Thứ bảy, 20/04/2024 06:30 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/6/2019

MTĐT -  Thứ năm, 20/06/2019 09:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/6/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/6/2019.

Nước sông Cầu Đỏ lại nhiễm mặn, ảnh hưởng cấp nước sinh hoạt

Tin tức trên VOV cho biết, theo Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, khoảng 1 tuần nay (từ ngày 10 đến 18/6), độ mặn tại sông Cầu Đỏ có xu hướng tăng dần và luôn duy trì ở ngưỡng 1.000 mg/lít. Độ mặn cao nhất đo được là 3.448 mg/lít, cao hơn ngưỡng cho phép 250 mg/lít.

Trạm bơm An Trạch phải vận hành suốt ngày đêm để lấy nguồn nước thô từ đập dâng An Trạch cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Hiện nay, mực nước ở đập An Trạch cũng giảm dần.

Lo ngại tình trạng thiếu nước sinh hoạt sẽ diễn ra cục bộ tại một số khu vực cuối nguồn, Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng đã thông báo đến người dân sẽ giảm công suất cấp nước, mong muốn khách hàng có biện pháp dự trữ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước.

Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Gám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho biết, đến nay dự án “Nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ” giai đoạn 1 thêm 60.000 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư trên 200 tỉ đồng đã hoàn thành và đủ điều kiện để vận hành kỹ thuật.

Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, đang mùa cao điểm du lịch nên đơn vị chưa thể ngừng cấp nước để đấu nối. Nếu cụm cấp nước này được đấu nối sẽ đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Vẫn chưa có giải pháp triệt để xử lý “rác thải nguy hại” trong nông nghiệp

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, hàng năm, thế giới sử dụng tổng cộng 448 triệu tấn nhựa. Trong khi đó, thời gian sử dụng trung bình trước khi bị thải bỏ của bao bì nhựa là thấp nhất - chỉ 6 tháng, so với 35 năm trong công trình xây dựng, 5 năm với hàng dệt may, hay 3 năm với hàng tiêu dùng. Vì thế, bao bì là nguồn rác thải nhựa lớn nhất và cũng khó thu hồi, xử lý nhất.

Hiện nay ngành nông nghiệp chưa có thống kế hay nghiên cứu nào về rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong sản xuất, ngành nông nghiệp vẫn đang thải ra môi trường một lượng rác thải nhựa đáng kể, có những loại có thể thu gom để tái chế hoặc tái sử dụng như bao bì, chai lọ… nhưng có những loại ni-lông mỏng không thể thu gom và tái chế, tái sử dụng được.

Theo ông Nguyễn Đình Thông, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), trong trồng trọt thì nguồn rác thải nhựa từ ni-lông để quây ruộng lúa để chống chuột, thiên địch; túi ni-lông để bọc quả như trồng ổi, xoài…, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện nay rác thải từ vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom và xử lý triệt để. Loại rác thải này được xếp vào danh sách “rác thải nguy hại” và được thu gom, xử lý theo quy định về rác thải nguy hại của Bộ TN&MT. Hàng năm mỗi tỉnh thải ra khoảng từ 50-100 tấn rác thải này. Trong đó, mỗi ha lúa/vụ, nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1-1,5kg bao bì, chai lọ đựng thuốc; còn trồng hoa màu, cây công nghiệp thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gấp 2-3 lần trồng lúa.

Nước hồ bốc mùi hôi thối khủng khiếp giữa trung tâm Đà Lạt

Tin tức trên báo CAND cho biết, hồ Đội Có, một nhánh hồ lắng của hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chuyển sang màu đen xịt, mặt nước đặc quánh vạng, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến du khách, người dân khi đi ngang qua phải bịt mũi, lắc đầu ngao ngán.

Tình trạng trên đã xảy ra trong nhiều ngày qua nhưng cơ quan chức năng TP Đà Lạt chưa có biện pháp khắc phục. Bên cạnh nguồn nước bị ô nhiễm vì nước thải từ các khu dân cư vẫn bị đổ trực tiếp ra hồ này, vừa qua một hội chợ thương mại tổ chức tại dự án Golf Valley, bên cạnh hồ Đội Có, nhiều chất thải rắn, bao bì, rác rưởi... từ hội chợ bị đẩy thẳng xuống hồ khiến cho nguồn nước càng thêm ô nhiễm nghiêm trọng.

Hồ Đội Có có diện tích khoảng 5.000m2, là một hồ lắng, trước khi đổ nước ra hồ Xuân Hương, nằm trong khuôn viên dự án Golf Valley, đường Bùi Thị Xuân và Đinh Tiên Hoàng, TP Đà Lạt. Đây là khu vực tập trung hàng trăm nhà hàng, khách sạn.

Nước thải sinh hoạt của các khu dân cư trong vùng lâu nay vẫn bị thải trực tiếp ra hồ này bằng các đường dẫn nước nhỏ.

Khách sạn Thái Lan bị phạt vì để bao cao su nổi đầy kênh

Tin tức trên tờ The Nation ngày 19/6 đưa tin bao cao su và các vật dụng vệ sinh được tìm thấy trôi nổi trong một con kênh ở thủ đô. Hình ảnh sau khi đăng tải lên mạng xã hội đã lan truyền nhanh chóng và hứng chịu vô số chỉ trích của cư dân mạng.

Nhà chức trách đã huy động công nhân dọn dẹp đống rác thải nói trên. Con kênh này kết nối với các kênh đào Wat Tha Phra, Wat Tha Mul và Wat Dee Duat.

Quan chức huyện Bangkok Yai, Karuna Thoopthienhom, cũng dẫn nhà chức trách tới kiểm tra khách sạn 130 phòng có liên quan. Tuy nhiên, khi họ đến, chỉ có nhân viên khách sạn ra tiếp mà không thấy quản lý.

Theo lời các nhân viên, khách sạn thỉnh thoảng thuê một công ty đặt trụ sở tại TP Nakhon Pathom thu gom bao cao su và rác thải đã sử dụng từ bể tự hoại. Lần cuối cùng bể được dọn dẹp là vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào mà bao cao su cũng như các vật dụng vệ sinh trôi được ra con kênh.

Khách sạn này sau đó phải chịu khoản tiền phạt 10.000 baht (320 USD) do vi phạm Đạo luật Bảo vệ Sạch sẽ và Trật tự công cộng năm 1992. Công ty xử lý rác thải ở TP Nakhon Pathom vẫn chưa lên tiếng về sự cố.

Băng tan nhanh kỷ lục, 2019 có thể là năm tai họa tại Bắc Cực

2019 có thể là một năm tai họa khác đối với Bắc Cực khi nhiệt độ tại đảo Greenland (Đan Mạch) đã tăng lên mức kỷ lục, đẩy nhanh tốc độ tan băng.

Giới khoa học dự báo khối lượng băng tan năm nay có thể vượt mức kỷ lục ghi nhận năm 2012. Theo Viện Khí tượng Đan Mạch (DMI), Trạm quan sát Summit của Greenland, nằm ở độ cao cách mặt nước biển 3.000m, hôm 30/4 đã ghi nhận nền nhiệt độ ấm nhất trong lịch sử -1,2oC, trong khi đó, ngày 12/6, nhiệt độ đo được tại Qaanaaq, Greenland là 17,3oC - thấp hơn 0,3oC so với nhiệt độ nóng kỷ lục ghi nhận ngày 30/6/2012. Thực trạng này đã khiến các lớp băng tại đây nhanh chóng tan chảy. Chỉ tính riêng 1 ngày 17/6, Greenland đã mất 3,7 tỷ tấn băng đá.

Ngoài ra, DMI cho biết mùa tan băng năm nay diễn ra từ đầu tháng 5, tức sớm hơn 1 tháng so với mọi năm theo những ghi ghép có từ năm 1980. Mùa tan băng sớm vào tháng 5 từng xảy ra vào năm 2016.

Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng băng tan chảy ở Greenland mỗi năm khiến nước biển dâng cao khoảng 0,7mm, song với tốc độ tan chảy như hiện nay, con số này có thể còn tăng. Kể từ năm 1972 đến nay, lượng băng tan chảy của Greenland đã góp phần làm mực nước biển dâng cao tổng cộng 13,7mm.

Theo nhà nghiên cứu khí hậu Xavier Fettweis thuộc Đại học Liege, từ đầu tháng 6 đến nay, 37 tỷ tấn băng ở Greenland tan chảy. Hiện tốc độ băng tan chảy tại Greenland nhanh gấp 6 lần so với những năm 80 của thế kỷ trước. Đây là những thông tin cảnh báo đáng báo động về tình trạng ấm lên của Trái Đất.

Năm 2014, Ủy ban Liên Chính phủ của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) dự báo viễn cảnh tồi tệ nhất vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển sẽ dâng cao hơn 1m so với mực nước biển trong giai đoạn 1986 - 2005.

Do bầu không khí nóng lên, cuộc sống của con người và các sinh vật tại Bắc Cực buộc phải thay đổi để thích nghi. Đối với con người, mùa săn bắt sẽ dần thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh tồn của con người tại đây vốn phụ thuộc chủ yếu từ nguồn thực phẩm săn bắt này.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/6/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...