Thứ bảy, 20/04/2024 02:38 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/11/2019

MTĐT -  Thứ năm, 14/11/2019 17:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/11/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/11/2019.

Thành phố Venice bị ngập nặng

Thị trưởng thành phố Venice hôm qua đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp do ngập lụt nặng, ảnh hưởng tới nhiều công trình hàng trăm năm tuổi tại đây.

Mực nước tại thành phố này đã đạt ngưỡng 187cm vào đêm qua. Đây là con số cao nhất trong suốt 5 thập kỷ qua tại thành phố trên sông nổi tiếng thế giới này.

Thị trưởng thành phố Luigi Brugnaro cho rằng vụ việc trên là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

"Thiệt hại ước tính vào khoảng hàng trăm triệu euro", ông Brugnaro cho hay.

"Đây là hệ quả của biến đổi khí hậu", ông viết trên Twitter.

Một người đàn ông đã thiệt mạng ở khu vực đảo Pellestrina trực thuộc thành phố Venice. Ông đã bị giật điện khi tát nước ra khỏi nhà.

Quảng trường Saint Mark, được ví von như "phòng khách của châu Âu", cũng bị ngập tới hơn 1m. Nhà thờ Saint Mark ở gần quảng trường cũng đã bị ngập lần thứ 6 trong suốt 1,200 năm qua. Điều đáng nói hơn là 4 lần ngập nhà thờ này diễn ra chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây.

Đà Nẵng: Truy tìm thủ phạm lén xả thải 'đầu độc' sông Hàn

Ngày 13/11, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Đà Nẵng đã vào cuộc điều tra và truy tìm thủ phạm lén xả thải ra sông Hàn, khiến dư luận lo lắng và bức xúc.

Trước đó, khoảng 5 giờ sáng nay (13/11), nhiều người dân tập thể dục qua khu vực chân cầu Trần Thị Lý và Nguyễn Văn Trỗi phát hiện nước sông Hàn bị phủ một màu đen chảy từ hệ thống cống xả Đảo Xanh ra và bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Theo phản ánh của người dân, thời điểm này, đứng từ cầu Trần Thị Lý (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), họ có thể nhìn thấy một lượng lớn nước thải tuôn ra từ hệ thống cống xả trên, khiến cả khu vực bờ sông Hàn phía tây bị bủa vây bởi nước thải...

2.800 người Nhật Bản vẫn phải sống trong các trung tâm sơ tán sau siêu bão Hagibis

Theo TTXVN, một tháng đã trôi qua sau trận bão mạnh Hagibis làm ít nhất 91 người thiệt mạng tại Nhật Bản, đến nay vẫn còn khoảng 2.800 người phải sống trong các trung tâm sơ tán tại 10 trong số 47 tỉnh, thành ở nước này.

Siêu bão Hagibis đổ bộ Nhật Bản tối 12/10 và gây thiệt hại nặng nề cho khu vực Tohoku ở phía Đông Bắc và khu vực Kanto-Koshin bao gồm cả thủ đô Tokyo.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản, siêu bão này đã khiến 91 người thiệt mạng và 4 người khác mất tích. Tổng cộng 11.685 nhà ở bị phá hủy và 11.906 nhà bị hư hại do bão.

Diện tích bị ngập lụt sau siêu bão Hagibis nhiều hơn so với trong đợt mưa lớn kỷ lục ở miền Tây Nhật Bản hồi năm ngoái. Ngoài ra, siêu bão này cũng gây lở đất nhiều hơn mọi trận bão trước đây. Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT), tính đến ngày 11/11 đã có 140 điểm vỡ đê tại 71 con sông trong 7 tỉnh, 298 con sông trong 16 tỉnh ở miền Đông và miền Bắc Nhật Bản có hiện tượng nước tràn bờ và ít nhất 25.000 hécta đất đai bị ngập lụt. Bên cạnh đó, MLIT cũng xác nhận 884 trường hợp thiệt hại ở 20 tỉnh là do lở đất và lở bùn. Đây là con số cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1982.

Thái Lan đẩy mạnh chiến dịch hạn chế rác thải nhựa

Trong cuộc họp chính phủ lưu động tại tỉnh miền tây Kanchanaburi, Người phát ngôn Chính phủ Narumon Pinyosinwat cho biết, Chính phủ Thái Lan cam kết đẩy mạnh chiến dịch vận động của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm chấm dứt việc sử dụng túi nhựa dùng một lần.

Theo bà Narumon, Thái Lan sẽ cấm ba loại nhựa: hạt vi nhựa, màn nhựa niêm phong và nhựa phân hủy sinh học làm từ nguyên liệu gốc dầu mỏ truyền thống được trộn phụ gia đặc biệt, vào cuối năm nay. Bốn loại nhựa khác, gồm: các túi nhựa có độ dày nhỏ hơn 36 micron, hộp đựng thực phẩm làm bằng Styrofoam, cốc nhựa sử dụng một lần và ống hút nhựa cũng sẽ bị cấm vào năm 2022.

Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng nhất trí đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường chấm dứt phát các túi nhựa sử dụng một lần cho khách hàng tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi từ năm 2020, theo Lộ trình về quản lý chất thải nhựa, giai đoạn 2018-2030. Chính quyền Thái Lan đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, gồm: Văn phòng Thủ tướng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề rác thải nhựa. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ làm việc với 43 công ty tư nhân về lệnh cấm sử dụng các sản phẩm nhựa nói trên; kêu gọi các cơ quan tham gia chiến dịch và sử dụng túi bằng giấy hoặc vải trước khi Thái Lan áp đặt lệnh cấm sử dụng túi nhựa sử dụng một lần vào năm 2021.

Ước tính mỗi năm, người dân Thái Lan dùng 45 tỷ túi nhựa sử dụng một lần, trong đó có 13,5 tỷ túi được phát từ hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi, 30% từ các cửa hàng tư nhân và phần còn lại từ những người bán dạo trên đường phố hoặc chợ dân sinh.

Thái Lan, quốc gia đứng thứ sáu trong danh sách các nước xả thải nhiều rác ra biển, đang nỗ lực giảm rác thải nhựa. Gần đây, nhiều tập đoàn bán lẻ, công ty sản xuất nhựa hàng đầu và siêu thị lớn tại Thái Lan đã đạt thỏa thuận ngừng cung cấp túi nhựa dùng một lần cho khách hàng từ đầu năm tới.

Các nước đương đầu với nạn ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí hiện đang là vấn đề khiến nhiều quốc gia châu Á phải đau đầu, điển hình trong số đó là Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.

Tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này đã đưa ra các biện pháp giảm bụi mịn khẩn cấp như: sử dụng máy bay phun mưa nhân tạo và máy bay không người lái để kiểm soát hoạt động của các công trình xây dựng trong thành phố. Số liệu thu được từ camera sẽ được gửi về cơ quan trụ sở để phân tích, sau đó đưa ra giải pháp giải quyết và xử phạt thích hợp.

Ngoài Hàn Quốc, Thái Lan cũng là quốc gia đang phải hứng chịu nạn ô nhiễm bụi mịn tồi tệ nhất thế giới. Chính phủ xứ sở chùa vàng đã sử dụng máy phun nước công suất lớn, phun thẳng vào bầu không khí để làm giảm lượng bụi mịn trong bầu khí quyển. Bên cạnh đó, họ cũng khuyến khích và phát miễn phí khẩu trang đeo khi đi đường cho người dân.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã tái áp dụng quy định giao thông theo biển số chẵn lẻ từ ngày 4/11 nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí. Quy định này được áp dụng với các phương tiện 4 bánh không tham gia kinh doanh đăng ký tại New Delhi cũng như phương tiện từ các bang khác.

Bụi siêu mịn đang trở thành một vấn đề lớn trong cuộc sống hàng ngày của người dân châu Á. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, Chính phủ các nước đã triển khai những biện pháp cấp bách giảm mức độ bụi mịn khẩn cấp nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân, gia đình phải tìm cách thay đổi cách sống và thói quen thể dục, thể thao ngoài trời cũng như hạn chế có mặt ở những nơi công cộng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...