Thứ bảy, 20/04/2024 10:54 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/12/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 29/12/2019 10:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/12/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/12/2019.

Phù Yên (Sơn La): Đẩy mạnh phối hợp, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường

Theo phản ánh của nhân dân tại một số xã Tường Thượng, Tường Hạ, Mường Cơi, Mường Lang, Huy Tân có các cơ sở sản xuất tinh bột sắn, dong giềng đang có tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, làm ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh.

Để đẩy mạnh phối hợp, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định về sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên giao Phòng Tài chính và Kế hoạch khẩn trương rà soát, kiểm tra, yêu cầu các hộ đăng ký kinh doanh sản xuất tinh bột sắn, dong giềng trên địa bàn báo cáo tình hình kinh doanh và xử lý thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định với hộ có vi phạm. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện qua Phòng TN&MT tổng hợp trước ngày 31/12/2019.

Xem xét, tham mưu với UBND huyện phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cho Phòng TN&MT huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường; công tác thanh, kiểm tra, lấy mẫu phân tích chất lượng chất thải, xử lý vi phạm về môi trường.

Cơ sở sản xuất tinh bột sắn, dong giềng tại xã Tường Thượng, huyện Phù Yên

Giao Phòng TN&MT huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của nhân dân với các cơ sở sản xuất tinh bột sắn, dong giềng trên địa bàn. Báo cáo UBND huyện trước ngày 31/12/2019.

Chủ động liên hệ với Sở TN&MT, Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh để phối hợp kiểm tra, lấy mẫu phân tích chất lượng môi trường của các cơ sở sản xuất tinh bột sắn, dong giềng để làm căn cứ tham mưu xử lý theo quy định.

Giao Công an huyện phối hợp chặt chẽ với Phòng TN&MT, UBND các xã kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Đẩy mạnh theo dõi, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, giám sát các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản; áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi cố tình vi phạm; thu thập thông tin, tổ chức điều tra khởi tố nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm môi trường.

Đề nghị Điện lực Phù Yên khảo sát, xem xét lại việc ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán điện với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tinh bột sắn, dong giềng trên địa bàn, để ngừng cung cấp điện nếu không đủ điều kiện theo quy định.

Giao UBND các xã, thị trấn kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tổ chức công khai thông tin về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với cộng đồng dân cư. Nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện theo quy định.

Được biết, năm 2018, trên địa bàn huyện Phù Yên có 17 cơ sở sản xuất tinh bột sắn, dong giềng. Trước khi vào niên vụ sản xuất 2019, Phòng TN&MT đã phối hợp với Công an huyện và UBND các xã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường trước khi vào mùa vụ sản xuất (khoảng từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau).

Đến thời điểm hiện tại, còn 5 cơ sở trên địa bàn 5 xã (Huy Tân, Huy Thượng, Tân Lang, Mường Lang, Tường Thượng) đang hoạt động và đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất theo quy định.

Thừa Thiên Huế: Tăng cường giải pháp chống hạn hán

Trong năm 2019, tại Thừa Thiên Huế đã xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài dẫn đến cháy rừng, cây trồng thiếu nước, hồ đập khô hạn trên diện rộng. Điều này khiến sản xuất nông nghiệp của người dân gặp vô vàn khó khăn. Cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế đang tìm phương án giải quyết tình trạng trên cho thời gian tới.

Nguy cơ hạn hán, thiếu nước trong năm 2020

Điều mà PV dễ dàng nhận thấy trong suốt một năm qua tại Huế là tình cảnh nắng nóng kéo dài, “hiếm” mưa khiến cuộc sống người dân khốn khổ. Thống kê cho thấy năm 2019, lượng mưa trên toàn địa bàn Thừa Thiên Huế thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, nắng nóng kèo dài liên tục trong nhiều tháng với nền nhiệt 47, 48 độ C có khi hơn 50 độ C đã khiến khoảng 1.600 ha lúa vụ Hè Thu bị khô hạn, hơn 2.100ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, hơn 3.000 ha cây trồng khác thiếu nước tưới. Hàng chục vụ cháy lớn nhỏ cũng đã xảy ra và các hồ đập rơi vào cảnh khô hạn khốc liệt chưa từng có, mang tính “lịch sử” tại địa phương này.

Qua tìm hiểu, hiện nay mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt khoảng 60 - 100% dung tích thiết kế, riêng hồ Phú Bài 2 đạt 30,5% dung tích thiết kế. Các hồ thủy điện cũng đạt mức thấp, hồ Tả Trạch 75,3%; Hương Điền 53,7%; Bình Điền đạt 20,5% dung tích. Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng thủy văn, các chuyên gia cho rằng khả năng trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cuối vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020 và vụ Hè Thu năm 2020.

Sở NN&PTNT thông tin, vụ Đông Xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào gieo cấy 28.667 ha lúa và 3.591 ha rau các loại. Trong đó, dự kiến sẽ có 2.192 ha bị thiếu nước, chuyển đổi 491 ha. Ngoài ra, diện tích hoa màu, sắn khả năng bị hạn tập trung ở các vùng lạc tại xã Phong Sơn, Phong Xuân (huyện Phong Điền); phường Hương Văn, Hương Vân, Hương Xuân, Hương Chữ (thị xã Hương Trà). Diện tích lúa Hè Thu năm 2020 dự kiến sẽ có khoảng 3.000 ha không chủ động được nguồn nước ở vùng cát ven biển, vùng gò đồi, vùng núi Nam Đông, A Lưới và các vùng cuối kênh...

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho hay, để chủ động trong việc chống hạn, huyện đã chỉ đạo các địa phương, xã tổ chức rà soát lại hệ thống kênh mương; khắc phục các điểm hư hại trên hệ thống tưới tiêu, tránh thất thoát nước ở đầu nguồn, thiếu nước ở vùng hạ du. Đồng thời chỉ đạo phòng Nông nghiệp phối hợp với các xã thực hiện chuyển đổi cây trồng chống hạn tốt để sản xuất, tránh thiệt hại cho nông dân.

Theo UBND huyện Quảng Điền, dự báo trong thời gian tới, huyện có 100ha bị hạn và phải chuyển đổi, trong đó dự kiến 60 ha chuyển sang trồng sen; 25 ha trồng khoan lan tím, cây nén... Huyện đã tiến hành nạo vét các hồ chứa, tuyến sông, hói nội đồng, lòng hồ, vớt bèo khơi thông dòng chảy để đảm bảo nguồn nước cho vụ Đông Xuân.

Hòa Bình: Công ty TNHH Hồng Cơ cần chấm dứt việc xả thải ra suối Dụ

Thời gian gần đây, người dân xóm Dụ Phượng (xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) liên tục phản ánh về việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồng Cơ do ông Trần Văn Hạnh làm Giám đốc xả trộm nước thải ra suối Dụ.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồng Cơ được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến nông sản Hoàng Loan thuộc Khu công nghiệp Mông Hóa (Kỳ Sơn) cho thuê lại với ngành nghề sản xuất giấy đế và chế biến một số đồ dùng bằng gỗ.

Theo người dân xóm Dụ Phượng, việc xả trộm nước thải ra dòng suối Dụ dẫn đến việc cá, cua và các loài sinh sống ở suối Dụ bị chết hết; làm ảnh hưởng tới nguồn nước tưới rau và hoa màu của bà con. Ngoài ra, dòng suối Dụ chảy ra sông Đà sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cung cấp cho phía hạ lưu.

Anh Nguyễn Minh Phúc, công nhân Công ty cơ khí Tuệ Đông cho biết: Tôi thường xuyên chứng kiến việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồng Cơ xả thải ra suối Dụ, bọt nước trắng xóa như xà phòng chảy dài dọc suối, gây ô nhiễm trực tiếp nguồn nước và có mùi khó chịu gây buồn nôn.

Tiếp nhận phản ánh của người dân, ngày 29/12, Công an huyện Kỳ Sơn đã cử cán bộ phối hợp cùng cán bộ phụ trách môi trường xã Mông Hóa đến kiểm tra và lập biên bản hành vi xả trộm nước thải ra suối Dụ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồng Cơ.

Tại thời điểm kiểm tra, các công nhân Công ty đang vận hành máy tại xưởng; lượng nước thải lớn sát chân tường của xưởng gần kề với suối có màu vàng, sủi bọt trắng. Đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồng Cơ dừng ngay việc sản xuất và xả thải ra suối làm ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước tưới tiêu của bà con xung quanh; đồng thời cam kết không tái phạm, nếu còn tái phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo ông Đinh Văn Long, Trưởng xóm Dụ Phượng, người dân đã nhiều lần kiến nghị về việc xả trộm nước thải của Công ty lên cấp có thẩm quyền. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm việc xả thải ra suối Dụ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồng Cơ.

Theo biên bản của Đoàn kiểm tra môi trường, ngày 31/12/2019 tới, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồng Cơ phải có mặt tại Ủy ban nhân dân xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn để giải trình và khắc phục triệt để việc xả thải môi trường hiện nay.

Châu chấu tàn phá nông nghiệp Tây Bắc Ấn Độ

Những đàn châu chấu ban đầu bay về phía Pakistan nhưng do thay đổi hướng gió và độ ẩm, nên chúng đã tấn công bang Gujarat.

Các chuyên gia côn trùng học cho biết đây là nạn châu chấu nghiêm trọng nhất xảy ra ở Gujarat kể từ năm 1994.

Theo nhà chức trách địa phương, đàn châu chấu với số lượng rất lớn đã hoành hành ở 6 huyện của bang Gujarat. Chỉ tính riêng ở một huyện, diện tích đất nông nghiệp bị tàn phá là hơn 5.000ha.

Tính đến nay, mới chỉ có gần 25% số châu chấu bị diệt bằng thuốc trừ sâu và sẽ phải mất nhiều ngày nữa để có thể loại trừ hoàn toàn.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ