Thứ năm, 28/03/2024 19:29 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/2/2020

MTĐT -  Thứ tư, 19/02/2020 10:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/2/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/2/2020.

Hàng trăm ha sắn ở Thừa Thiên - Huế nhiễm bệnh khảm lá

Theo kế hoạch trong vụ đông xuân, Thừa Thiên - Huế sẽ đưa vào trồng 6.700ha sắn. Hiện trên địa bàn đã trồng mới 3.702ha, trong đó 1.215ha phát triển thân lá và 2.487ha mới trồng. Tuy nhiên, những ngày này, bệnh khảm lá sắn xuất hiện trên nhiều diện tích sắn của người dân.

Trong đó, huyện Phong Điền là địa phương có diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, đến nay, toàn huyện đã trồng khoảng 1.200ha sắn; trong đó có đến 817ha nhiễm bệnh khảm lá; nhiều diện tích đã nhiễm bệnh hoàn toàn.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, bệnh khảm lá trên cây sắn lây lan nhanh ảnh hưởng rất lớn đến diện tích trồng sắn của huyện và gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Hiện huyện đang triển khai các giải pháp phòng trừ, tiêu hủy cây bệnh, đồng thời thông báo đến người dân về tình hình bệnh để có giải pháp xử lý hiệu quả.

Nhiều diện tích sắn mắc bệnh khảm lá phải nhổ bỏ cây và tiêu hủy

Thông tin từ Sở NN&PTNT Thừa Thên - Huế, tính đến ngày 11/2, bệnh khảm lá sắn do virus phát sinh gây hại khoảng 724,5ha, tỷ lệ 5 - 10%, nơi cao 70 - 80%, trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 100ha; diện tích nhiễm trung bình 174,5ha; diện tích nhiễm nặng 450ha.

Bệnh khảm lá sắn lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (bemisia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh. Khi cây sắn còn non, bị nhiễm virus sẽ không cho củ; cây sắn đã lớn, mới nhiễm virus vẫn có biểu hiện bệnh nhưng thiệt hại nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn từ khi cây sắn còn non đến hai tháng tuổi.

Trước tình hình bệnh khảm lá sắn diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT đã có công văn yêu cầu các địa phương có diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn cần khẩn trương chỉ đạo nông dân nhổ bỏ cây bị nhiễm bệnh để tiêu hủy. Cụ thể, các ruộng sắn tỷ lệ bệnh dưới 70%, nhổ cây bị bệnh, thu gom và đốt. Nếu tỷ lệ bệnh trên 70% thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom và đốt.

Với diện tích trồng sắn xen lạc sau khi nhổ bỏ tiêu hủy cây sắn nhiễm bệnh, tiến hành chăm sóc, tùy điều kiện thực tế và độ ẩm đất có thể trồng dặm bằng các giống sạch bệnh rõ nguồn gốc.

Mới đây, tại buổi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu huyện Phong Điền khẩn trương chỉ đạo nông dân tạm dừng trồng sắn, nhổ bỏ cây sắn nhiễm bệnh để tiêu hủy, hạn chế thiệt hại và tránh lây lan trên diện rộng.

Các địa phương chưa phát hiện bệnh khảm lá sắn tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện sớm bệnh khảm lá sắn, thống kê khoanh vùng diện tích nhiễm bệnh; đồng thời nghiên cứu, chuyển đổi cây trồng ở các diện tích đã nhiễm bệnh cũng như tìm các giải pháp hỗ trợ cho người dân trong thời gian tới.

Xảy ra động đất có độ lớn 2,4 tại Thừa Thiên-Huế

Theo Viện Vật lý địa cầu, khoảng 15h30 ngày 18/2, trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra trận động đất có độ lớn 2,4 tại vị trí có tọa độ (16.2498 độ vĩ Bắc, 107.2433 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8km, theo Vietnam+ thông tin.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đây là trận động đất nhẹ nên người dân khó có thể cảm nhận được dư chấn. Cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 0.

Vụ động đất được ghi nhận xảy ra tại huyện A Lưới vào chiều 18/2. Ảnh: baothuathienhue.vn

Theo báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, đây là trận động đất đầu tiên trong năm 2020 tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trước đó, ngày 17/11/2019, tại huyện A Lưới cũng xảy ra một trận động đất 3,3 độ Richter.

Theo thống kê, kể từ khi thủy điện A Lưới tích nước để đưa vào hoạt động năm 2014 đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế ghi nhận nhiều dư chấn với tâm chấn chủ yếu nằm ở huyện vùng cao A Lưới. Trong đó lớn nhất là cơn dư chấn năm 2014 với cường độ là 4,7 độ Richter.

Hàng chục nghìn người Châu Âu ảnh hưởng nghiêm trọng vì bão Dennis

Tại Anh, bão Dennis gây ngập lụt tại nhiều khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông, ít nhất 170 chuyến bay bị hủy. Sức gió mạnh được ghi nhận lên tới 150 km/h tại Aberdaron, South Wales, buộc giới chức Anh phải ban bố số lượng cảnh báo lũ lụt lên mức kỷ lục, với 594 cảnh báo được đưa ra, trải dài từ khu vực River Tweed của Scotland đến Cornwall, phía Tây Nam nước Anh trong 2 ngày cuối tuần qua.

Sóng lớn gây thiệt hại tại một số khu vực ở phía tây nước Anh. (Ảnh: Reuters)

Bão Dennis đã làm 2 người thiệt mạng ở khu vực Tây Nam nước Anh. Sức gió hơn 150km/giờ được ghi nhận tại Aberdaron, phía Nam xứ Wales. Cảnh sát hạt Gwent đã khuyến cáo người dân sống tại làng Skenfrith ở Monmouthshire, xứ Wales, di tản do nguy cơ xảy ra ngập lụt nghiêm trọng.

Trong khi đó, tại Đức, ít nhất 9 người đã bị thương trong các vụ tai nạn ô tô do cơn bão Dennis. Hệ thống đường sắt của nước này bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết bất lợi. Hãng vận tải đường sắt Deutsche Bahn thông báo sẽ có gián đoạn trên tuyến đường giữa Hamburg và Berlin, và từ Hamburg đến Munster. Nhiều mảnh vỡ và cây đổ cũng cản trở tàu đi qua một số tuyến đường sắt ở bang North Rhine-Westphalia đông dân nhất nước Đức.

Nhiều diện tích rừng An Giang đang ở mức báo động cháy cấp 5

Hiện nay, đang là đỉnh điểm của mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài, nên nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh An Giang rất cao.

Do đó, công tác phòng chống cháy rừng đang được các cấp chính quyền tỉnh An Giang tập trung thực hiện với nhiều giải pháp.

Thời điểm này, nhiều cánh rừng tại khu vực Bẩy Núi như: núi Phú Cường, cụm núi Đất, khu vực núi Nhọn thuộc huyện Tịnh Biên; khu vực Núi Sam, TP Châu Đốc; núi Giài, Núi Tượng, Núi Cô Tô, Núi Nam Quy…và một số diện tích rừng tràm vùng đồng bằng trên địa bàn tỉnh An Giang đã qua nhiều ngày nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.

Ông Hồ Văn Minh, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng số 3, thuộc ấp Phú Hòa, xã An Phú, huyện Tịnh Biên cho biết, tổ của ông có 9 người, bảo vệ khoảng 200 ha; thời điểm này, ông và các thành viên của tổ luôn có ý thức cảnh giác cao trong việc phòng chống cháy rừng; hàng ngày, tổ chia thành 3 nhóm, thường xuyên tuần tra các khu vực.

Ông Hồ Văn Minh cho biết: “Chúng tôi chia nhóm đi tuần, 3 người một đội, đi tuần từ đây xuống dưới rồi lại trở về. Đeo bình nước đi vừa phòng chống cháy, vừa phòng chống người ta chặt củi. Về công tác phòng cháy chúng tôi có các bình nước, bồn nước đầy đủ, và chứa đầy nước để sẵn sàng phòng chống cháy”.

Ông Lý Vĩnh Định, Hạt trưởng hạt kiểm lâm liên huyện Tri Tôn-Thoại Sơn cho biết, Hạt quản lý địa bàn rộng, với tổng diện tích rừng hơn 5.500 ha, trong đó diện tích rừng khu vực núi là gần 3.800 ha, rừng thuộc đồng bằng hơn 1.800 ha. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thực hiện chỉ đạo của Chi cục kiểm lâm, Hạt đã triển khai các phương án phòng cháy chữa cháy đối với các điểm có nguy cơ cháy cao; duy trì chế độ trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ người vào rừng khu vực có nguy cơ cháy cao.

Nhiều diện tích rừng ở An Giang đang ở mức báo động cháy cấp 5.

Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh An Giang, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 17.000 ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Trong đó, vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cấp 5 là hơn 7.000 ha, tập trung ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn… Hiện nay nhiệt độ luôn ở mức cao, cao hơn khoảng 1oC so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là thời điểm khoảng 13h, nắng nóng gay gắt, các vật liệu cháy dưới tán rừng đã khô, độ ẩm rất thấp, lượng nước dưới các kênh đang dần khô kiệt, nên rất dễ bắt lửa.

Chi cục kiểm Lâm tỉnh An Giang đã nâng mức báo động cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), đồng thời xây dựng các phương án, bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy để ứng trực 24/24; triển khai hàng chục phương án PCCCR từ cấp huyện đến cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ. Chi cục đã trang bị 4 xe tải phục vụ vận chuyển lực lượng khi có sự cố, gần 70 xuồng và vỏ lãi, hơn 130 máy chữa cháy cải tiến, gần 12.000 các dụng cụ như: thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa.

Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, diện tích rừng của tỉnh An Giang chủ yếu tập trung ở khu vực Bẩy Núi, đây lại là nơi có nhiều chùa chiền và cơ sở thờ tự, nên nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Do đó, công tác tuyên truyền để du khách cũng như người dân hiểu và tích cực tham gia trong công tác phòng chống cháy rừng là hết sức quan trọng.

Ông Hùng cho biết: "Đối với công tác phòng cháy chữa cháy thì việc tuyên truyền rất là quan trọng, vì vậy phải phối hợp với đài truyền thanh của huyện, xã tuyên truyền phổ biến cho người dân và khách hành hương việc phòng cháy chữa cháy đúng cách. Đặc biệt là có lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm và chủ rừng túc trực tại các chùa chiền, nơi khách hành hương tập trung cao, để thường xuyên nhắc nhở du khách cẩn trọng trong việc sử dụng lửa để đốt nhang, đốt vàng mã; đối với các hộ dân sống ven rừng cũng thường xuyên nhắc nhở khi sử dụng lửa".

Hiện đang vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, nhiệt độ đang ngày một tăng cao, độ ẩm thấp, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Để đảm bảo công tác phòng chống cháy rừng, ngoài việc nỗ lực của các lực lượng chức năng, thì đòi hỏi ý thức của người dân mới có thể hạn chế được nguy cơ xảy ra cháy rừng trong mùa khô này.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.