Thứ bảy, 20/04/2024 03:16 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/3/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 29/03/2020 07:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/3/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/3/2020.

Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát ngang nhiên xả thải 'bức tử' suối Cái (Hoà Bình)

Nhiều năm nay, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát, địa chỉ tại thôn Tân Lý, xã Hào Lý (nay là xã Tú Lý), huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, làm "bức tử" suối Cái, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm người dân địa phương và một số xã thuộc huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).

Mặc dù, cơ quan chức năng các cấp đã vào cuộc yêu cầu khẩn trương xử lý nhưng công ty vẫn tiếp tục xả nước thải.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã đi dọc suối Cái để quan sát, nhận thấy màu nước đen kịt, nổi bọt trắng xóa dọc theo dòng suối, bốc mùi rất khó chịu. Đến khu vực cửa xả nước của công ty, phóng viên phát hiện nước đen ngòm, hôi thối, váng bọt màu vàng đặc quánh.

Ông Lê Văn Thành, người dân xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) bức xúc nói: "Từ khi nhà máy giấy đi vào hoạt động, xả thải nước ra suối Cái, ai đi qua suối thì chân tay đều bị lở, loét hết. Trâu bò tắm rửa, uống phải nước thì gầy gò, bị bệnh rồi chết dần, chết mòn...".

Cống xả thải nước đen ngòm, hôi thối, váng bọt màu vàng đặc quánh chảy thẳng vào suối Cái. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Trước việc suối Cái bị ô nhiễm nặng nề, nhiều người dân quanh vùng đang phải đối mặt với tình cảnh thiếu nguồn nước sinh hoạt trầm trọng, ông Bàn Văn Mừng, người dân xã Yên Sơn (Phú Thọ) bộc bạch: "Suối Cái trước kia nhiều cá lắm, mỗi ngày có thể đánh bắt được hàng yến cá. Giờ thì nguồn nước này không thể dùng được vào việc gì nữa. Do nguồn nước khan hiếm, nhiều người dân phải đầu tư hàng triệu đồng để mua ống ti-ô kéo nước ở các nơi về mà vẫn không đủ nước để sử dụng. Một số xóm không có nước để sinh hoạt, người dân bỏ hàng chục triệu đồng để đào giếng, có nơi đào xong cũng không có nước để sử dụng".

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát tại Hòa Bình đi vào hoạt động từ năm 2008. Sản phẩm chính của công ty sản xuất là giấy xuất khẩu. Công ty có công suất thiết kế theo bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường 12.000 tấn bột giấy/năm với 6 dây truyền sản xuất. Trên thực tế, công ty chỉ đầu tư 4 dây chuyền sản xuất. Đến nay, chỉ còn 1 dây chuyền hoạt động. Sản lượng thực tế trong năm 2019 khoảng 1.000 tấn bột giấy. Trong quá trình hoạt động, công ty sử dụng một lượng lớn hóa chất để phục vụ sản xuất cũng như xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường với 50 tấn phèn nhôm/năm, 3 tấn men vi sinh/năm, khoảng 90 tấn vôi bột (NaOH)/năm.

Nhiều năm qua, nước thải từ Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát chảy thẳng vào suối Cái. Khiến suối Cái dần trở thành "suối chết", người dân đã nhiều lần làm đơn phản ánh, kiến nghị lên cơ quan chức năng các cấp. Vào năm 2017, UBND tỉnh Hòa Bình xử phạt Công ty Thuận Phát 106 triệu đồng; đồng thời yêu cầu công ty này phải có biện pháp khắc phục ngay những vi phạm. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa triển khai thực hiện.

Tháng 12/2019, đoàn thanh tra Tổng Cục Môi trường đã trực tiếp đến Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát để kiểm tra. Qua đó nêu rõ, công ty không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về xử lý nước thải. Nước thải trong quá trình xeo giấy qua bể keo tụ ra môi trường không có hệ thống bể lắng, lọc. Bể xử lý dịch đen bằng men vi sinh sau ngâm ủ và xả qua bể keo tụ trước khi xả ra môi trường còn bị hư hỏng, xuống cấp. Để giải quyết tình trạng này, đoàn thanh tra Tổng Cục Môi trường đã yêu cầu công ty thực hiện ngay biện pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; cắt bỏ đường ống thoát nước xeo giấy ra môi trường không qua hệ thống xử lý; rà soát lại tất cả các đường ống rò rỉ nước sạch vào hệ thống bể xử lý nước thải. Điểm xả nước thải ra suối Cái phải được cải tạo nổi trên mặt đất. Công ty cải tạo lại bể xử lý dịch đen đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Sau 3 tháng thanh tra, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát vẫn ngang nhiên xả thải nước ra suối Cái.

Chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với ông Bùi Trọng Tâm - Giám đốc công ty để đặt lịch làm việc nhưng ông Tâm lấy lý do bận việc không gặp. Khi được hỏi về việc người dân bức xúc, kiến nghị về tình trạng gây ô nhiễm, ông Tâm trả lời: "kiến nghị là việc của người dân".

Trao đổi với ông Đinh Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Tú Lý, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) cho biết, chính quyền địa phương không có đủ thẩm quyền để xử lý. Qua quá trình đánh giá, kiểm tra, cấp trên đã có quyết định tạm dừng và xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát nhưng đến nay công ty vẫn chưa khắc phục.

Phun khử trùng toàn TP Hải Phòng để phòng, chống COVID-19

Ngày 28/3, Sở Y tế TP Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện khử trùng trên nhiều tuyến đường tại khu vực nội thành nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo ghi nhận, những chiếc xe chuyên dụng của bộ đội hóa học Quân khu 3 đã được huy động để phun hóa chất trên các tuyến phố chính như Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Điện Biên Phủ, Đà Nẵng... Hóa chất khử trùng được sử dụng là Cloramin B 25% hoặc Clorine 70% clo hoạt tính.

Theo kế hoạch của Sở Y tế, lực lượng chức năng sẽ phun khử trùng trên diện rộng các khu vực công cộng nơi tập trung đông người, bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, các tuyến phố đường chính trên địa bàn TP.

Biện pháp này nhằm nhanh chóng loại trừ các yếu tố nguy cơ gây dịch COVID-19, hạn chế tác động của dịch bệnh đến đời sống người dân.

Xe phun hóa chất của quân đội phun khử trùng tại đường Trần Phú, Hải Phòng. 

Thời gian phun là 15 ngày tính từ ngày 27-3, với tần suất 2-3 lần/tuần. Theo chỉ đạo của Sở Y tế Hải Phòng, Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện phun hóa chất khử trùng các tuyến đường chính của TP và một số khu vực công cộng.

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế phun khử trùng môi trường tại các sân bay, bến cảng.

Trung tâm Y tế các quận, huyện thực hiện phun khử trùng môi trường tại các tuyến đường chính trên địa bàn quận, huyện, đường ngõ, ngách, trường học, chợ, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, khu dân cư, nơi tập trung đông người.

Trung Quốc chưa gia tăng lượng xả trên sông Mekong, hạn mặn ĐBSCL có thể kéo dài

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), trong tuần qua, xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn có xu hướng tăng nhẹ, sông Cửu Long giảm.

Dự báo, từ hôm nay (28/3) đến ngày 3/4, xâm nhập mặn trên các sông tiếp tục giảm từ 4-5 km so với tuần hiện tại.

Theo đó, người dân có khả năng lấy được nước ngọt tại các cửa sông: Vàm Cỏ Đông từ 85-90 km trở lên, Vàm Cỏ Tây từ 95-100 km, Cổ Chiên từ 35-40 km, Hậu từ 30-35 km, Cái Lớn từ 50-55 km.

Riêng các cửa sông Hàm Luông, Cửa Tiểu, Cửa Đại xâm nhập mặn vẫn ở mức tương đối cao. Đây là thời gian xâm nhập mặn thấp nhất ở các cửa sông Cửu Long kể từ tháng 1/2020, có thể lấy nước ngọt tương đối thuận lợi.

Người dân ở ĐBSCL quay cuồng với nỗi lo thiếu nước sinh hoạt và sản xuất

Hiện có khoảng 96.000 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt (Bến Tre 20.000 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.500 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ).

Nguyên nhân do nguồn nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, các hộ dân thiếu dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng.

Năm nay, mặc dù phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn năm 2015-2016 nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt giảm khoảng 114.000 hộ (giảm 54%) so với năm 2015-2016 (210.000 hộ).

Diện tích lúa vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020 bị thiệt hại do xâm nhập mặn tăng khoảng 10.000 ha so với tuần trước, hiện đã đã lên 49.800 ha (vụ Mùa 16.000 ha, Đông Xuân 33.800 ha), bằng 12,3 % so tổng cộng thiệt hại đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016 (khoảng 405.000 ha).

Về nguồn nước trên dòng Mekong, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 2 thấp hơn so với trung bình và thấp hơn so với năm kiệt 2016.

Theo thông tin từ Viện này, ngày 20/2 Trung Quốc tuyên bố xả nước trên sông Mekong để giúp đỡ các quốc gia láng giềng đối phó với khô hạn, nước từ đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) về đến Chiang Saen (Thái Lan) chỉ mất 2-3 ngày, nhưng đến nay vẫn chưa có sự gia tăng xả này. Hiện thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp.

Vận hành gia tăng từ các đập thủy điện Trung Quốc đã chậm hơn khoảng 40 ngày so với ở năm 2018-2019 và 34 ngày so với bình quân những năm gần đây.

Dự báo lưu lượng bình quân tháng 3 thấp, mặn sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 3. Đỉnh mặn tháng 3 xuất hiện trong tuần 7/3-15/3 và 22/3-28/3, mặn sẽ tiếp tục kéo dài sang nửa đầu tháng 4.

Viện khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các các địa phương vận hành hệ thống công trình hợp lý, kiểm soát mặn thường xuyên ở các hệ thống thủy lợi, các cửa lấy nước, đảm bảo tích trữ nước và bảo vệ nguồn nước trong thời kỳ mặn lịch sử này.

Núi lửa mạnh nhất Indonesia lại “thức giấc”

Ngày 27-3, núi Merapi, núi lửa còn hoạt động mạnh nhất tại Indonesia, đã "thức giấc" và phun trào cột tro bụi cao khoảng 5km lên bầu trời, buộc giới chức địa phương phải ban hành cảnh báo cấm bay qua khu vực.

Theo Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ ứng phó thảm họa địa chất thuộc Cơ quan Theo dõi núi lửa ở tỉnh Yogyakarta, núi lửa Merapi, nằm ở đảo chính Java, bắt đầu phun trào vào khoảng 10 giờ 56 sáng 27-3, tạo ra một lớp tro bụi bao phủ khu vực kéo dài vài ki-lô-mét từ miệng núi lửa. Cơ quan này đã nâng cấp độ cảnh báo hàng không tại khu vực từ mức bình thường lên mức cao nhất - mức báo động đỏ. Mức báo động này được hiểu là các máy bay bị cấm bay qua không phận bên trên khu vực xung quanh núi lửa. Các cư dân địa phương không được hoạt động trong phạm vi bán kính 3km từ miệng núi lửa.

Núi lửa Merapi cao khoảng 2.930m, là một trong 129 núi lửa còn hoạt động tại Indonesia và bắt đầu hoạt động thường xuyên từ năm 1548. Lần gần đây nhất núi lửa này hoạt động trở lại là hôm 3-3, phun trào một cột tro bụi cao khoảng 6km lên bầu trời. Trong lần Merapi phun trào vào năm 2010, tổng cộng 353 người đã thiệt mạng và khoảng 350.000 người khác phải đi sơ tán.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...