Thứ sáu, 29/03/2024 18:51 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 18/2/2020

MTĐT -  Thứ ba, 18/02/2020 15:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/2/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/2/2020.

Tùy tiện vứt gà chết trên sông Con ở Thái Nguyên

Sông Con, đoạn giáp ranh giữa TP Sông Công và thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) những ngày vừa qua xuất hiện nhiều bao tải chứa xác gà chết trôi lềnh bềnh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân và có thể làm cho dịch bệnh lây lan.

Sông Con bắt nguồn dãy Tam Đảo, chảy qua địa phận huyện Đại Từ rồi xuống TP Sông Công, thị xã Phổ Yên rồi hòa vào dòng sông Công. Tại khu vực chân đập Líp, đoạn giáp ranh giữa xóm Đầm Mương, Nông Trường, xã Minh Đức thuộc thị xã Phổ Yên với xóm Vinh Quang 2, phường Châu Sơn, TP Sông Công, nhiều ngày nay người dân phải hứng chịu mùi hôi thối “tra tấn” suốt ngày đêm từ những bao tải chứa xác gà chết đang kỳ phân hủy mạnh.

Anh Nguyễn Như Hà, ở xóm Vinh Quang 2, phường Châu Sơn, bức xúc: “Những ngày gần đây xuất hiện nhiều bao tải chứa xác gà chết trên sông chảy qua địa bàn, mắc ở chân đập Líp, làm cho môi trường, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, rất khó chịu”. Ông Dương Đình Đông, ở xóm Vinh Quang 2, phường Châu Sơn, lo lắng: “Khoảng một tuần qua, chúng tôi thấy nhiều bao tải chứa xác gà nổi lềnh phềnh đang phân hủy mạnh trên mặt nước đọng lại ở chân đập Líp. Nếu số gà này bị dịch bệnh thì sẽ nguy hiểm đến sức khỏe người dân, lây lan dịch bệnh”.

Hiện nay đang xuất hiện dịch cúm gia cầm. Người dân đề nghị chính quyền các cấp, cơ quan chức năng ở địa phương khẩn trương vào cuộc làm rõ nguyên nhân gà chết để có biện pháp phòng, chống kịp thời, đồng thời chỉ đạo xử lý gà chết trên sông, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc vứt xác gà chết xuống sông Con gây hậu quả đối với môi trường và dịch bệnh.

Anh ban bố cảnh báo lũ lụt nghiêm trọng do bão Dennis

Ngày 17/2, Anh đã ban bố cảnh báo lũ lụt nghiêm trọng có thể đe dọa tới tính mạng của người dân sau khi bão Dennis gây ra mưa lớn ở một số vùng của nước này.

Các cảnh báo lũ nghiêm trọng đã được đưa ra đối với các hạt Worcestershire, Herefordshire và Shropshire của Anh.

Cơ quan Khí tượng nước này cũng ban bố 221 cảnh báo lũ ở vùng England, 24 cảnh báo lũ ở xứ Wales và 12 cảnh báo lũ ở Scotland.

Cuối tuần qua, bão Dennis với sức gió lên tới 145 km/h đã gây ra lượng mưa lên tới 150 millimet tại nhiều vùng của Anh.

Tại thành phố York, phía Bắc England, giới chức thành phố đã chuẩn bị hơn 4.000 bao cát để chắn nước do mực nước sông Rover Ouse tiếp tục dâng cao và dự báo lên đỉnh vào ngày 18/2.

Trước đó, bão Dennis đã làm 1 người ở khu vực South Wales, thiệt mạng và làm ngập nhà ở, các tuyến đường bộ, đường sắt, gây rối loạn giao thông trên toàn nước Anh.

Trong khi đó, tại Đức, ít nhất 9 người đã bị thương trong các vụ tai nạn ô tô liên quan tới bão Dennis.

Bão Dennis cũng gây ra tình trạng lụt lội khiến các tuyến đường bộ phải đóng cửa và mất điện trên toàn khu vực Bắc Âu và vùng Bantic.

Tại Na Uy, hơn 6 tuyến đường bộ đã phải đóng cửa.

Hà Nội: Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài ngập trong rác

Theo báo KT ĐT, thời gian qua, người dân phản ánh  về tình trạng lòng đường, vỉa hè đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - tuyến đường gần 3km với tổng mức đầu tư gần 39 tỷ đồng bỗng nhiên biến thành nơi tập kết rác phế thải gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Tại khu vực này rác thải đủ loại, từ rác thải sinh hoạt, giày dép, đồ gia dụng hỏng, phế thải xây dựng... tất cả đều bị đổ thẳng ra đường phơi mưa, phơi nắng từ ngày này sang ngày khác.

Theo người dân, ngày nắng bãi rác này bốc mùi xú uế rất khó chịu, ngày mưa rỉ rác theo dòng nước chảy lênh láng “nhuộm” kín cả khu vực gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Điều đáng nói, tình trạng trên đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng chưa được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm xử lý dứt điểm.

Nước mặn bao trùm, các vườn sầu riêng Tiền Giang trước nguy cơ chết trắng

Hơn một tuần qua, nước dưới sông Tiền có độ mặn từ 0,5 - 3o/oo, bao trùm toàn bộ cù lao xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. Các nhà vườn nơi đây gần như không còn nước ngọt để tưới tiêu, trong khi cây sầu riêng không thể chịu được nước mặn trên 0,4o/oo.

Theo đánh giá của người dân địa phương, hiện nay nước có độ mặn cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Một số vườn sầu riêng mang trái đang "xuống sức". Nước trong mương vườn hiện nay đã cạn hết. Bà con phải mua nước ngọt từ nơi khác để bơm vào mương dự trữ, thậm chí tướt bỏ quả để cứu cây.

Toàn cù lao Ngũ Hiệp có hơn 1.500ha vườn cây sầu riêng chuyên canh. Do hệ thống kênh rạch nơi đây chằng chịt, chưa có cống đập khép kín, nước mặn đã tràn vào hết các khu vực. Do đó, các phương án để bảo vệ vườn sầu riêng tại thời điểm này gặp rất nhiều khó khăn.

Theo nhiều nhà vườn, nếu trong khoảng 2 tuần tới không có nguồn nước ngọt bổ sung, các vườn sầu riêng sẽ bị chết trắng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 18/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới