Thứ năm, 18/04/2024 20:52 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/5/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 29/05/2020 06:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/5/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/5/2020.

Kinh hoàng chứng kiến "bão châu chấu" phủ kín bầu trời Ấn Độ

Ấn Độ đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực nghiêm trọng do những đàn châu chấu khổng lồ phá hoại mùa màng. Hiện những "cơn bão châu chấu" khổng lồ đã xuất hiện tại hàng loạt các bang, tàn phá khoảng 50.000 hecta đất trồng.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đẩy Ấn Độ rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất kể từ năm 1993. Trong khi đó, nước này vẫn đang phải gồng mình đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu ở An Giang

Ngày 28/5, UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định số 1152/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư Dự án “Xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu".

Cụ thể, Dự án “Xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới” với chiều dài khoảng 450m từ khu vực thượng lưu rạch Cái Hố thuộc ấp An Thị đến khu vực rạch Cái Hố đổ ra nhánh trái sông Hậu.

Dự án có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, thời gian thực hiện dự án năm 2020-2024.

Được biết, trước đó vào ngày 14/7/2019, tại vàm Cái Hố, tuộc khu vực ấp An Thị, xã An Thạnh Trung đã xảy ra sạt lở đất với chiều dài hơn 250m, ăn sâu vào đất liền 6m đã gây gián đoạn một phần đoạn đường giao thông liên ấp An Thị - An Long. Sau đó, tiếp tục sạt lở nhiều vụ nhỏ uy hiếp 27 căn nhà dân tại khu vực này.

Theo UBND tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 12 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch; trong đó 1 điểm thuộc thị xã Tân Châu, 3 điểm ở huyện An Phú, 2 điểm ở huyện Chợ Mới, 5 điểm ở huyện Châu Phú, thành phố Long Xuyên có 1 điểm, với tổng chiều dài sạt lở 380m, ảnh hưởng đến 48 căn nhà của người dân sống trong khu vực, trong đó có 1 căn bị sụp xuống sông;  Ước thiệt hại về đất khoảng 1,7 tỷ đồng.

Trong đó vụ sạt lở mới đây nhất là vào sáng 27/5, tuyến Quốc lộ 91 cũ, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang liên tục xảy ra sạt lở nghiêm trọng; 1/3 mặt đường, với chiều hơn 40m tăng về phía hạ lưu đã bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, sạt lở đe dọa đến 81 hộ dân, trong đó có 27 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Indonesia "gieo" mây làm mưa nhân tạo ngăn chặn cháy rừng

Trong vòng 2 tuần qua, Indonesia đã bắt đầu "gieo" mây, một phương pháp kỹ thuật sử dụng chất hóa học để làm mưa nhân tạo, tại điểm nóng ở tỉnh Riau trên đảo Sumatra cùng các khu vực khác trên đảo và ở đảo Borneo.

Hoạt động này được thực hiện trước khi các đám cháy rừng bắt đầu và sẽ kéo dài hết mùa khô dự kiến kết thúc vào tháng 9 tới.

Các vụ hỏa hoạn xảy ra năm ngoái được cho là tồi tệ nhất kể từ năm 2015 do thời tiết khô hanh khi 1,6 triệu hécta đất canh tác chủ yếu ở đảo Sumatra và Borneo bị thiêu trụi do các đám cháy nằm ngoài tầm kiểm soát.

Giới chức Indonesia đã triển khai hàng chục nghìn nhân viên và máy bay chữa cháy phun nước để dập tắt các đám cháy được cố tình gây ra để giải phóng mặt bằng cho canh tác nông nghiệp.

Các đám cháy này đã gây ra khói mù độc hại ở khắp khu vực Đông Nam Á khiến nhiều trường học phải đóng cửa và làm gia tăng các mối lo ngại về sức khỏe người dân.

Trên 700 ha rừng trồng tại Tây Ninh bị thiệt hại do nắng hạn kéo dài

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát và Khu rừng Văn hóa Lịch sử Chàng Riệc (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) cho biết, mùa khô năm 2019-2020 diễn ra khá dài, nắng nóng khắc nghiệt nên có hơn 700 ha rừng trồng từ năm 1996 đến 2018 bị thiệt hại nặng.

Cụ thể, tại Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát có 449 ha bị thiệt hại; trong đó, diện tích rừng trồng bảo vệ, phòng chống cháy là 446 ha, rừng trồng chăm sóc là 3 ha. Tỷ lệ cây chết trong các diện tích rừng kể trên từ 5 - 70%; tỷ lệ cây bị khô ngọn từ 5 - 50%. Ngoài ra, tại Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát còn có 77 cây xà cừ trồng từ năm 1997-2003 bị chết do thời tiết khô hạn.

Tại Khu rừng văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc có 217,7 ha bị thiệt hại; trong đó, rừng trồng bảo vệ phòng chống cháy là 201,8 ha (197 ha cây sao, dầu, còn lại là cây keo), rừng trồng chăm sóc 15,9 ha (14 ha sao, dầu, 1,9 ha keo). Tỷ lệ cây sao, dầu bị chết từ 2,1% đến 50,5%; cây keo bị chết từ 4,7% đến 85,5%.

Ông Tạ Ngọc Dân, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát cho biết, hầu hết diện tích rừng trồng ở khu vực biên giới, có thời tiết nắng nóng gay gắt, khắc nghiệt, dẫn đến số số lô rừng trồng chết khô hoàn toàn hoặc chết một phần (khô từ nữa thân lên ngọn), đặc biệt là cây chính sao, dầu bị chết nhiều, làm giảm chất lượng rừng trồng, ảnh hưởng đến kết quả nghiệm thu các hạng mục lâm sinh vào cuối năm, cũng như quy định khai thác tận thu cây phụ trợ của người dân nhận khoán.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.