Thứ năm, 25/04/2024 13:19 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/3/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 14/03/2020 06:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/3/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/3/2020.

Triển khai giải pháp ứng phó hạn hán cho vụ Hè Thu

Kịch bản ứng phó với hạn hán được đưa ra tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 và triển khai vụ hè Thu khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sáng 13/3.

Dự báo khu vực này sẽ xuất hiện hạn hán trên diện rộng ngay trong tháng 3 này. Các tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa, đặc biệt các giống lúa ngắn ngày, có khả năng chịu hạn.

Trong bối cảnh lượng nước tại các hồ chứa xuống thấp mà vụ Hè Thu bắt đầu hơn 10 ngày nữa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra phương án: giảm diện tích lúa vụ hè thu và vụ mùa; đồng thời các tỉnh cần quyết liệt chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ 3 vụ sang 2 vụ. Cương quyết dừng sản xuất các vùng thiếu nước.

Quỹ Khí hậu Xanh giúp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu

Trong thông báo phát đi ngày 13/3 về cuộc họp Ban điều hành lần thứ 25, Quỹ Khí hậu Xanh cho biết đã phê duyệt khoản viện trợ 30,2 triệu USD cho dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam” (SACCR).

Bộ NN&PTNT cho biết, với hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) sẽ thực hiện dự án mới này trong 6 năm và trực tiếp mang lại lợi ích cho hơn 222.400 người dân ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa. Mục tiêu của dự án là hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu, cải thiện an ninh nguồn nước và sinh kế, tăng cường kiến thức về rủi ro khí hậu và áp dụng kỹ thuật nông nghiệp có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, và tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp và thông tin thị trường.

Hơn 335.000 người dự kiến sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ tăng cường năng lực thông qua đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường tiếp cận thông tin về rủi ro khí hậu và phổ biến rộng rãi các thực hành tốt nhất về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Dự án có cách tiếp cận tích hợp và sáng tạo nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu do Chính phủ Việt Nam đưa ra, UNDP và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cùng thiết kế.

Khoản tài trợ không hoàn lại này bổ trợ và tăng tác dụng cho khản đầu tư của ADB vào hệ thống thủy lợi hiện đại ở các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán, đảm bảo tăng lợi ích cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người dân tộc thiểu số và phụ nữ”, bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nói.

Dự án này cũng bổ trợ cho những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển - một dự án mà UNDP đang hỗ trợ và được tài trợ bởi GCF từ năm 2017. Dự án hiện đang xây dựng những ngôi nhà chống bão lũ, trồng và phục hồi rừng ngập mặn ven biển để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương, những người có cuộc sống và sinh kế bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

“Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu”, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT cho biết. “Dự án SACCR sẽ giúp đỡ một cách hiệu quả cho các nông hộ quy mô nhỏ của chúng tôi - đặc biệt là người dân tộc thiểu số và phụ nữ - ở các tỉnh dễ bị tổn thương nhất của miền Trung Việt Nam để thích ứng với sự thay đổi lượng mưa và hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra”.

Tăng cường cảnh báo môi trường khu vực nuôi cá bè ở Đồng Nai

Ngày 13/3, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, năm 2020. Trong đó, những khu vực nuôi cá bè tập trung, nơi từng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt những năm qua sẽ được tăng tần suất quan trắc môi trường.

Cụ thể, bốn khu vực sẽ thực hiện quan trắc chất lượng nước, gồm: khu vực nuôi cá bè trên sông La Ngà, huyện Định Quán; khu vực nuôi cá bè trên sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai), TP Biên Hòa; khu vực ngập mặn hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch và khu vực nuôi thủy sản thâm canh các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú.

Về tần suất quan trắc, khu vực nuôi cá bè trên sông Cái sẽ thực hiện 24 lần/năm; khu vực nuôi cá bè huyện Định Quán 18 lần/năm; khu vực ngập mặn hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch 24 lần/năm và khu vực các ao nuôi thâm canh tại ba huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, sáu lần/năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện là hơn 32 nghìn ha. Những năm qua, xảy ra tình trạng cá bè chết hàng loạt do môi trường nước bị ô nhiễm cục bộ, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Trong hai năm 2018 và 2019, nhiều hộ dân nuôi cá bè trên sông La Ngà, thuộc huyện Định Quán điêu đứng vì hàng nghìn tấn cá nuôi chết nổi trắng bè. Trước đó, vào năm 2016, hơn 150 hộ nuôi cá bè trên sông Cái cũng thiệt hại nặng nề do cá bè chết hàng loạt.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới