Thứ ba, 19/03/2024 14:08 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 18/1/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 18/01/2020 08:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/1/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/1/2020.

Nghệ An: Nước thượng nguồn sông Lam có mùi lạ nghi do ô nhiễm lòng hồ Thủy điện

Người dân bản Lả, xã Lượng Minh đi đánh cá trên sông, phát hiện thấy nước có màu nâu đen khác lạ, bốc mùi hôi tanh nồng nặc, bà con nghi ngờ nước bị ô nhiễm nên đã báo lên chính quyền địa phương.

Ngay sau đó, UBND huyện Tương Dương đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An lên kiểm tra, lấy mẫu nước xét nghiệm, nhằm đánh giá nguyên nhân và mức độ ô nhiễm tại khu vực hạ du Thủy điện Bản Vẽ để cảnh báo cho người dân và có giải pháp xử lý.

Rác ngập tràn lòng hồ thủy điện bản Vẽ

Ngay sau đó, sở Tài nguyên và môi trường Nghệ An đã tổ chức cuộc họp khảo sát, đánh giá nguyên nhân. Tại cuộc họp, đã lấy 6 mẫu nước để phân tích. Theo đó, 6 vị trí lấy mẫu bao gồm; tại khu vực lòng hồ Bản Vẽ, cửa xả nhà máy, cầu Bailey, lòng hồ thủy điện Nậm Nơn, hạ lưu đập Nậm Nơn và tại nhánh sông Nậm Mộ, cách ngã ba sông 1km về phía thượng lưu.

Được biết phía Công ty Thủy điện Bản Vẽ khẳng định: quá trình vận hành không sử dụng bất cứ hóa chất gì, tuy nhiên nguyên nhân vì sao nước sông lại có mùi "lạ" thì còn phải chờ kết quả xét nghiệm.

Trung Quốc hạn chế hoạt động nông nghiệp giảm ô nhiễm môi trường

Theo kế hoạch 5 năm (2021-2025), Trung Quốc sẽ hạn chế hoạt động canh tác xâm lấn những dòng sông lớn, khôi phục các hệ sinh thái và vùng đầm lầy cũng như giải quyết tình trạng sử dụng nước lãng phí.

Ngày 17/1, giới chức Trung Quốc khẳng định sẽ áp đặt thêm các hạn chế đối với hoạt động nông nghiệp và công nghiệp trong 5 năm tới nhằm bảo vệ nguồn nước khỏi tình trạng ô nhiễm.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường nước thuộc Bộ Môi trường và Sinh thái Trương Ba cho biết theo kế hoạch 5 năm (2021-2025), chính phủ sẽ hạn chế hoạt động canh tác xâm lấn những dòng sông lớn, khôi phục các hệ sinh thái và vùng đầm lầy cũng như giải quyết tình trạng sử dụng nước lãng phí.

Sông Dương Tử bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: AFP/Getty)

Với nguồn nước trung bình theo đầu người chỉ bằng 25% mức trung bình của toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc ưu tiên phục hồi các nguồn nước đã bị ô nhiễm. Theo ông Trương Ba, chính phủ từ nay sẽ cân nhắc đồng thời cả giá trị sinh thái cũng như giá trị kinh tế trong mọi hoạt động sản xuất.

Hiện Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch phục hồi môi trường sinh thái của sông Dương Tử. Dòng sông này cung cấp nước cho khoảng 40% dân số Trung Quốc, song đang bị hủy hoại sau hàng chục năm cải tạo đất, chuyển hướng dòng chảy và xả thải độc hại. Đầu tuần nay, giới chức Trung Quốc cho biết 7.084 người đã bị bắt giữ năm 2019 vì tội phá hoại môi trường sông Dương Tử, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số chính quyền địa phương đã phá đập nước, di dời các nhà máy hóa chất, khôi phục vùng đầm lầy, cũng như cấm trồng trọt và đánh bắt tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng. Theo Bộ Môi trường và sinh thái, chất lượng nước nhìn chung đang cải thiện, với 75% lượng nước mặt được lấy mẫu tại 1.940 điểm trên khắp cả nước năm 2019 đạt tiêu chuẩn, tăng 3,9% so với của năm 2018./.

Báo động tình trạng ô nhiễm bụi mịn tại thủ đô Bangkok

Theo số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan, sáng 17/1, tình trạng ô nhiễm bụi mịn tiếp tục ở mức báo động tại 10 trạm giám sát tại thủ đô Bangkok và vùng phụ cận.

Ô nhiễm không khí ở Bangkok. Ảnh: khaosodenglish.

Mức độ hạt bụi mịn 2,5 micron (PM 2.5) hoặc nhỏ hơn trong không khí ở thủ đô Bangkok được xác định ở mức 28-55 microgam/m3, trong đó có 10 khu vực vượt quá tiêu chuẩn an toàn do chính phủ quy định là 50 microgam/m3. Một số khu vực đang có mức ô nhiễm bụi mịn ở mức cao như quận Din Daeng, quận Bang Kabi và quận Klong Toey.

Kể từ ngày 6/1, lượng bụi mịn PM 2.5 trong không khí tại thủ đô Bangkok và khu vực phụ cận đã tăng lên và đang có xu hướng kéo dài. Cục Kiểm soát ô nhiễm và chính quyền thành phố Bangkok đã khuyến cáo người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, nhất là khi bị ho, khó thở và chảy nước mắt, khi đi ngoài đường cần đeo khẩu trang./.

Hết cháy rừng, koala lại oằn mình chống lũ lụt

Sau nhiều tháng hạn hán kéo dài ở Australia, trong tuần này những trận mưa lớn đổ xuống một số khu vực bị thảm kịch cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia này tàn phá.

Tuy nhiên, mưa lớn làm phá hủy cảnh quan ở nhiều nơi, dẫn tới tình trạng lũ quét, sạt lở đất.

Tại Công viên bò sát Australia ở bờ biển phía Đông gần Sydney, trận mưa sáng 17/1 tạo ra dòng nước chảy xiết xuyên qua các cánh rừng. Hình ảnh được công viên này đăng tải cho thấy những con koala ướt sũng bám vào cành cây mỏng manh trong khi một nhân viên công viên ôm 2 con koala băng qua dòng nước xiết để tới khu vực an toàn.

Nhân viên công viên bế 2 con koala băng qua dòng nước xiết. (Ảnh: Stuff)

Mực nước trong đầm cá sấu trong công viên cũng dâng lên tới gần đỉnh của hàng rào. Trong một đoạn video, bảo vệ vườn thú phải dùng chổi để đẩy một con cá sấu trở vào khi nó cố thoát đi.

"Tuần trước, chúng tôi phải họp hàng ngày để bàn về các mối đe dọa do cháy rừng. Hôm nay, đội của chúng tôi phải giải cứu cho các loài động vật và đảm bảo an toàn cho chúng khi mực nước dâng cao", Tim Faulkner, Giám đốc công viên cho biết.

Ông này nói thêm rằng công viên chưa từng chứng kiến một trận lụt nào như vậy trong hơn 15 năm qua.

Các vụ cháy rừng ở Australia bắt đầu từ tháng 9 cướp đi sinh mạng của 28 người, xóa sổ hơn 1 tỷ động vật trên khắp Đông Nam Australia.

Thời tiết ẩm ướt tuần này giúp lính cứu hỏa có thời gian nghỉ ngơi sau hơn 3 tháng chiến đấu với bà hỏa.

Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục đám cháy nằm ngoài tầm kiểm soát và chính quyền cũng cảnh báo thảm kịch cháy rừng có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn khi mùa hè ở Australia bước vào cao điểm trong tháng 1 và tháng 2.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 18/1/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới