Thứ sáu, 29/03/2024 15:43 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/6/2020

MTĐT -  Thứ tư, 17/06/2020 06:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/6/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/6/2020.

Bình Dương: Rác thải xếp lớp, tràn lan trên Quốc lộ 1K

Lợi dụng đoạn đường ít người sinh sống, chỉ lưa thưa vài hộ dân buôn bán nhỏ lẻ, nhiều người dân vô ý thức đã chọn đoạn dường dài khoảng 1 km, nối từ ngã tư Mỹ Phước Tân Vạn - Quốc lộ 1K tới Trạm thu phí giao thông Quốc lộ 1K (TX. Dĩ An, Bình Dương) làm điểm vứt rác, xả thải. Đáng nói, rác thải mỗi ngày mỗi dày nhưng đơn vị quản lý đô thị lại lơ là trong việc xử lý.

Đoạn đường này nằm song song với tuyến đường nội bộ khu tái định cư Châu Thới (phường Bình An, TX. Dĩ An, Bình Dương), nhưng hoàn toàn khác biệt về mỹ quan đô thị, an sinh xã hội.

Trong khi con đường nội bộ trong khu tái định cư luôn luôn được quản lý, vệ sinh rác thải mỗi ngày, luôn có bảo vệ đi tuần thường xuyên thì, đường Quốc lộ 1K nói trên chỉ thi thoảng có vài người vệ sinh đường xá. Tuy nhiên, việc vệ sinh cũng chỉ dừng lại ở việc quét đường chứ không hốt và xử lý triệt để rác thải trên đoạn đường này.

Rác thải ở đây đa dạng và đủ loại, đồ dùng gia dụng, cây cỏ, túi bịch nilon, vỏ sò hải sản các loại, thậm chí là xác gia cầm, động vật. Người dân sống quanh khu vực phải hứng chịu nhiều mùi hôi khó chịu từ những đống rác thải và hố ga bốc lên.

Một hộ dân sống tại khu vực TX. Dĩ An, Bình Dương cho hay “Tình trạng xả rác bừa bãi này diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay, có những người thiếu ý thức chạy xe lôi, xe tải, canh lúc trời khuya quăng những bao rác, xác động vật, nước thải động vật xuống hố ga rồi bỏ đi. Năm ngoái có xe đi gom rác nhưng năm nay thì không thấy nữa. Mùa mưa thì nó trôi bớt nên đỡ hôi, chứ mùa nắng thì chịu không nổi”

Tình trạng rác thải vẫn diễn ra mỗi ngày, mùi hôi ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nhưng đến nay, vẫn chưa có cơ quan, đơn vị nào xử lý triệt buộc người dân phải tự thu gom rác lại thành đống rồi thiêu hủy để hạn chế phần nào mùi hôi rác thải.

Ninh Thuận: Tăng cường công tác ứng phó với thiên tai hạn hán

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã xuất hiện mưa Tiểu mãn, mưa dông liên tiếp xuất hiện vào buổi chiều, tuy nhiên tình hình thiên tai hạn hán, thiếu nước vẫn chưa cải thiện được nhiều.

Bên cạnh đó, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, khu vực tỉnh Ninh Thuận: Tháng 6/2020, tổng lượng mưa (TLM) phổ biến thấp hơn từ 10-25% so với TBNN. Tháng 7-8 và tháng 10-11/2020, TLM phổ biến cao hơn từ 10-40% so với TBNN, riêng tháng 9/2020 ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Trên các sông suối khu vực tỉnh Ninh Thuận trong thời kỳ từ tháng 6 đến tháng 9, chủ yếu ít biến đổi xen kẽ có dao động nhỏ đến lũ nhỏ. Lượng dòng chảy trên các sông suối phổ biến thiếu hụt từ 40-60% so với TBNN, một số sông suối nhỏ tắt dòng vào thời kỳ này. Mực nước trung bình các tháng ở mức thấp hơn TBNN cùng thời kỳ.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Báo cáo Tình hình và công tác ứng phó hạn hán trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ chống hạn trong thời gian tới.

Theo đó, các ngành và cả hệ thống chính trị phải xác định công tác ứng phó hạn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và tập trung quyết liệt hơn nữa trong công tác ứng phó hạn với các nội dung công việc thật cụ thể, khả thi, ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết bất lợi nhất để chủ động triển khai ứng phó với mọi tình huống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Đảm bảo mục tiêu: “Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi”.

Cụ thể tập trung một số nhiệm vụ trong tâm như, tăng cường thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình hạn hán và tác động của biến đổi khí hậu; các chủ trương, giải pháp của tỉnh trong công tác ứng phó hạn để nhận thức đúng, đầy đủ nhằm tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của nhân dân; nhất là việc tuyên truyền, phổ biến các mô hình hay, cách làm tốt mô hình hiệu quả và khuyến cáo nhân dân những việc cần tránh để hạn chế thiệt hại...

“Bom hẹn giờ” khu vực Bắc cực

21.000 tấn dầu động cơ rò rỉ từ bình chứa ở Nhà máy Điện Norilsk (Nga) là sự kiện gây ô nhiễm môi trường lớn nhất trong khu vực Bắc cực. Công ty Norilsk Nikiel, chủ sở hữu bình chứa nói trên, nói rằng bình rò rỉ là do hậu quả của nóng lên toàn cầu.

Nhiệt độ ngày càng cao trên thế giới, trong đó có vùng Bắc cực, dẫn đến việc lớp băng vĩnh cửu tan chảy và nền móng các công trình xây dựng ở đó lún xuống. Các báo cáo cho thấy, giữa năm 2010 và 2017, lực nâng của lớp băng vĩnh cửu giảm khoảng 20%. Đây là một trong những hậu quả của tan chảy băng vĩnh cửu.

Lớp băng vĩnh cửu chính là lớp đất bị đóng băng, xuất hiện chủ yếu ở cực Bắc. Khoảng 1/4 diện tích ở khu vực này bị băng bao phủ trong hàng nghìn năm. Lớp băng vĩnh cửu có độ sâu từ một vài đến vài trăm mét.

Ước tính, trong lớp băng vĩnh cửu có khoảng 1,7 tỷ tấn carbon ở dạng vật chất hữu cơ bị đóng băng, bao gồm xác động vật và cây cối mục nát. Hàm lượng carbon (chủ yếu ở dạng methane và carbon dioxide) chứa trong lớp băng vĩnh cửu lớn hơn khoảng 2 lần so với trong khí quyển.

Khi lớp băng vĩnh cửu bị tan chảy, vật chất tích tụ trong đó bị nóng lên và phân hủy, giải phóng ra carbon dưới dạng các khí nóng. Điều này làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu và do đó dẫn tới tan chảy thêm lớp băng vĩnh cửu.

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu như hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp tục diễn biến theo nhịp độ như hiện nay, thì đến năm 2100, một phần lớn thể tích băng vĩnh cửu có thể bị tan chảy.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.