Thứ bảy, 20/04/2024 20:30 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/6/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 21/06/2020 06:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/6/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/6/2020.

Hơn 58.000ha lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại do hạn mặn

Ngày 20/6, tại TP Tân An, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị tổng kết phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 ở vùng ĐBSCL, bàn giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững… 

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, xâm nhập mặn đến sớm gây ảnh hưởng cho sản xuất và dân sinh ngay từ tháng 12-2019, ranh mặn 4g/lít xâm nhập 57km theo sông Hàm Luông, sâu hơn trung bình nhiều năm (TBNN) tới 24km. Tháng 1-2020, xâm nhập mặn tiếp tục tăng lấn vào các vùng cửa sông Cửu Long từ 45- 66km, sâu hơn mùa khô năm 2016 từ 6-17km. Vào tháng 2-2020, ranh mặn 4g/lít lấn sâu vào sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tới 110km. Tháng 5-2020, phạm vi mặn tiếp tục dao động ở mức cao với ranh mặn 4g/lít sâu khoảng 130km trên sông Vàm Cỏ Tây và sang tháng 6 thì mặn trên các cửa sông mới giảm nhanh.

Bộ NN-PTNT cho rằng, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 có 1 số đặc điểm khác quy luật nhiều năm như: xuất hiện sớm hơn so TBNN gần 3 tháng, sớm hơn so mùa khô năm 2015-2016 gần 1 tháng; thời gian xâm nhập mặn kéo dài hơn 2-2,5 lần so với mùa khô 2015-2016; độ mặn ở vùng các cửa sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh, cao suốt từ tháng 2 đến tháng 5, hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều thấp, khác với đặc điểm thông thường là tăng theo kỳ triều cường, giảm theo kỳ triều thấp.

Nguyên nhân khiến xâm nhập mặn tăng cao là do nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công bị thiếu hụt. Mùa khô năm 2019-2020, nguồn nước về ĐBSCL thấp hơn nhiều so với những năm gần đây, từ đó gây ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh trong vùng. Phạm vi ảnh hưởng với ranh 4g/lít là 1,68 triệu ha cao hơn 50.376ha so với năm 2016.

Trước tình hình hạn mặn phức tạp, Bộ NN-PTNT phối hợp chặt với các bộ ngành liên quan và các tỉnh ĐBSCL chủ động nhiều giải pháp ứng phó; đồng thời triển khai thực hiện nhanh các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống hạn mặn, thiếu nước ngọt vùng ĐBSCL. Ngoài ra, thi công nhanh các công trình thủy lợi để đưa vào vận hành như Cống Âu Ninh Quới (thuộc Quản lộ Phụng Hiệp); trạm bơm Xuân Hòa (Tiền Giang); các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (thuộc dự án Nam Măng Thít); 18 cống kiểm soát mặn thuộc dự án Bắc Bến Tre...

Các công trình này đã chủ động kiểm soát mặn khoảng 83.000ha và hỗ trợ kiểm soát mặn hơn 300.000ha. Song song đó, các địa phương đã đắp nhiều đập ngăn mặn, nạo vét kênh mương dẫn nước, tổ chức bơm chuyền cho các vùng sản xuất lúa, kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt... Vận chuyển nước ngọt cấp miễn phí cho khoảng 20.600 hộ, hỗ trợ người dân lắp đặt bồn trữ nước cho 37.300 hộ, hỗ trợ bình nước uống các loại 11.800 hộ, lắp đặt thiết bị lọc nước cấp nước khoảng 4.000 hộ...

Xuất hiện vi nhựa rơi xuống mặt đất từ các cơn mưa

Theo nghiên cứu của Đại học Utah (Mỹ), trung bình mỗi năm, lượng vi nhựa rơi xuống mặt đất từ các cơn mưa vượt quá 1.000 tấn, tương đương 120 - 300 triệu chai nước nhựa.

Theo các nhà nghiên cứu, các sản phẩm nhựa thông thường sau khi thải ra không phân hủy hoàn toàn mà sẽ vỡ thành những hạt nhựa nhỏ và vi nhựa. Gió thổi những hạt nhựa này lan khắp nơi và khi chúng gặp mưa lại được đưa trở về mặt đất.

Tại Mỹ, vi nhựa có mặt trong 98% số mẫu kiểm tra từ các khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó phần lớn là loại vi nhựa có nguồn gốc từ quần áo, chai nhựa, đồ gia dụng.

Trước đó vào năm 2019, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) trong quá trình phân tích các mẫu nước mưa đánh giá ô nhiễm nitơ cũng phát hiện hơn 90% mẫu nước này nhiễm nhựa. Hạt vi nhựa thậm chí xuất hiện ở những vùng nông thôn hẻo lánh đến cả những khu núi cao đến 3.000m.

Theo giáo sư Gregory Weatherbee - từ USGS, Trưởng nhóm nghiên cứu - quan trọng nhất là cần cho mọi người thật sự cảm nhận được số lượng vi nhựa khổng lồ ngoài tự nhiên có cả trong mưa, tuyết...

Đà Nẵng định hướng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa

Theo thống kê của Sở TN-MT TP Đà Nẵng, năm 2019, tỷ lệ rác nhựa thất thoát ra môi trường trên địa bàn là 8,3% (khoảng 15,66 tấn/ngày, tương đương 5.715 tấn/năm). Tỷ lệ rác nhựa quay trở lại thị trường là 24,9% (tương đương 50 tấn/ngày) theo con đường phi chính thức. Lượng rác nhựa thất thoát/người/năm là 5kg/người/năm.

Đà Nẵng là một trong các đô thị đầu tiên được xác định ưu tiên thực hiện khảo sát đánh giá trong nhóm đô thị đợt 1 và tiềm năng để tham gia chương trình Đô Thị Giảm Nhựa, cùng với Rạch Giá và Phú Yên.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng nhìn nhận, dự án cần xác định rõ mục tiêu là giảm 30% ô nhiễm rác thải nhựa kèm theo giảm thói quen sử dụng nhựa. Trong quá trình thực hiện, các chuyên gia nên kết hợp với một số hoạt động mà đơn vị trên địa bàn đang tiển khai để cùng tác động kế hoạch chung, đạt mục tiêu sớm hơn năm 2030.

Quận Thanh Khê được chọn là khu vực triển khai đồng bộ các giải pháp để hướng đến các mục tiêu, thông qua việc làm, đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, không chỉ tác động chỉ riêng quận này. Bên cạnh đó, dự án sẽ chọn ra một chợ để giải quyết triệt để bài toán thu gom trong chợ đồng thời tuyên truyền để người dân sinh sống trên địa bàn không sử dụng túi ni lông, hay rác thải nhựa.

“Đơn vị sẽ phối hợp các bên liên quan tham quan, kêu gọi đầu tư một nhà máy, nâng cao công nghệ để giải quyết bài toán túi ni lông thân thiện môi trường, thậm chí có thể phối hợp với huyện Hòa Vang trồng lá chuối để cung cấp cho chợ thực hiện dự án thay vì sử dụng túi nhựa, túi ni lông”, ông Tô Văn Hùng cho hay.

Ngoài ra, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân sinh sống trên địa bàn rất quan trọng. Ông Đinh Quang Cường, Phó Giám đốc Sở TN-MT cũng đề xuất tổ chức các cuộc thi giữa các trường học hoặc giữa các chợ với nhau về thực hiện mô hình giảm rác thải nhựa. Từ đó, có thể nhân rộng thông điệp của dự án giảm thiểu rác thải nhựa đến với nhiều đối tượng hơn.

TP.HCM: Không để phát sinh điểm lấn chiếm kênh, rạch mới

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho biết: Theo thống kê, TP.HCM 67 vị trí lấn chiếm sông, kênh rạch; vừa qua đã xử lý 34 vị trí, còn lại 33 vị trí. Tình trạng lấn chiếm kênh rạch là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố trong những năm vừa qua.

Điển hình tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, có hai hướng thoát nước chính là kênh A41và kênh Hy Vọng. Tuy nhiên, nhiều năm nay toàn tuyến kênh A41 và một phần kênh Hy Vọng bị người dân lấn chiếm nên dẫn đến khả năng thoát nước của kênh này bị giảm rất nhiều. Vì vậy, tình trạng ngập nước khi trời mưa thường xuyên xảy ra tại khu vực bên ngoài và trong khu vực sân đỗ máy bay, ảnh hưởng không nhỏ đến cất và hạ cánh của máy bay. Nếu trả lại nguyên trạng 2 tuyến kênh này như ban đầu, chắc chắn sẽ giải quyết được tình trạng ngập nước tại khu vực sân bay khi có mưa lớn.

Ông Vũ Văn Điệp cũng cho rằng, việc lấn chiếm kênh, rạch tồn tại từ rất lâu và thành phố đang tập trung giải quyết những tồn đọng này. Về trách nhiệm quản lý đất đai, kênh, rạch do địa phương quản lý. Trung tâm đã kiểm tra, thống kê từng vị trí và có văn bản gửi các quận, huyện, phường để địa phương hỗ trợ giải tỏa các vị trí lấn chiếm này. Tuy nhiên, việc xử lý các vị trí này rất khó khăn nên tiến độ giải quyết các điểm lấn, chiếm này rất chậm và gây ảnh hưởng đến hiệu quả thoát nước.

Để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đề nghị các quận, huyện tổ chức cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm trái phép, trả lại hiện trạng ban đầu của kênh rạch. Còn những trường hợp do lịch sử để lại, có những vị trí được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì địa phương phải tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng để khôi phục lại hiện trạng.

Đồng thời, tại các dự án khu dân cư, khu đô thị việc san lấp kênh, rạch có quy định phải thay thế bằng cống hộp có tiết diện bằng hoặc lớn hơn kênh, rạch bị san lấp.

Ông Vũ Văn Điệp cũng cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và khi có hiện tượng lấn chiếm Trung tâm phối hợp với địa phương xử lý kịp thời không để phát sinh các điểm lấn chiếm mới.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất