Thứ bảy, 20/04/2024 13:11 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/7/2019

MTĐT -  Thứ năm, 11/07/2019 10:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 11/7/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 11/7/2019.

Xử lý dứt điểm hơn 100 lồng bè án ngữ ở biển Bình Sơn

Mùa hè, người dân và du khách từ các nơi đổ về biển Bình Sơn, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) tắm biển khá đông. Tuy nhiên, hơn 100 lồng bè nuôi thủy sản đang án ngữ trước bãi tắm Bình Sơn làm mất mỹ quan, nguy cơ ô nhiễm từ các chất xả thải của lồng nuôi ra môi trường biển.

Chị Nguyễn Thị Khánh Trang, đến từ tỉnh Lâm Đồng, cho hay bãi biển Bình Sơn khá đẹp, nhưng chị không khỏi lo lắng khi thấy hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản đang bao vây khu vực tắm. Các lồng bè này với lượng thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi tôm, cá, cùng rác và chất thải sinh hoạt của lao động trên bè xả xuống biển, theo sóng đánh xô vào bờ, có thể gây bệnh ngoài da khi tắm.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, năm 2013, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản ở vịnh Phan Rang, với 3 tiểu vùng là C1, C2, C3 có tổng diện tích mặt nước 760 ha. Trong đó, vùng C1, C2 (thuộc huyện Ninh Hải) là vùng biển hở nên vào mùa gió Tây - Nam thổi mạnh (tháng 4 đến tháng 8) các lồng bè thường di chuyển về tránh trú tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ.

Nhiều ngư dân cho hay, vùng C1, C2 chỉ phù hợp nuôi hải sản vào mùa Bấc, còn mùa Nam gặp khó khăn vì đa phần các lồng bè đóng bằng gỗ gắn thùng phuy, nên khả năng chịu lực tác động từ sóng biển không cao, mỗi khi gặp sóng lớn rất dễ bị hư hỏng... phải di chuyển lồng bè, dù công việc này tốn nhiều thời gian, công sức, ảnh hưởng tới quá trình nuôi.

Do lo ngại nguồn nước biển bị ô nhiễm từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã vận động, cưỡng chế các bè nuôi thủy sản tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ, buộc di dời về vùng C1, C2 theo quy hoạch.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát các lồng bè di chuyển không được địa phương, đơn vị thực hiện thường xuyên, một phần để ổn định sinh kế cho ngư dân nên vào mùa gió Tây - Nam hằng năm, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tiếp tục di chuyển về khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ để tránh trú vì có điều kiện mặt nước yên tĩnh. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch biển, không gian bãi tắm khu vực biển Bình Sơn.

Bão lớn hoành hành tại Hy Lạp, ít nhất 5 du khách nước ngoài thiệt mạng

Ít nhất 5 du khách nước ngoài đã thiệt mạng khi các cơn bão lớn đồng loạt ập tới khu vực miền Bắc Hy Lạp từ tối 10/7.

Theo thông tin mới nhất do cảnh sát cung cấp, các nạn nhân được xác định gồm 1 cặp vợ chồng người Séc, 2 cha con người Nga và 1 phụ nữ Romania. Do ảnh hưởng của bão, gió lớn đã cuốn bay nhiều phương tiện đi lại trên đường phố, khiến cây cối bật gốc, cửa kính của 1 tòa nhà vỡ tung. Đây cũng là những nguyên nhân khiến các nạn nhân tử vong.

Theo kênh truyên hình địa phương, số nạn nhân của cơn bão này có thể còn tăng. Hiện bão đang hoành hành tại khu vực  Khalkidiki, gần thành phố Thessaloniki - thành phố lớn thứ hai của Hy Lạp. Tới sáng 11/7, bão tiếp tục gây mưa lớn trong khu vực.

Phường 'mong' thành phố cử đoàn xuống kiểm tra ô nhiễm nguồn nước từ nhà máy rác

Chủ tịch UBND P.Tân Xuyên, TP.Cà Mau ký báo cáo về việc Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau gây ô nhiễm nguồn nước, người dân gặp khó trong nuôi trồng thủy sản. 

Ngày 10/7, ông Đinh Văn Lĩnh, Chủ tịch UBND P.Tân Xuyên, TP.Cà Mau (Cà Mau) ký báo cáo về việc Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau nằm trên địa bàn phường này gây ô nhiễm nguồn nước.

Theo báo cáo, trong các đợt mưa lớn vừa qua, lượng nước từ nhà máy rác thấm và tràn xuống các tuyến kênh. Và qua kiểm tra thực tế, các tuyến kênh trên địa bàn xung quanh khu vực Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau bằng trực quan thì có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước như kênh: Thống Nhất, Thầy Phó, Mộ Ông.

Nguồn nước nhiều đoạn trên các tuyến kênh trên có màu đen, có mùi hôi, có đoạn có màu nâu đỏ. Đặc biệt, nguồn nước những tuyến kênh này không đảm bảo cho việc nuôi trồng thủy sản.

Do Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau có nguy cơ gây ô nhiễm các tuyến kênh của phường nên UBND P.Tân Xuyên mong các ngành chức năng của TP.Cà Mau cử đoàn cùng địa phương kiểm tra, xử lý tình hình ô nhiễm để giúp người dân nuôi tôm trong khu vực an tâm sản xuất.

Thu thuế môi trường đối với các chuyến bay cất cánh từ Pháp

Pháp vừa quyết định sẽ thu thuế môi trường đối với toàn bộ chuyến bay cất cánh từ nước này, quyết định dự kiến được áp dụng từ năm 2020.

Cụ thể, mức thuế là 1,5 Euro (gần 40.000 đồng) đối với mỗi vé máy bay hạng phổ thông trên các chuyến bay nội địa và trong khu vực châu Âu. Còn vé hạng thương gia trên các chuyến bay ra khỏi EU sẽ đóng thuế lên tới 18 Euro (gần 500.000 đồng).

Pháp và Hà Lan là hai quốc gia đang tích cực thúc giục các nước thành viên Liên minh châu Âu áp thuế đối với những chuyến bay nhằm khuyến khích hành khách chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông khác ít gây ô nhiễm môi trường hơn.

Trung Quốc: Giảm ô nhiễm không khí, tăng sản lượng quang điện

Theo kết quả của các nhà nghiên cứu khí hậu quốc tế, việc Trung Quốc nỗ lực giảm ô nhiễm không khí có thể tăng khả năng sản xuất quang điện lên tới 13%.

Nghiên cứu cho thấy khả năng sản xuất quang điện của Trung Quốc đã giảm trung bình 15% trong giai đoạn 1960 - 2015. Nguyên nhân là do ô nhiễm không khí. Vì thế, nếu có thể quay trở lại mức độ bức xạ mặt trời cao của những năm 1960, khả năng sản xuất điện mặt trời có thể tăng 12 - 13%.

Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện một loạt các biện pháp mạnh để giảm ô nhiễm môi trường. Kết quả là cuối năm qua, năng lượng mặt trời sản xuất đã chiếm 2,5% tổng lượng điện của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Những kỹ thuật mới đã giúp nguồn điện sạch này ngày càng rẻ. Nhờ vậy, Chính phủ Trung Quốc đã giảm đáng kể khoản trợ cấp cho các nhà sản xuất điện mặt trời từ 1 Nhân dân tệ/KWh cách đây 8 năm hiện xuống còn chỉ 0,3 Nhân dân tệ, khoảng hơn 1.000 đồng KWh. Và tiến tới đến năm 2021 Trung Quốc sẽ không còn trợ cấp nữa.

Từ những giải pháp đồng bộ và quyết liệt về cắt giảm sử dụng than, xăng dầu, tăng sử dụng các nguồn năng lượng sạch mà ô nhiễm không khí hạt bụi PM2.5 ở 74 thành phố ở Trung Quốc trong 5 năm gần đây đã giảm đến 42%.

Các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo và phóng một trạm năng lượng nhỏ vào khí quyển trái đất trong vài năm tới với tham vọng sẽ tạo bước ngoặc đáng kể trong sản xuất năng lượng mặt trời.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ