Thứ năm, 18/04/2024 14:46 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/12/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 20/12/2019 13:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/12/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/12/2019.

Nắng nóng kỷ lục 41,9 độ C ở Australia

Cục Khí tượng Australia cho biết nhiệt độ trung bình tại nước này đã đạt mức kỷ lục mới là 41,9 độ C vào ngày 18/12.

Đây là ngày thứ hai liên tiếp nhiệt độ được ghi nhận ở mức cao kỷ lục. Nhiệt độ một ngày trước đó là 40,9 độ C, cao hơn mức nhiệt kỷ lục 40,3 độ C vào tháng 1/2013.

Đợt nóng này khiến nạn chạy rừng tại một vùng rộng lớn của Australia thêm nghiêm trọng. Thống kê cho thấy 6 người đã thiệt mạng, hơn 700 ngôi nhà bị phá hủy và ít nhất 3 triệu hécta rừng đã bị thiêu rụi trong mùa cháy rừng 2019 tại Australia.

Bang New South Wales ghi nhận khoảng 100 đám cháy trong vài tuần qua, song đến nay mới chỉ một nửa số đám cháy đó được kiểm soát do thời tiết khô nóng cùng với gió lớn khiến ngọn lửa lan nhanh bất chấp nỗ lực của lực lượng cứu hỏa. Hiện giới chức Australia đang đặc biệt quan ngại về Sydney - thành phố lớn nhất của nước này đang bị bao vây trong vành đai lửa. Do ảnh hưởng của cháy rừng, khói bụi ô nhiễm bao trùm toàn thành phố này, đe dọa sức khỏe người dân.

10/13 tỉnh vùng ĐBSCL có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt

Trong một thông báo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2019-2020 sẽ gặp nhập mặn sớm. Việc xâm nhập mặn gia tăng sẽ làm hơn 120.000 hộ dân có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt.

Tổng cục Thủy lợi cũng đã tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2019-2020 vào ngày 19/12. Theo nhận định, so với năm 2015-2016, mặn năm 2019-2020 xuất hiện sớm gần 1 tháng, còn so với trung bình nhiều năm thì năm nay sớm hơn 2,5-3,5 tháng.

Từ giữa tháng 12/2019, mặn có khả năng ảnh hưởng đến 40-50km, cao hơn năm 2016 khoảng 3-5km. Tháng 1, tháng 2 và đến giữa tháng 3/2020, ranh mặn 4g/l xâm nhập 55-110km, cao hơn 3-7km so với năm hạn mặn lịch sử.

Xâm nhập mặn sẽ tác động đến 10/13 tỉnh của ĐBSCL. Tổng diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn khoảng hơn 1,8 triệu ha, cao hơn vùng ảnh hưởng của năm xâm nhập mặn lịch sử 2016 gần 50.000 ha. Việc xâm nhập mặn gia tăng cũng làm hơn 120.000 hộ dân có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt.

Trước tình hình trên, dự kiến vào ngày 25/12, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực ĐBSCL mùa khô năm 2019-2020, tại Bến Tre.

Đến tháng 1/2020, dự kiến Chính phủ cũng chủ trì hội nghị về công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL.

Thái Lan: Tình trạng ô nhiễm không khí xuất hiện trở lại tại thủ đô

Nhà chức trách Thái Lan ngày 19/12 đã cảnh báo tình trạng ô nhiễm tại thủ đô Bangkok, khuyến cáo người dân đeo khẩu trang hoặc ở trong nhà nếu không có việc cần thiết phải ra đường.

Cảnh báo trên được Cục Kiểm soát ô nhiễm quốc gia (PCD) đưa ra sau khi tình trạng ô nhiễm không khí xuất hiện trở lại sau vài tháng cải thiện tại khu vực thủ đô.

Theo PCD, cảnh báo trên được ban bố do lượng bụi mịn bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micrometre (PM2.5), trong không khí vượt quá mức an toàn - 50 microgram/m3, tại 3 khu vực xung quanh Bangkok. PM 2,5 là hỗn hợp các giọt chất lỏng và các hạt rắn có thể bao gồm bụi, bồ hóng và khói, một trong những thành phần chính của Chỉ số chất lượng không khí (AQI).

Sáng 19/12, chỉ số AQI ở Bangkok được ghi nhận là 170. Theo trang airvisual.com, công bố các mức đo ô nhiễm không khí của nhiều thành phố trên  thế giới, AQI được coi là "không an toàn đối với sức khỏe" khi vượt quá mức 150, có nghĩa là gia tăng tác động không có lợi và càng làm năng thêm tình trạng của những người mắc các bệnh tim và phổi.

Hiện vẫn chưa có nguyên nhân nào được khẳng định gây ra tình trạng xuống cấp chất lượng không khí ở Bangkok, thường có xu hướng trở nên tồi tệ từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Người dân sống tại thành phố 10 triệu dân này luôn phàn nàn về chất lượng không khí và các vấn đề liên quan đến các bệnh như hen xuyễn hoặc dị ứng.

Ấn Độ dẫn đầu thế giới về số ca tử vong vì ô nhiễm môi trường

Theo nghiên cứu của tổ chức Global Alliance on Health and Pollution (GAHP), Ấn Độ dẫn đầu thế giới về số người chết liên quan đến ô nhiễm môi trường, theo sau là Trung Quốc và Nigeria. Ô nhiễm cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong sớm, chiếm 15% (khoảng 8,3 triệu ca tử vong).

Trong số 10 quốc gia có nhiều ca tử vong vì ô nhiễm môi trường nhất năm 2017, có cả những nước lớn và giàu bậc nhất thế giới, ngoài ra cũng có một số nước nghèo hơn, theo Guardian.

Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đầu về số trường hợp tử vong vì nguyên nhân này, với khoảng 2,3 triệu người chết và 1,8 triệu người chết tương ứng với mỗi nước, sau đó đến Nigeria, Indonesia và Pakistan. Mỹ đứng ở vị trí thứ 7 với khoảng 200.000 trường hợp tử vong.

Nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ tử vong vì ô nhiễm cao nhất tại các quốc gia nghèo nhất, có chất lượng không khí và nước sinh hoạt kém. Cộng hòa Chad, Trung Phi và Triều Tiên là ba quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất trên 100.000 người (lần lượt là 287, 251 và 202).

Trong số các loại ô nhiễm, ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến 40% số ca tử vong liên quan. Số người chết vì ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và Ấn Độ bằng nhau là 1,2 triệu người.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.