Thứ bảy, 20/04/2024 01:06 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/4/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 12/04/2020 07:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/4/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/4/2020.

Những dòng sông đang “chết” ở Thái Nguyên

Sông Thần Sa chảy qua Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, chảy dưới Di tích lịch sử quốc gia di chỉ khảo cổ người tiền sử Thần Sa nhiều năm nay trong tình trạng đỏ lòm bởi bùn đỏ. Đứng trên cầu tràn qua sông trên đường từ trụ sở xã Thần Sa vào thôn Khắc Kiệm, thấy dòng nước cuồn cuộn chảy cuốn theo những đụn bùn đỏ. Người dân xã Thần Sa chia sẻ, mùa khô cũng như mùa mưa, nước sông lúc nào cũng ngàu đỏ, đậm đặc bùn, không thể dùng làm nước uống cho gia súc và sinh hoạt được.

Sông Thần Sa bắt nguồn từ huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), chảy về địa phận xã Thần Sa nước còn trong xanh, đến Thần Sa thì bị nhuộn màu đỏ. Trên địa bàn xã Thần Sa, huyện Võ Nhai có một số mỏ vàng đang được cấp phép khai thác, trong đó có những mỏ vàng được cấp phép khai thác trong rừng tự nhiên, bên cạnh sông Thần Sa mà “công nghệ” khai thác, chế biến chủ yếu là nghiền, tuyển rửa. Đại diện chính quyền xã Thần Sa cho biết, chúng tôi rất khó kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với các đơn vị khai thác khoáng sản ở đây.

Năm nào các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn cũng có những đóng góp phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, như hỗ trợ làm nhà văn hóa thôn, sửa trạm y tế xã, tặng bò cho hộ nghèo, tặng quà tết... nên chính quyền xã ngại kiểm tra, có vi phạm thì gần như không thể xử lý. Các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường ở tỉnh Thái Nguyên, huyện Võ Nhai gần như năm nào cũng kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường đối với các đơn vị này. Nhưng tất cả... đều không phát hiện nguồn gây ô nhiễm dòng sông (?), còn trên thực tế sông Thần Sa bị ô nhiễm ngày càng nặng nề, vô dụng đối với sản xuất và đời sống nhân dân và đang trở thành dòng sông “chết”.

Sông Thần Sa bị ô nhiễm nặng nề bởi bùn đỏ.

Sông Chu chảy qua địa bàn xã Phục Linh, huyện Đại Từ và thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương lại đang bị nhuộm một màu đen ngòm của than. Điều mà ai cũng nhận thấy, đó là hầu hết các xưởng tuyển than tư nhân đều đặt ngay bên cạnh sông Chu mà không có bất kỳ công trình bảo vệ môi trường nào. Than ở nhiều bãi chứa tràn cả ra đường dân sinh; khi có mưa lớn, nước mặt ở các bãi than, xưởng chế biến tư nhân này chảy hết xuống sông Chu, làm cho dòng sông đang “chết”.

Nguồn thải làm cho sông Chu đen đặc ai cũng biết, cơ quan chức năng vẫn kiểm tra, nhưng nhiều năm qua tình hình vẫn không được cải thiện, nước sông Chu ngày càng đen đặc trước sự thờ ơ của các chủ xưởng chế biến than, chính quyền địa phương và các cơ quản lý Nhà nước về môi trường ở địa phương.

Một số sông, suối khác trên địa bàn tỉnh cũng đang bị ô nhiễm với nhiều mức độ khác nhau. Có dòng suối đặc sệt bởi bùn đỏ tuyển quặng, có dòng sông bị chặn để khai thác cát, có dòng kênh phục vụ nước sản xuất trở thành nơi chứa thải của nhà hàng ăn uống... Hậu quả nhãn tiền là nhiều sông, suối bị ô nhiễm làm cá của người dân bị chết mà không cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm, nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm không có tác dụng đối với sản xuất và sinh hoạt. Qua đó, người dân có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng ở địa phương.

Liên tiếp mưa đá gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người dân ở Lai Châu

Vào 19h ngày 10/4, mưa đá, gió lốc gây thiệt hại tại các xã: Ma Li Pho, Mù Sang, Bản Lang huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu.

Do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao, kết hợp với không khí lạnh tràn xuống xuất hiện mưa đá, gió lốc tại các xã của huyện Phong Thổ. Đây cũng là trận mưa đá thứ 3 trong hơn 1 tháng qua xảy ra trên địa bàn huyện, gây thiệt hại lớn về hoa màu, tài sản của người dân.

Thời gian mưa đá kéo dài khoảng 30 phút. Lượng mưa lớn, nhiều viên đá to bằng quả trứng gà rơi xuống khiến hoa màu và nhà cửa của người dân bị hư hại.

Mưa đá gây thiệt hại lớn về hoa màu tại xã Ma Li Pho. Ảnh: Hoài Thương

Mưa đá kèm gió lốc làm cây cối bị đổ gây tắc đường tại khu vực bản Nậm Cáy, xã Ma Li Pho, rất may không có thiệt hại về người.

Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền các đã xã nhanh chóng nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị khắc phục sự cố, dọn cây bị đổ, khai thông lối đi thuận lợi.

Được biết, sau khi xảy ra sự cố thiên tai, lãnh đạo huyện Phong Thổ, Sở Giao thông - Vận tải đã xuống cơ sở, kiểm tra. Hôm nay - 11/4, chính quyền các địa phương rà soát thống kê thiệt hại và lên phương án khắc phục, báo cáo chi tiết về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lốc xoáy tại Long An

Nhiều hộ dân tại Bến Lức và Kiến Tường (Long An) bị sập nhà, tốc mái trong trận mưa đầu mùa kèm theo dông và lốc xoáy. Ngành chức năng tỉnh Long An đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng, sớm ổn định cuộc sống.

Đại diện UBND huyện Bến Lức đến thăm hỏi và hỗ trợ người dân. Ảnh: Long An
Hôm 10/04/2020, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức (Long An) cùng lãnh đạo một số ngành liên quan đã đến thăm hỏi, khảo sát các trường hợp bị ảnh hưởng do lốc xoáy đi kèm trong cơn mưa đầu mùa (xảy ra vào đêm 08/04/2020) khiến nhiều căn nhà ở xã Thạnh Lợi bị sập, tốc mái. Đồng thời tại buổi thăm hỏi, đại diện UBND huyện Bến Lức cũng đã trao 20 triệu đồng để hỗ trợ cho 02 hộ dân bị sập nhà và 10 triệu đồng đối với 01 trường hợp nhà bị tốc mái.

Ông Lê Thành Út - Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức đã gửi lời thăm hỏi, động viên các hộ dân bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và chỉ đạo xã Thạnh Lợi khẩn trương bố trí lực lượng sẵn sàng giúp đỡ các hộ dân khắc phục nhanh sự cố do thiên tai gây ra trong thời gian sớm nhất.

Hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lốc xoáy tại Long An

Được biết, Liên đoàn Lao động huyện cũng đã vận động Chi hội doanh nhân trẻ của huyện ủng hộ xây dựng mái ấm công đoàn với số tiền là 40 triệu đồng cho trường hợp của một đoàn viên công đoàn đang gặp khó khăn về nhà ở.

Ngoài huyện Bến Lức thì lốc xoáy cũng làm sập và tốc mái 4 hộ dân tại thị xã Kiến Tường, trong đó có 2 hộ thuộc diện cận nghèo bị đổ sập hoàn toàn, 1 hộ bị tốc mái tôn và hộ còn lại sập gian nhà bếp.

Ngay trong sáng 9/4/2020 cơ quan chức năng của Thị xã Kiến Tường phối hợp UBND xã Tuyên Thạnh đã đến các hộ thăm hỏi và thống kê thiệt hại để trình UBND thị xã có mức hỗ trợ cho từng trường hợp. Đồng thời cũng động viên các gia đình bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống.

Rừng Amazon tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng

Ngày 10/4, Chính phủ Brazil công bố thông tin cho biết nạn phá rừng Amazon tại nước này tiếp tục gia tăng trong tháng 3 vừa qua, chủ yếu do những đối tượng khai thác gỗ bất hợp pháp và đầu cơ đất đã lợi dụng bối cảnh của dịch bệnh COVID-19 để hoành hành tại khu rừng nhiệt đới này.

Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn nguồn Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) cho biết diện tích rừng Amazon bị phá hủy tại Brazil trong tháng 3 tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 tháng đầu năm, tổng diện tích rừng Amazon bị chặt phá là 796 km2, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích này được ước tính ngang bằng với quy mô thành phố New York, Mỹ.

Khoảng rừng Amazon bị chặt phá tại Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà nghiên cứu chuyên về khu vực Amazon thuộc trường Đại học Sao Paulo, ông Carlos Nobre cho biết dịch COVID-19 đã làm tê liệt hầu hết các hoạt động của nền kinh tế Brazil, song lại không chặn được các hoạt động tàn phá môi trường. Trước đó, Viện Môi trường và Tài nguyên tái tạo Brazil (IBAMA) tháng 3 vừa qua thông báo để đề phòng sự bùng phát của dịch bệnh sẽ giảm số nhân viên kiểm lâm tới vùng rừng Amazon đối phó với tội phạm môi trường như khai thác gỗ trái phép.

Trong khi đó, nhà nghiên Carlos Souza của tổ chức phi chính phủ Imazon cảnh báo việc giảm bớt các hoạt động kiểm soát và bảo vệ rừng, bên cạnh nguy cơ suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19, sẽ là các yếu tố làm gia tăng các hoạt động tàn phá rừng bất hợp pháp.

Rừng Amazon có diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ khả năng hấp thu lượng lớn khí thải CO2. Tuy nhiên, nạn chặt phá rừng liên tục gia tăng, cùng với thảm họa cháy rừng năm 2019 đã gióng lên hồi chuông báo động về tình hình cấp bách bảo vệ khu rừng này.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...