Thứ năm, 28/03/2024 21:31 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/5/2020

MTĐT -  Thứ ba, 19/05/2020 06:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/5/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/5/2020.

Mạnh tay xử lý container hàng phế liệu

Mặc dù hơn một năm qua, theo quy định, các cảng biển trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh không tiếp nhận phế liệu nhựa nhập khẩu. Tuy nhiên, các chủ hàng vẫn nhập về cảng Cát Lái bằng cách khai tên hàng khác. Khi bị phát hiện, chủ hàng bỏ cả lô hàng tại cảng, vừa gây tốn diện tích, vừa ô nhiễm môi trường.

Tại cảng Cát Lái, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh hiện có hàng ngàn container vô chủ và trong số này chiếm tới 72% là container phế liệu, đang chờ ý kiến Hội đồng xử lý phế liệu tồn đọng, buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, nhiều container chứa phế thải lẫn nhiều tạp chất, chất độc hại gây ô nhiễm môi trường. Theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tính đến đầu tháng 5-2020, số lượng container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái là 2.029 chiếc.

Trong đó, 363 container được cơ quan chức năng khóa trọng điểm do hàng thuộc các chuyên án; 138 container đã được doanh nghiệp mở tờ khai hải quan, nhưng không đến làm thủ tục nhận hàng, 1.528 con tainer còn lại đã được Chi cục phối hợp với các đơn vị trong Hội đồng xử lý hàng tồn đọng, thực hiện phân loại để xử lý. Đến nay, toàn bộ số container này đã được phân loại xong, với kết quả hơn 70% là phế thải. Đặc biệt, trong số hơn 1.500 container phế liệu được đưa vào phân loại có đến 1.100 container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định hiện hành.

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, số phế liệu này chủ yếu là màng nhựa, bao bì các loại chưa băm cắt, lẫn tạp chất; vỏ xe cũ, rác thải... Theo ông Nguyễn Thanh Long, nếu các container tồn đọng mà đủ điều kiện nhập khẩu thì sẽ xử lý theo quy trình đấu giá. Với lô hàng không đủ điều kiện, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các hãng tàu chịu trách nhiệm tái xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ hàng đã bỏ trốn, không nhận hàng vì hàng không đủ điều kiện nhập khẩu; phí lưu container quá nhiều so với giá trị hàng hóa (chi phí lưu mỗi container khoảng 500.000 đồng/ngày).

Về phía đơn vị dịch vụ, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, các hãng tàu gặp khó khi quy định điều kiện nhập khẩu phế liệu được siết lại. Tuy nhiên, quy định đã có, các hãng tàu phải lường trước rủi ro và thận trọng trong việc chọn đối tác. Thông thường, phải yêu cầu đơn vị thuê vận chuyển cung cấp đầy đủ giấy phép nhập khẩu lô hàng, có đơn vị cam kết nhận hàng, thậm chí phải yêu cầu tạm ứng chi phí thì mới tiến hành vận chuyển chứ không thể chủ quan rồi gây hệ lụy lớn.

Để có hướng giải quyết dứt điểm tình trạng này, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đơn vị đã chủ động phối hợp với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn thống kê, phân loại tìm chủ sở hữu hoặc có liên quan đến các lô hàng phế liệu. Cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp đến chi cục hải quan xác nhận hoặc xác nhận bằng văn bản chính thức việc làm thủ tục nhận hàng và bổ sung thông tin liên quan để được nhập khẩu, hoặc tái xuất.

Hàng nghìn hecta thanh long đang chết dần, chết mòn

Thanh long là nông sản chủ đạo của Bình Thuận, cũng là một mặt hàng xuất khẩu rất được ưa chuộng, song hàng nghìn ha đang chết dần, chết mòn do khô hạn.

Suốt 3 tháng nay, khi hồ Ba Bàu ở xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, cạn trơ đáy, những chiếc xe tải chở nước hoạt động hết công suất. Những hộ gần đường, xe vào được thì còn mua nước để tưới, giữ ẩm cho cây thanh long. Những hộ ở xa và nhất là không còn tiền đành để mặc cho vườn thanh long héo úa, chết dần.

Diện tích trồng thanh long của tỉnh Bình Thuận gần 30.000 ha. Thời tiết, khí hậu bình thường và giá cả ổn định khoảng 12.000 đồng/kg, 1ha thanh long cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm, cao gấp 4 - 6 lần so với trồng lúa. Nhưng ở thời điểm này đã có hơn 15.000 ha thanh long, chủ yếu tập trung ở các huyện: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Hàm Tân bị khô rễ, héo cành và chết.

Mưa đá, giông lốc gây thiệt hại lớn tại hai huyện ở Hà Giang

Rạng sáng 18/5 tại huyện Bắc Quang và Bắc Mê, Hà Giang xảy ra mưa rào kèm gió lốc khiến nhiều nhà cửa, hoa màu và một số công trình hư hỏng.

Tại huyện Bắc Quang, trên địa bàn xã Tân Lập; Tân Quang; Tân Thành gió mạnh gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước và người dân.

Tổng số nhà bị thiệt hại là 90 căn, diện tích cây trồng các loại bị thiệt hại là 50 ha, thiệt hại trên 14 ha ngô, 15 ha cây keo lâm nghiệp ở xã Tân Lập. Ước tổng thiệt hại trên 2,4 tỷ đồng.

Tại huyện Bắc Mê, mưa to gió lốc làm cho gần 30 hộ bị ảnh hưởng tại các xã Minh Sơn, Giáp Trung, Yên Cường, Lạc Nông và thị trấn Yên Phú.

Nhiều cây to bị gió lốc làm đổ gãy, hàng chục ha diện tích ngô bị thiệt hại, đổ gãy, ước tổng thiệt hại vào khoảng 300 triệu đồng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã kịp thời hướng dẫn nhân dân khẩn trương khắc phục và huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ nhân dân bảo đảm ổn định đời sống sinh hoạt.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.