Thứ bảy, 30/03/2024 10:26 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/4/2020

MTĐT -  Thứ hai, 27/04/2020 06:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/4/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/4/2020.

Ấn Độ chuẩn bị cho cuộc chiến với cơn bão châu chấu từ Sừng châu Phi

Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành, năng lực ứng phó với thảm họa thiên nhiên của Ấn Độ sẽ một lần nữa sẽ bị thử thách trong mùa Hè này khi một cơn bão châu chấu khổng lồ từ vùng Sừng châu Phi được dự báo sẽ ập vào các nông trại ở khu vực Nam Á trong thời gian tới.

Các nguồn tin chính quyền nói với tờ The Hindu rằng, New Delhi đang chuẩn bị cho một cuộc chiến “2 mặt trận” - cuộc chiến chống dịch COVID-19, và một mặt trận khác là đảm bảo an ninh lương thực trước nguy cơ châu chấu tấn công các nông trại.

Một nguồn tin nêu rõ: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Bắt đầu từ vùng Sừng châu Phi và được nhập vào đàn châu chấu sa mạc trên đường di chuyển, bão châu chấu có thể quét qua một hành lang trên đất liền xuyên suốt Yemen, Bahrain, Kuwait, Qatar, Iran, Arab Saudi, Pakistan và Ấn Độ, ảnh hưởng đến các nông trại ở Punjab, Haryana và vùng đồng bằng Ấn Hằng. Nhưng một cơ bão châu chấu khác đi qua Ấn Độ Dương có thể tấn công trực tiếp các nông trại ở bán đảo Ấn Độ, rồi tiến đến Bangladesh. Kết hợp lại, những cuộc tấn công này có thể gây ra một vấn nạn an ninh lương thực nghiêm trọng.”

Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), sức tàn phá của một đàn châu chấu điển hình, từ chưa đầy 1 km vuông đến vài trăm km vuông, là vô cùng lớn. Một bầy châu chấu rộng 1 km vuông, gồm khoảng 40 triệu con, trong 1 ngày có thể tàn phá lượng lương thực đủ để cung cấp cho 35.000 người - với giả thiết là mỗi người tiêu thụ 2,3 kg lương thực/ngày.

Mưa lớn, hơn 16.000ha lúa ở Thừa Thiên Huế bị ngập, ngã đổ

Mưa lớn kéo dài từ chiều 24/4 đến 26/4, khiến hơn 16.000ha lúa Đông Xuân vào kỳ thu hoạch tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị gãy đổ và ngập trong nước.

Địa phương bị thiệt hại nặng nhất là huyện Phong Điền với 7.000 ha; thị xã Hương Thủy 2.600 ha; huyện Quảng Điền 3.000 ha, huyện Phú Vang 3.000 ha…

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên Huế, vụ Đông Xuân 2019- 2020, toàn tỉnh mới thu hoạch khoảng 5.000 ha/28.600 ha. Trong khi tại đợt mưa trước đó (từ ngày 12 và 13/4), các địa phương kể trên cũng đã có hơn 14.000ha lúa bị ảnh hưởng và hư hại.

Tính hai đợt mưa lớn vừa qua, năng suất lúa tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã giảm 15% trên tổng diện tích gieo cấy. Để chủ động chống úng cho lúa, các địa phương phối hợp với Công ty Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế bơm tiêu nước ngập ở các vùng thấp trũng.

Nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL kêu gọi xã hội hóa nước sạch

Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch để chung tay mang nước sạch về cho người dân.

Xác định việc cấp nước sinh hoạt là ưu tiên hàng đầu, suốt nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang luôn đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực cấp nước. Nhiều doanh nghiệp đã cùng bắt tay thực hiện, đảm bảo việc cấp nước sạch cho người dân.

Nhiều địa phương xác định việc cấp nước cho người dân trong mùa hạn mặn không thể chỉ trông chờ vào nguồn nước miễn phí nên đã kêu gọi xã hội hóa, đa dạng hóa việc cấp nước để giảm giá thành, nâng cao chất lượng nước, đảm bảo sự cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu của người dân.

Thực tế cho thấy, nhờ vào sự quyết liệt trong chỉ đạo, linh hoạt trong điều hành, cùng với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, gánh nặng ngân sách đã được giảm bớt, người dân có cơ hội tiếp cận nguồn nước sạch với chi phí thấp. Mùa khô hạn năm nay, bà con nhiều vùng ĐBSCL lại phấn khởi hơn, vì nước sạch được về nhà.

Gia Lai tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông vừa ký công văn số 823/UBND-CNXD về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn.

Theo đó, thời gian qua, do nhu cầu thị trường và phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi của tỉnh Gia Lai nói chung và chăn nuôi heo nói riêng đang có xu hướng phát triển mạnh. Qua công tác kiểm tra, theo dõi thì thấy, phần lớn các cơ sở chăn nuôi trước khi đi vào hoạt động đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận theo quy định; quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

Tuy nhiên, một số cơ sở chăn nuôi đi vào hoạt động khi chưa được kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường theo quy định, trong quá trình hoạt động không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận; còn tồn tại cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư mà không có biện pháp bảo vệ môi trường... gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện cần tăng cường phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền.

Các cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; yêu cầu chủ dự án lựa chọn công nghệ xử lý chất thải phù hợp, đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt, xác nhận thuộc thẩm quyền; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Diễn đàn công nhân lao động vì môi trường 2023
Sự kiện nhằm tăng cường vai trò của các tổ chức công đoàn, người lao động trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tin mới