Thứ sáu, 29/03/2024 16:57 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/2/2020

MTĐT -  Thứ năm, 27/02/2020 09:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/2/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/2/2020.

Tạo khung pháp lý cho dự án trên mặt các mỏ khoáng sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt” làm cơ sở Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện chưa có quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội mà ở dưới có dự trữ khoáng sản, chưa quy định thời gian dự trữ khoáng sản để phù hợp phát triển dự án trên mặt. Do đó, cần thiết phải xây dựng nghị định làm cơ sở đề triển khai các dự án trên mặt.

Nhật Bản tài trợ 49 triệu yên xử lý môi trường đảo Cát Bà

JICA tài trợ không hoàn lại 49 triệu yên Nhật cho Hải Phòng để thực hiện dự án hợp tác và hỗ trợ áp dụng mô hình hồ Biwa để tăng cường quản lý vùng biển quần đảo Cát Bà và vùng xung quanh.

Dự án được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ủy thác cho tỉnh Shiga tài trợ thông qua Công ty Kanso thực hiện.

Theo đó, dự án được thực hiện trong 2 năm (2/2020 – 2/2022) tại vùng biển thuộc quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng). Tổng giá trị của dự án là 50,47 triệu yên Nhật. Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại là 49 triệu yên, còn lại 314 là vốn đối ứng từ ngân sách sự nghiệp môi trường của TP Hải Phòng.

Các hạng mục chính của dự án là xây dựng các cơ chế liên quan đến xử lý nước thải trên đảo Cát Bà, vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải, quan trắc chất lượng môi trường nước ven bờ đúng cách,…

Với tên gọi "đảo ngọc" nhưng Cát Bà giờ đây là những dãy bè nuôi cá lồng san sát nhau, những phên giậu “cắm nát” mặt biển, với mùi cá tanh nồng, những túi nilon, vỏ trai nhựa và xác cá chết nổi trôi trên mặt biển. Nước biển đã mất đi sự xanh trong vốn có mà thay vào đó bằng màu lờ lờ lẫn rác cùng chất thải thừa (chủ yếu từ cá tạp, thức ăn vụn) từ các bè nuôi thải ra. Mức độ ô nhiễm môi trường biển tại khu vực nuôi cá lồng bè trên vịnh biển Cát Bà đã thật sự trở thành vấn đề bức xúc, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì môi trường của khu vực nuôi nói riêng và vùng biển Cát Bà nói chung sẽ bị phá vỡ.

Theo thống kê hiện Cát Bà có 441 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 9.507 ô nuôi thủy hải sản, trong đó có 1.598 ô nhà ở, khoảng 16.000 quả phao xốp, hơn 100 tàu du lịch và hơn 1.000 dân đang sinh sống. Nước thải, chất thải sinh hoạt của hơn 1.000 dân sinh sống tại các nhà bè được xả trực tiếp ra vịnh không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào. Được biết, năm 2020 Hải Phòng có dự kiến sẽ di dời 289 cơ sở nuôi thủy sản ra khỏi vịnh để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Cháy lớn ở Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Đồng Xoài

Đến 19h tối 26/2, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước vẫn đang khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ hỏa hoạn xảy ra tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đồng Xoài, thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Công nghệ môi trường tỉnh Bình Phước.

Vụ cháy xảy ra vào khoảng 16h30 chiều 26/2. Một số công nhân đang làm việc tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đồng Xoài bất ngờ phát hiện lửa bùng phát từ bãi tập kết rác thải sinh hoạt trong khuôn viên nhà máy. Công nhân và bảo vệ nhà máy cố gắng dập lửa nhưng bất thành.

Nhận được tin báo, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Bình Phước điều động 5 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Sau hơn 1 giờ, vụ cháy được dập tắt, các lực lượng vẫn tiếp tục phun nước để tránh ngọn lửa bùng phát trở lại. Hỏa hoạn đã thiêu rụi hàng chục tấn rác thải sinh hoạt đang tập kết bên trong nhà máy. Khói từ bãi rác thải bị cháy bốc lên ngùn ngụt kèm theo mùi hôi khó chịu làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân sống xung quanh.

Hiệu quả chống hạn mặn từ đệm sinh thái rừng ngập mặn

Nhiều năm về trước, rừng ngập mặn tỉnh Ninh Thuận có diện tích lên đến hàng trăm ha, riêng Đầm Nại có khoảng 300ha. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn giảm nhanh sau đó khi số lượng người dân phá rừng khai thác mặt nước làm đìa tôm ngày càng tăng. Môi trường nước bị ô nhiễm, nhiều vùng đất ven biển bị nhiễm mặn, gây nên hiện tượng sa mạc hóa.

Đến năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Trung ương và nguồn vốn ODA, tỉnh Ninh Thuận đã thành công trong việc khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn với 2 loại cây đặc trưng là cây đước và cây mắm trắng. Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 50ha rừng ngập mặn được phục hồi, đem lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương.

Thực tế trong quá trình khôi phục rừng ngập mặn, nhiều khó khăn đã phát sinh, đó là gió biển và độ mặn tại các vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận quá cao, khiến cây không lớn được. Ở nhiều vùng biển, nền đất cát nhiều, chất dinh dưỡng ít nên cây khó phát triển, hoặc ở bên dưới vùng biển gần bờ còn tồn lớp san hô chết, rễ khó bám được sâu. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, vùng đệm sinh thái - rừng ngập mặn - đã hình thành trong sự vui mừng của người dân địa phương.

Trong nhiều năm qua, các cấp, ngành chức năng đã quyết tâm hồi sinh rừng ngập mặn. Công việc trồng mới và bảo vệ những mảng rừng còn sót lại chẳng khác gì một cuộc chiến gian nan. Những cây đước, cây đần hay cây mắm trắng được hồi sinh không chỉ làm nơi trú ngụ lý tưởng cho các loài vật nuôi thủy sản mà còn bảo vệ được vùng sản xuất bên trong. Màu xanh của nhiều loại cây trồng đã dần thay thế màu đen nâu của cát, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương.

Theo các nhà khoa học, rừng ngập mặn có giá trị to lớn về nhiều mặt trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu, giúp giảm thiểu tới 50% năng lượng tác động của sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng cao, góp phần quan trọng bảo vệ dân cư cũng như hạ tầng cơ sở ven biển. Tuy nhiên, tác dụng của rừng ngập mặn không chỉ dừng lại ở đó. Thực tế cho thấy, rừng ngập mặn đã bảo vệ các khu vực ven biển vững chắc hơn bất cứ công trình bê tông nào trước sức tàn phá của nước mặn và sóng biển. Và việc bảo vệ và duy trì diện tích rừng ngập mặn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của cộng đồng dân cư bên cạnh sự quản lý của chính quyền địa phương.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.