Thứ sáu, 29/03/2024 14:29 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/5/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 15/05/2020 14:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/5/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/5/2020.

Nắng nóng kéo dài, hàng loạt hồ chứa tại Bình Thuận cạn trơ đáy

So với đợt hạn nặng năm 2016, lượng nước thiếu hụt ở thời điểm này còn trầm trọng hơn. Hàng loạt hồ chứa, công trình thủy lợi không còn khả năng cấp nước cho sản xuất, thậm chí là nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân cũng gặp khó khăn.

Bình Thuận là vùng đất của những vườn thanh long bạt ngàn. Nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, đặc biệt là 3 tháng trở lại đây trời liên tục nắng nóng, nhiệt độ cao, các hồ chứa nước trong vùng khô kiệt khiến cho những vườn thanh long chưa tưới được lần nào, đang héo úa chết dần.

Đập Ba Bàu, huyện Hàm Thuận Nam có dung tích thiết kế hơn 6 triệu m3, thường xuyên được tiếp nước từ hồ Sông Móng để cấp nước thô cho các nhà máy nước, nước sinh hoạt và nước sản xuất của người dân trong vùng. Nhưng nhiều ngày qua, nguồn nước tiếp không còn. Trong khi đó, nắng nóng, nhiệt độ cao liên tục xảy ra, khiến lòng hồ nhanh chóng trơ đáy.

Các hồ chứa khác, dung tích nhỏ hơn như hồ Tà Mon ở xã Tân Lập đã cạn khô, nứt nẻ đất từ nhiều tháng nay.

Tổng lượng nước ở các công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận, hiện chỉ còn 12,3 triệu m3, tương ứng với khoảng 4,7% dung tích và chỉ bằng 17,8% so với trung bình nhiều năm. Nguồn nước thiếu hụt trầm trọng như vậy do kết thúc mùa mưa năm ngoái, lượng nước tích được ở các hồ chứa đạt thấp, từ 40 - 75% dung tích. Bên cạnh đó, hồ thủy điện Đại Ninh có nguồn từ tỉnh Lâm Đồng, sau phát điện cấp nước cho Bình Thuận cũng thiếu hụt trầm trọng.

Lượng nước thiếu hụt trầm trọng không chỉ khiến hàng ngàn ha cây trồng bị hư hại mà gần 100.000 nhân khẩu khu vực nông thôn ở tỉnh Bình Thuận bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ.

Gần 100 ha rừng bị cháy, nghi ngờ có người đốt

Ngày 14/5, ông Đặng Quang Thành, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết, hiện đơn vị đang kiểm đếm diện tích rừng tại khu vực Suối Trầu, xã Ninh Xuân (TX Ninh Hòa) bị cháy. Đây là rừng sản xuất (rừng keo) được đơn vị liên danh với các hộ gia đình trồng từ những năm 2017, 2018.

Tuy nhiên ước tính ban đầu diện tích rừng keo bị thiệt hại khoảng 80 - 90 ha và khó có khả năng phục hồi, vì thời tiết hiện nắng hạn gay gắt.

Trước đó, vụ việc xảy ra vào khoảng 9 giờ sáng 12/5, nhân viên bảo về rừng phát hiện điểm cháy tại khu vực suối Trảng Cám (xã Ninh Xuân) đã thông báo BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, để huy động lực lượng vào chữa cháy. Thế nhưng khi lực lượng tiếp cận chữa cháy tại khu vực Trảng Cám thì phát hiện nhiều điểm cháy rừng khác xung quanh.

Do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, cộng với lớp thực bì đã khô nên đám cháy nhanh chóng lan rộng, gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy. Vì vậy đến 20 giờ cùng ngày, đám cháy mới được khống chế.

Lào Cai: Nhiều hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2020

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2020, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo nhiều địa phương tổ chức các hoạt thiết thực với chủ đề “Nước sạch nông thôn trong điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và dịch bệnh”.

Thời gian phát động và tổ chức hưởng ứng từ ngày 29/4 - 30/6 và có thể kéo dài đến Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (ngày 28/8).

Nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia cam kết cả các hộ gia đình và cộng đồng trong việc sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh gia đình để phòng chống dịch bệnh nâng cao cuộc sống hướng tới sự phát triển bền vững. Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường Lào Cai phát động với chủ đề “Nước sạch nông thôn trong điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và dịch bệnh”, nội dung tuyên truyền về Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2020 tập trung vào các hoạt động: Không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt; nước sạch cho người dân, yêu cầu cấp bách không thể chậm trễ hơn; bảo đảm nước sạch, an toàn cho vùng bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn; rửa tay, nước sạch góp phần kiểm soát dịch bệnh Covid-19; trữ nước hộ gia đình, giải pháp hiệu quả trong mùa khô hạn; giải pháp nước và vệ sinh bền vững với chi phí hợp lý; không thể chờ đợi, phải đặt nước là trung tâm của các kế hoạch hành động…

Trong thời gian phát động, các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng như: Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ đề, nội dung Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2020 trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các chiến dịch truyền thông trực tuyến trên các trang mạng xã hội, website của các tổ chức chính trị xã hội, trường học tại địa phương nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng; tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cơ quan, trường học, hộ gia đình…

Tập kết rác gây ô nhiễm ngay cổng trường học, bệnh viện ở Cần Thơ

 Tại TP Cần Thơ có nhiều điểm tập kết rác thải làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Một số điểm tập kết rác ven bệnh viện, trường học gây ảnh hưởng.

Gần đây, nhiều người dân TP Cần Thơ phản ánh về việc khu vực xung quanh trường học, bệnh viện trên địa bàn TP Cần Thơ thành nơi lý tưởng để tập kết rác.

Hàng ngày, sau khi các nhân viên vệ sinh thu gom rác ở các điểm, rác được chuyển về các điểm tập kết… Tuy nhiên, các điểm tập kết này lại nằm những khu vực gần bệnh viện, trường học, khu di tích… gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị tại Cần Thơ.

Theo ghi nhận của PV báo GD&TĐ khi đến khu Di tích lịch sử mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tại quận Bình Thủy (Cần Thơ), điểm tập kết rác lại nằm ngay trục chính vào khu di tích. Đây không chỉ gây cản trở lưu thông mà còn gây mất vệ sinh đường phố, mỹ quan đô thị và cảnh quan du lịch tại nơi đây.

Tại Cần Thơ, hiện trạng chất thải trong sinh hoạt gia tăng nhưng nguồn lực, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải chưa tương xứng với sự phát triển đô thị. Người dân kiến nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp kịp thời nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường và hình ảnh đô thị.

Ngoài ra, một số điểm tập kết rác để trung chuyển đến khu vực xử lý vẫn chưa bố trí một cách hợp lý. Bên cạnh đó, việc tập kết rác thải còn tập trung tại một số điểm như tuyến đường 30/4, điểm tập kết rác trước Bệnh viện Y học Cổ truyền TP Cần Thơ, xung quanh khu vực này gần chợ, Bệnh viện da liễu, trường học…

Khu vực công viên Lưu Hữu Phước, cạnh Khu III Trường ĐH Cần Thơ điểm tập kết rác ở đây cũng nằm rải rác, gây ảnh hưởng đến sinh viên và người dân khu vực xung quanh…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.