Thứ sáu, 29/03/2024 19:39 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/3/2020

MTĐT -  Thứ tư, 25/03/2020 06:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/3/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/3/2020.

Nguy cơ sạt lở tuyến đê bao ngoài Vườn quốc gia U Minh Thượng

Hiện nay, tuyến đê bao ngoài Vườn quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang với chiều dài khoảng 60 km trước nguy cơ sạt lở rất cao do ảnh hưởng của mùa khô hạn kéo dài. Tuyến đê bao này còn là tuyến đường giao thông bộ trọng yếu của vùng sản xuất U Minh Thượng phục vụ đời sống dân sinh trong khu vực.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, do mực nước dưới kênh vùng U Minh Thượng đang ở mức thấp, còn khoảng 1,3 - 1,5 m; trong khi đó, nhu cầu bơm tưới cho hoa màu, cây ăn trái và những sinh hoạt khác của người dân rất nhiều, cộng với lượng nước bốc hơi lớn, không có nguồn bổ sung nên thời gian tới mực nước tiếp tục xuống nhanh, kênh mương cạn kiệt đe dọa gây sạt lở cho tuyến đê bao ngoài Vườn quốc gia U Minh Thượng.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết: “Mùa khô 2015 - 2016, toàn tuyến đê bao ngoài Vườn quốc gia U Minh Thượng đã có 13 điểm sạt lở với tổng chiều dài 417 m, gây thiệt hại tài sản của nhân dân, ảnh hưởng kinh tế - xã hội địa phương và phải đầu tư kinh phí khá lớn để sửa chữa, khắc phục tuyến đường cho nhân dân đi lại an toàn”.

Lãnh đạo huyện U Minh Thượng cho biết, huyện đã chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với các xã có tuyến đường đi qua theo dõi chặt chẽ tình hình, quản lý, kiểm soát hệ thống cống, đập giữ nước hạn chế rò rỉ; đồng thời, khuyến cáo nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý trong sản xuất; thường xuyên theo dõi tình hình sụt giảm mực nước dưới kênh mương trong vùng, phát hiện và xử lý kịp thời tình huống sạt lở đê bao có thể xảy ra để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất, cơ sở hạ tầng, tài sản và nhất là tính mạng nhân dân

Trước mắt, huyện chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát toàn tuyến đê bao, phát hiện và cắm biển cảnh báo những điểm trước nguy cơ sạt lở cao, có phương án di dời hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Hậu Giang nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp cực kỳ nguy hiểm

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tiếp tục có nắng nóng, độ ẩm bình quân trên nền rừng xuống thấp ở mức dưới 15% nên nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao.

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, độ ẩm trong các khu rừng xuống thấp làm tăng nguy cơ cháy rừng, tỉnh Hậu Giang vừa nâng mức cảnh báo cháy rừng từ cấp IV (cấp nguy hiểm) lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) từ ngày 23/3/2020.

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương có rừng, các đơn vị chủ rừng phải thường xuyên vận hành các phương tiện, dụng cụ, bố trí máy chữa cháy ở các khu vực trọng điểm; điều động lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ luôn trong tư thế sẵn sàng, đảm bảo chữa cháy kịp thời khi xảy ra sự cố.

Cùng với đó, các địa phương tổ chức huấn luyện, thực tập chữa cháy rừng tại đơn vị; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong sinh hoạt, vệ sinh đồng ruộng; xử lý nghiêm các trường hợp ra vào rừng trái phép.

Ban Chỉ đạo tỉnh giao Văn phòng Ban Chỉ đạo-Chi cục Kiểm lâm tiếp tục theo dõi, kiểm tra ứng trực cháy rừng của các đơn vị chủ rừng, tổng hợp báo cáo, đề xuất nếu có vấn đề phát sinh theo quy định.

Các địa phương có rừng và các đơn vị chủ rừng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tuần tra, bảo vệ rừng, nghiêm túc tổ chức ứng trực cháy rừng đảm bảo 24/24 giờ, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ lễ.

Nhật Bản phát triển nhựa phân hủy sinh học với ưu thế vượt trội

Theo New Atlas, các nhà khoa học Nhật Bản từ Đại học Osaka đã phát triển thành công loại nhựa phân hủy sinh học được làm từ thực vật với ưu thế vượt trội.

Hiện nay, trên thế giới có một số loại nhựa phân hủy sinh học vô hại trong môi trường đại dương, nhưng chúng có 3 nhược điểm chính: chúng có chất lượng kém hơn nhựa thông thường, có giá cao hơn gấp đôi và chỉ có thể được sản xuất với số lượng tương đối nhỏ.

Ngoài ra, các chuyên gia của Greenpeace lưu ý rằng các polymer có khả năng phân hủy sinh học tiếp tục gây hại cho thiên nhiên và sẽ không cứu hành tinh khỏi ô nhiễm nhựa, còn túi chế từ ngô lại không bị phân hủy trong bãi rác.

Nhóm khoa học ở Osaka do phó giáo sư Taka-Aki Asoh và giáo sư Hiroshi Uyama hướng dẫn, đã phát triển một loại nhựa trong suốt thay thế bao gồm chủ yếu là sợi nano cellulose và tinh bột, cả 2 thành phần này đều thu được từ thực vật. Nhờ một quy trình sản xuất độc quyền, sản phẩm hoàn chỉnh được tuyên bố là có khả năng chống nước tuyệt vời và độ bền cao, đồng thời có khả năng phân hủy sinh học khi bị trôi nổi trong nước biển theo thời gian. Ngoài ra, dầu không được sử dụng trong sản xuất loại nhựa này, có nghĩa là khí nhà kính không được thải ra.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới