Thứ năm, 25/04/2024 06:09 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 16/3/2020

MTĐT -  Thứ hai, 16/03/2020 07:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 16/3/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 16/3/2020.

Chủ động phương án phòng chống dịch châu chấu sa mạc

Tăng cường hợp tác quốc tế với FAO và các quốc gia có chung đường biên giới để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đồng thời, theo dõi sát tình hình và các cảnh báo về hướng di chuyển và gây hại của châu chấu sa mạc,...

Đó là một trong những nội dung của Kế hoạch nhằm chủ động phòng chống dịch châu chấu sa mạc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), dịch châu chấu sa mạc Schitocera gregaria bắt nguồn từ tháng 5 và tháng 6 năm 2019 tại Ả Rập Xê Út và phía Tây Nam Iran, sau đó di cư đến phía Bắc Somalia, Ethiopia, Kenya và khu vực biên giới Ấn Độ - Pakistan từ tháng 7 đến tháng 12/2019. Dịch nhanh chóng bùng phát, lan rộng sang hầu hết các quốc gia Châu Phi gồm: Somalia, Ethiopia, Kenya, Eritrea,…Châu chấu sa mạc phát triển nhanh bất thường tại một số quốc gia Trung Đông và các nước Nam Á từ tháng 1 đến giữa tháng 2/2020, đe dọa đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia trực thuộc khu vực này.

Theo FAO, dịch châu chấu tại Đông Phi hiện ở tình trạng tồi tệ nhất trong 25 năm qua. Đàn châu chấu với số lượng ước tính hàng trăm triệu con di chuyển giữa các quốc gia Đông Phi với tốc độ lên đến 13km/h, tàn phá cây trồng và các nguồn thực phẩm khác tại mỗi nơi chúng dừng chân cũng như đe dọa nghiêm trọng tới an ninh hàng không, nếu không được kiểm soát, có thể đe dọa an ninh lương thực của khoảng 13 triệu người.

Theo bản tin ngày 5/3/2020 về tình hình gây hại và dự báo về hướng di chuyển của châu chấu sa mạc từ Phòng thông tin về châu chấu sa mạc của FAO, trong thời gian từ tháng 3-6/2020, châu chấu sa mạc tiếp tục nhân giống, lây lan và gây hại ở khu vực Đông Phi, một số quốc gia ven biển đỏ và phía Nam Iran, có khả năng di cư sang một số nước khu vực Nam Á trong tháng 6/2020 theo hướng gió mùa Tây Nam và gió Tây.

Xâm mặn ở Nam Bộ giảm dần nhưng vẫn ở mức cao

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ 11 - 15/3, khu vực Nam Bộ hầu như không mưa, nắng nóng vẫn xảy ra, tập trung nhiều tại khu vực miền Đông Nam Bộ, nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến ở mức 35 - 37 độ C, riêng ngày 11 nắng nóng tạm thời gián đoạn.

Mực nước trên dòng chính sông Mê Kông biến đổi chậm và ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1 - 0,5 m. Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt mức cao nhất từ 11 - 13/3 và đang giảm dần. Độ mặn cao nhất tuần tại các trạm ở mức cao hơn tuần trước (1 - 10/3)

Trong thời kỳ 5 ngày tới, khu vực Nam Bộ vẫn duy trì tình trạng ít mưa, ngày nắng, trong đó các tỉnh miền Đông Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ C, miền Tây Nam Bộ thấp hơn khoảng 1 - 2 độ C. Độ ẩm trưa chiều giảm khá thấp, chủ yếu dao động chính trong khoảng từ 45 - 55%.

Cùng đó, mực nước thượng lưu sông Mê Kông biến đổi chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,5 m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu xuống theo triều, mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,15 m; tại Châu Đốc 1,30 m tương đương cùng kỳ năm 2016.

Dự báo, từ ngày 16 - 20/3, xâm nhập mặn tiếp tục giảm dần do kỳ triều thấp. Độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức thấp hơn độ mặn thời kỳ 11-15/3. Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này tại Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 95-120 km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại có phạm vi xâm nhập mặn 60 - 70 km; Sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 80 - 85 km.

Sông Cái ô nhiễm, uy hiếp nguồn nước sinh hoạt ở Khánh Hòa

Dòng sông Cái bắt nguồn từ phía Tây, chạy qua huyện Diên Khánh sau đó đổ ra biển Nha Trang. Ngoài các làng nghề truyền thống, mấy năm nay, dọc 2 bên bờ sông đã hình thành nhiều trang trại chăn nuôi heo.

Theo VOV, khúc sông qua thị trấn Diên Khánh, nhiều đoạn nước chuyển màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Nước sông bốc mùi, gây ảnh hưởng sinh hoạt các khu dân cư ven sông, nhà nào cũng đóng cửa, người đi lại luôn phải đeo khẩu trang. Theo các hộ dân, nguyên nhân chính do các xe bồn làm dịch vụ hút hầm vệ sinh xả xuống sông gây ô nhiễm.

Một người dân ở thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Xe bồn xả xuống sông tầm từ 12h đêm đến 3h sáng. Các xe bồn đổ nước xuống suối nhỏ, thối ghê gớm luôn, đi đường ai cũng khạc nhổ".

Nguồn nước thải ô nhiễm theo mương thoát nước, đổ ra sông Cái chủ yếu từ các cơ sở sản xuất bún trên địa bàn thị trấn Diên Khánh và các hộ chăn nuôi ở phía thượng nguồn.

Nước từ sông Cái là nguồn nước thô của Nhà máy nước Nha Trang, Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho hơn 600.000 dân thuộc các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, thành phố Nha Trang.

Tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, đặc biệt, vào mùa khô hạn, khi lưu lượng nước trên sông ít ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng nước thô. Thời gian qua, công ty đã bảo vệ nguồn nước bằng nhiều cách như tăng cường tuần tra phát hiện điểm gây ô nhiễm, làm phao ngăn dầu, đắp đập ngăn mặn. Vì thế, chất lượng nước sinh hoạt vẫn đảm bảo an toàn.

Ảnh: vov.

Xử phạt xe chở chất thải rắn không đảm bảo vệ sinh

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan giao các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt các phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, bùn đất không đảm bảo vệ sinh theo quy định.

Để đảm bảo vệ sinh trên đường dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh và Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan giao Sở GTVT TPHCM chịu trách nhiệm công tác quét dọn đường Tam Tân (đoạn từ tỉnh lộ 8 đến Khu Liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi). UBND các huyện Bình Chánh, Củ Chi tăng tần suất quét dọn đối với các tuyến đường trên với tần suất 1 lần/ngày.

Huyện Bình Chánh, Củ Chi và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt các phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, bùn đất không đảm bảo vệ sinh theo quy định trên các tuyến đường nêu trên.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 16/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành