Thứ ba, 16/04/2024 16:02 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/12/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 13/12/2019 14:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/12/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/12/2019.

Giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách thay đổi hành vi tiêu dùng

Theo báo cáo gần đây của tổ chức quốc tế bảo vệ đại dương và biển Ocean Conservancy, Việt Nam là một trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới thải nhiều bao bì nhựa ra biển nhất. Lượng rác thải nhựa do Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam thải ra biển chiếm 60% lượng rác thải nhựa trên toàn cầu.

Đóng góp vào phiên thảo luận Xây dựng hợp tác vì Mục tiêu phát triển bền vững: Rác thải, Lương thực và Các thành phố bền vững tại Hội nghị bàn tròn của châu Âu về Tiêu dùng và Sản xuất bền vững ERSCP 2019 vừa diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư, giảng viên Đại học RMIT Việt Nam đã chia sẻ hướng tiếp cận vấn đề này từ góc độ hành vi người tiêu dùng.

Tiến sĩ Thư cho biết, ước tính có tổng cộng khoảng 80 tấn rác thải nhựa thải ra mỗi ngày ở hai thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chiến dịch truyền thông xã hội nhằm nâng cao ý thức người tiêu dùng về ô nhiễm rác thải nhựa và giảm bớt tiêu dùng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Thư cho rằng, thay đổi hành vi người tiêu dùng không phải là chuyện dễ dàng.

Tiến sĩ Thư nhận định, nắm bắt đầy đủ về các yếu tố tâm lý nội tại cũng như các yếu tố xã hội bên ngoài tác động lên hành vi người tiêu dùng là điều cần thiết trước khi chúng ta có thể thúc đẩy thành công hành vi chủ động bảo vệ môi trường, chẳng hạn như mua thực phẩm có bao bì thân thiện môi trường, ngưng xả rác bừa bãi và giảm rác thải tiêu dùng.

Bà cho rằng, khuyến khích tiêu dùng bền vững phải bao hàm ý thức về các vấn đề môi trường, xây dựng cộng đồng hỗ trợ và thúc đẩy các hành động ý nghĩa.

Phần thuyết trình của Tiến sĩ Thư được các đại biểu đón nhận nồng nhiệt và tạo ra cơ hội hợp tác trong tương lai.

“Bằng cách trình bày về vấn đề nghiêm trọng trong khu vực này, tôi hy vọng thu hút được sự chú ý của các tổ chức ủng hộ môi trường để tìm hiểu sâu hơn các giải pháp có thể có, đồng thời tạo ảnh hưởng thiết thực lên Việt Nam và hơn thế nữa”, bà nói.

Trung Quốc tiếp tục báo động về tình trạng sương mù dày đặc

Tình trạng sương mù dày đặc tiếp tục xảy ra tại nhiều tỉnh thành ở miền Đông và miền Bắc Trung Quốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông và buộc giới chức địa phương phải đưa ra các cảnh báo.

Giới chức tỉnh Sơn Đông ở miền Đông Trung Quốc vừa ban hành báo động đỏ về tình trạng sương mù dày đặc. Nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khiến tầm nhìn bị giảm xuống dưới 50m. Sương mù dày đặc cùng với mặt đường trơn đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Trong khi đó, tại tỉnh Liêu Ninh, người dân đều phải mang khẩu trang khi ra đường và số lượng người gặp phải các bệnh về đường hô hấp đã tăng vọt. Nhiều hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa của các trường học đều bị tạm ngừng.

Australia truy tìm kẻ trộm nước giữa mùa hạn hán nghiêm trọng

Australia đang điều tra hành vi trộm hàng chục nghìn lít nước từ một thị trấn phía Bắc bang New South Wales, nơi đang bị hạn hán và cháy rừng hoành hành.

Cảnh sát cho biết những tên trộm lái một xe bồn chở nước và một chiếc Toyota Hilux để lấy trộm khoảng 25.000 lít nước từ một khu vực ở thị trấn thuộc bang New South Wales.

"Hành động ăn cắp nước vào một thời điểm khó khăn như hiện tại khiến phần lớn người New South Wales sốc", Chánh Thanh tra Luke Arthurs cho hay.

"Loại trộm cắp này không thể chấp nhận. Cảnh sát bang sẽ tiếp tục điều tra vụ việc và yêu cầu bất cứ ai có thông tin liên hệ với chúng tôi", ông nói thêm.

Các vụ cháy rừng quy mô lớn ở New South Wales khiến ít nhất 4 người thiệt mạng kể từ tháng 11, thiêu rụi 1 triệu ha đất nông nghiệp, phá hủy hơn 400 ngôi nhà.

Chất lượng không khí tại New South Wales những tuần qua luôn ở ngưỡng nguy hiểm. Các chỉ số báo động làm gia tăng sự giận dữ của người dân và đặt thêm áp lực lên chính phủ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Theo đại diện đơn vị cứu hỏa New South Wales, hàng nghìn nhân viên của đơn vị này vẫn đang nỗ lực khống chế các đám cháy trên toàn bang trong bối cảnh thời tiết ngày càng nóng.

Tuy nhiên sức gió lớn ở khu vực biên giới phía Nam gây trở ngại không nhỏ cho công tác dập lửa.

Ô nhiễm môi trường làm "nóng" phiên chất vấn HĐND tỉnh Thanh Hóa

Sáng 12/12, trong kỳ họp thứ XI, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII (nhiệm kỳ 2016-2021) diễn ra phiên chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh đối với Giám đốc Sở TN&MT về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm về tình trạng ô nhiễm môi trường như việc xử lý nước thải tập trung tại các KCN, CCN; việc xử lý môi trường tại cụm chế biến thủy, hải sản ven biển; việc ô nhiễm nước thô trên kênh Bắc dẫn về nhà máy xử lý nước sinh hoạt cung cấp cho TP Thanh Hóa và các vùng phụ cận.

Theo ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa báo cáo tại kỳ họp: Hiện nay, về hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu tập kết, trung chuyển tạm chất thải sinh hoạt ở các khu đô thị, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) làng nghề còn rất chậm. Đến nay, mới có 3 đô thị (TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, TX Bỉm Sơn); 1/9 KKT và KCN (KCN Lễ Môn) và 1/71 CCN (CCN Thiệu Dương) có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Cũng theo ông Quy, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được xử lý triệt để. Trong đó, Thanh Hóa có trên 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; có gần 1.000 cơ sở đang hoạt động trong các KCN, CCN và KKT Nghi Sơn; hơn 3.000 cơ sở sản xuất khác đang hoạt động trên địa bàn các huyện, ngoài các CCN, KCN.

Trong đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nhưng chậm được xử lý, chưa dứt điểm như: Hoạt động sản xuất giấy, bột giấy; hoạt động chế biến thủy, hải sản; các cơ sở sản xuất trong làng nghề; hoạt động chăn nuôi gia súc.

Bên cạnh đó, việc ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt cũng đang là vấn đề nóng ở các địa phương trên toàn tỉnh Thanh Hóa.

Trung Quốc khuyến khích tái chế lốp cao su chống ô nhiễm

Bộ Công nghiệp Trung Quốc cho biết nước này đã soạn thảo bộ quy tắc và sẽ thành lập các công ty tái chế, tái sử dụng lốp cao su nhằm giải quyết vấn nạn rác thải nghiêm trọng.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin các quy tắc về tái chế lốp cao su, nằm trong nỗ lực để giảm thiểu ô nhiễm và đảm bảo các nguồn lực được sử dụng toàn diện, vừa được công bố ngày 12/12 để công chúng tham khảo.

Trung Quốc sẽ chú trọng mở rộng ngành tái chế lốp, phát triển những công nghệ tái chế tiên tiến như cracking nhiệt (quá trình vật lý sử dụng nhiệt để phân hủy hydrocacbon), đồng thời tăng cường tái sử dụng lốp xe. Bộ quy tắc cũng khuyến khích tái chế lốp xe thành bột cao su.

Theo số liệu của Bộ Giao thông Trung Quốc tính đến cuối tháng 6/2019, có khoảng 340 triệu xe ô tô đang hoạt động trên đường phố nước này. Do đó, xử lý lốp qua sử dụng đã trở thành một vấn đề cần kíp.

Mảnh rác đầu tiên trên vũ trụ sẽ được dọn vào năm 2025

Một thiết bị robot thu thập rác có bốn cánh tay sẽ được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phóng lên vũ trụ vào năm 2025. Hàng trăm nghìn mảnh vỡ từ các vụ phóng tên lửa đang trôi nổi ngoài không gian có nguy cơ gây ra những vụ va chạm. Và đây sẽ là lần đầu tiên nhiệm vụ thu dọn mảnh vỡ không gian khỏi quỹ đạo được thực hiện.

Nhiệm vụ ClearSpace-1 được lên kế hoạch triển khai vào năm 2025, tiêu tốn 120 triệu euro và sẽ thu giữ một trong các mảnh rác. Nhưng cơ quan này hy vọng nhiệm vụ sẽ mở đường cho một hoạt động rõ ràng trên một phạm vi rộng. Cùng với đó, Tổng giám đốc điều hành của ESA kêu gọi phải có những quy tắc mới buộc những người phóng vệ tinh có trách nhiệm loại bỏ rác khỏi quỹ đạo khi chúng không còn được sử dụng.

“Hãy tưởng tượng việc di chuyển ngoài biển khơi sẽ nguy hiểm thế nào nếu tất cả các con tàu bị mất tích trong quá khứ vẫn đang trôi nổi trên mặt nước”, ông Jan Wörner, Tổng giám đốc ESA nói. “Đấy là tình hình hiện tại trên quỹ đạo, và điều này không được phép tiếp tục”.

Trong khoảng 60 năm qua, hàng nghìn tấn rác thải đã tích lũy quanh trái đất, bao gồm các mảnh tên lửa đẩy, khoảng 3.500 vệ tinh không hoạt động và ước tính có khoảng 750 nghìn mảnh vỡ nhỏ, một số từ những vụ va chạm của các mảnh vỡ lớn hơn. Các mảnh vỡ này đang lưu thông trên quỹ đạo với tốc độ khoảng 20 nghìn km/giờ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới