Thứ năm, 28/03/2024 19:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/3/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 20/03/2020 07:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/3/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/3/2020.

Trồng vừng thay lúa tăng thu nhập trong mùa khô hạn

Nhằm ứng phó với tình hình khô hạn, thiếu nước ngọt trong mùa khô hiện nay, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã khuyến cáo, vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, canh tác, sử dụng các loại cây trồng sử dụng ít nước tưới thay dần cho cây lúa, vừa tiết kiệm được lượng nước sử dụng vừa tăng thu nhập cho bà con.

Đến nay, nông dân tại các quận, huyện của thành phố Cần Thơ đã xuống giống được hơn 2.269 ha vừng vụ Hè Thu 2020, cao hơn so với cùng kỳ năm trước là 1.713 ha; trong đó, chủ yếu là trồng vừng trên nền đất lúa, tập trung tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn, huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh.

Vừng là loại cây trồng có khả năng chịu nắng hạn tốt nên thích hợp sản xuất trong vụ Hè Thu, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tránh nguy cơ bị thiếu nước tưới, nhất là tại những khu vực đất gò cao ở khu vực ven sông Hậu. Những năm qua, nhiều ruộng vừng được sản xuất trên nền đất lúa giúp nông dân thu được mức lãi cao gấp từ 2 - 3 lần so với sản xuất lúa Hè Thu.

Trong vụ Hè thu năm 2019, nhiều nông dân sản xuất vừng có thể đạt lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha nhờ vừng trúng mùa, trúng giá.

Nhiều nông dân cho biết, luân canh vừng trong vụ Hè Thu không chỉ giúp nông dân có điều kiện tăng lợi nhuận ngay trong vụ này mà còn có tác dụng hỗ trợ tốt cho các vụ sản xuất lúa sau. Bởi sau khi trồng vừng, gieo sạ lại lúa, thường được mùa, ít sâu bệnh hơn so với sản xuất liên tục 3 vụ lúa trong năm do đất được cải tạo và các mầm sâu bệnh hại lúa bị tiêu diệt.

Gia Lai: Dân vây nhà máy đường vì không chịu nổi ô nhiễm xả thải

Chiều 19/3, UBND Thị xã An Khê (Gia Lai) cho biết, đang chờ ý kiến xử lý cấp tỉnh liên quan đến vấn nạn ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống trực tiếp 20 hộ dân của thị xã dân do Nhà máy đường An Khê, Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi gây ra. Vụ việc xảy ra lâu nay nhưng chưa giải quyết triệt để. Người dân khiếu kiện kéo dài và mới đây còn vây trụ sở để gây áp lực với doanh nghiệp.

Trước đó, nhà máy đường An Khê gây ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến 20 hộ dân sinh sống liền kề nhà máy tại xã Thành An và lan rộng đến khu vực thuộc thôn 6, xã Thành An, một số khu vực phường An Bình và thị xã An Khê.

Theo UBND Thị xã An Khê, trong quá trình sản xuất kinh doanh, việc xử lý nước thải, khói bụi, mùi hôi thối, tiếng ồn của nhà máy từ khi đi vào hoạt động sản xuất đến nay. Điều này đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân, làm ô nhiễm nguồn nước sông Ba. Trước vấn đề này, nhiều lần UBND Thị xã An Khê đã kiến nghị nhà máy đường xử lý, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện triệt để.

Ngày 20/2, Thị xã An Khê chủ trì, tổ chức làm việc với đại diện Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi, lãnh đạo nhà máy đường để xử lý vấn nạn môi trường. Trong đó, chính quyền thị xã yêu cầu chấm dứt các hoạt động gây ô nhiễm môi trường về xả thải, tiếng ồn, bụi, mùi…

Ngày 16/3, đại điện 20 hộ sinh sống tại khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường nhà máy đường An Khê gây ra đã tập trung tại đây để yêu cầu trả lời về việc thực hiện bồi thường, di dời. Sau khi không nhận được trả lời thỏa đáng từ lãnh đạo nhà máy, người dân kéo ra chặn trước cổng chặn không cho xe chở mía vào nhà máy.

Liên quan đến vụ việc trên, một lãnh đạo chính quyền An Khê cho biết đã gửi văn bản kiến nghị lãnh đạo tỉnh Gia Lai chỉ đạo ngành liên quan làm việc với Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi, Nhà máy đường An Khê để sớm có phương án thỏa thuận di dời; bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm.

Thanh Hóa: Hướng đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND về việc quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Nhằm đảm bảo ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa ra biển từ các nguồn thải trên đất liền và từ các nguồn thải trên biển, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa.

Để nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người. Trách nhiệm của các cấp, ngành; ứng xử và thói quen các tổ chức và cá nhân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt, làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể để hạn chế dần việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Các mục tiêu của UBND tỉnh Thanh Hóa đề ra đến năm 2025: Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển, thu gom 50% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ, 50% các khu, điểm du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. 

Tạo tiền đề hướng tới năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa trên biển; thu gom 75% ngư cụ bị vứt bỏ và 100% các khu du lịch và dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa và túi nilon. Song song, kết hợp tổ chức chiến dịch phát động thu gom làm sạch bãi biển, khu bảo tồn, tối thiểu một năm hai lần. Quan trắc định kỳ 2 năm/lần hiện trạng rác thải nhựa trên biển tại 6 cửa sông gồm: Sông Lạch Bạng, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Sung, Lạch Ghép và Lạch Càn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.