọng với một số đoạn đê bị vỡ.  Phần lớn Công viên quốc gia Kaziranga, nơi cư trú của loài tê giác đen 1 sừng, đã bị ngập nước.

Lực lượng bán quân sự đã được triển khai để tham gia các hoạt động cứu hộ và đảm bảo người dân duy trì giãn cách xã hội tại các địa điểm trú ẩn tạm thời nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19.

ĐBSCL: Gia tăng tình trạng sạt lở đất bờ sông, kênh rạch

Từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn các tỉnh, thành như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở bờ sông gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Cụ thể, sáng 26/6/2020 tại khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ đã xảy ra một vụ sạt lở đất cặp sông Cần Thơ (gần chợ nổi Cái Răng). Đoạn sạt lở kéo dài khoảng 30m, ăn sâu vào đất liền từ 5 đến 12m, gây thiệt hại 5 căn nhà của người dân. Một người dân ở khu vực 5, phường Lê Bình, quận Ninh Kiều cho phóng viên biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay tình trạng sạt xảy ra thường xuyên hơn, trước đó vào ngày 7/3/2020 ở gần khu vực này cũng xảy ra sạt lở gây hư hỏng 5 căn nhà của người dân”.

Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ cho biết, từ đầu tháng 6/2020 đến nay trên địa bàn các quận Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng đã xảy ra nhiều điểm sạt lở bờ sông, trong đó có 03 điểm sạt lở rất nguy hiểm, gồm: khu vực sông Bến Bạ thuộc quận Cái Răng; sông Trà Nóc và rạch Cam thuộc quận Bình Thủy.

Theo ông Nguyễn Quí Ninh, nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở trên địa bàn thành phố trong thời gian qua chủ yếu là do dòng chảy trên một số sông rạch có sự thay đổi, cùng với đó là một số khu vực nền đất yếu, nhiều tàu bè qua lại gây áp lực lên bờ gây sạt lở...

Cũng theo ông Nguyễn Qúi Ninh, từ đầu năm 2020 đến ngày 22/6/2020 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 22 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, tăng 11 điểm so với với cùng kỳ năm 2019. Các vụ sạt lở đã làm ảnh hưởng đến 73 căn nhà của người dân, tổng chiều dài sạt lở trên 1,2km, thiệt hại ước tính 14,4 tỉ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2019 13,3 tỉ đồng.

Tại tỉnh Hậu Giang tình trạng sạt lở đất bờ sông, kênh rạch cũng đang diễn ra thường xuyên và quy mô hơn so với năm 2019. Mới đây (ngày 24/6/2020), trên tuyến sông Ba Láng thuộc ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang xảy ra một điểm sạt lở. Đoạn sạt lở dài trên 20m, ăn sâu vào bờ từ 7 đến 8m khiến cho gần 200m2 đất bờ sông bị mất; đồng thời gây ảnh hưởng đến công trình nhà của 5 hộ dân và 1 doanh nghiệp, ước thiệt hại trên 130 triệu đồng.

Trước đó vào ngày 22/6/2020  trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang liên tiếp xảy ra 4 điểm sạt lở bờ kênh với tổng chiều dài gần 120m đã làm mất tổng cộng 750m2 đất bờ kênh. Theo thống kê từ ban chỉ huy phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tổng cộng 33 điểm sạt lở đất bờ sông, bờ kênh, tăng 3 điểm so với cùng kỳ năm 2019, trong đó huyện Châu Thành là địa phương xảy ra nhiều nhất với 30 điểm.

Đối với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ kênh, bờ biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng đang xảy ra ở địa bàn các huyện Kế Sách, Mỹ Xuyên, Trần Đề, TX. Vĩnh Châu làm cho nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, nhà cửa của người dân bị hư hại. Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi- Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng thông tin, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 điểm sạt lở tương đương so với cùng kỳ năm 2019.

Thanh tra môi trường hàng loạt cơ sở sản xuất kinh doanh ở Cà Mau

Theo phản ánh của người dân, thời gian qua ở một số khu vực nội ô thành Cà Mau như: công viên bờ kè phường 2, bờ kè phường 7, khu vực gần bến tàu cao tốc cũ, khu vực chân cầu Phan Ngọc Hiển, gầm cầu Cà Mau,... xảy ra tình trạng rác thải vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân sống xung quanh khu vực, “bức tử” dòng sông.

Một người dân sống gần khu vực gầm cầu Cà Mau phản ánh, tình trạng rác thải vứt bừa bãi xuất hiện từ lâu, nhưng chưa được cơ quan chức năng quan tâm thu gom thường xuyên, lâu ngày rác thải bị ùn ứ, bốc mùi hôi thối, khiến ruồi, muỗi đeo bám… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong 2 tháng cuối năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020, ngành chức năng của tỉnh này đã kiểm tra, phát hiện và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều hộ dân và doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.

Ngoài nguyên nhân ô nhiễm môi trường được xác định là do các cơ sở sản xuất gây ra, còn có nguyên nhân không nhỏ là người dân sinh sống, kinh doanh ven sông xả rác, vứt chất thải, xác động vật, thậm chí phóng uế xuống sông... cũng làm tăng mức độ ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy.

Bên cạnh việc xử phạt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương triển khai thực hiện dự án nạo vét các tuyến sông Gành Hào, kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau nhằm khơi thông dòng chảy.

Theo báo cáo ngày 19/6 của UBND tỉnh Cà Mau về kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 9 và Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Cà Mau khóa IX, kế hoạch trong năm 2020, các cơ quan bảo vệ môi trường tỉnh Cà Mau sẽ tiến hành thanh tra khoảng 59 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào các khu, cụm công nghiệp Sông Đốc, Hòa Trung, Khánh An và các cơ sở nằm dọc theo tuyến kênh, sông như: Gành Hào, Ông Đốc, Tắc Thủ, Bạc Liêu - Cà Mau, Lương Thế Trân. Đồng thời, mở các cuộc kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Tuồn rác thải y tế ra vựa phế liệu

Qua kiểm tra cơ sở thu mua phế liệu tại số 165- Lý Thái Tổ (P. An Hòa, TP Huế, TT-Huế) của ông Nguyễn Triều (1963), lực lượng Cảnh sát môi trường CA tỉnh TT-Huế phát hiện 9 bao tải chứa rác thải y tế gồm bơm kim tiêm đã qua sử dụng, ống nghiệm còn dính máu, găng tay... Theo lời khai của ông Nguyễn Triều, số rác thải y tế trên được ông thu mua từ các nguồn thu gom rác thải nhỏ lẻ nhằm mục đích... tái chế. Hiện, Phòng Cảnh sát môi trường đang phối hợp các cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.