Thứ sáu, 29/03/2024 12:47 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/3/2020

MTĐT -  Thứ tư, 11/03/2020 06:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/3/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/3/2020.

Brazil trải qua mùa mưa tồi tệ nhất lịch sử, thêm 40 người thiệt mạng

Số người thiệt mạng trong đợt mưa lũ tháng 3 ở Brazil đã lên tới 40 người.

Trong khi đó, khoảng 40 người khác vẫn đang bị mất tích. Hiện tại, các dự báo về thời tiết cho thấy, những cơn mưa có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác cứu hộ. Trước tình hình này, Thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, tới nay các lực lượng cứu hộ Brazil mới phân phối được hơn 30 tấn hàng viện trợ tới các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm: thực phẩm, quần áo, đồ vệ sinh và nước uống.

Trước đó, những trận mưa lớn hồi tháng 1/2020 tại quốc gia này đã cướp đi sinh mạng của hơn 60 người.

Đỉnh triều sẽ xuất hiện ở TP.HCM trong 2 ngày tới

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh trong hai ngày qua và ở mức xấp xỉ báo động II (BĐII).

Đến 7 giờ ngày 10/3, mực nước đỉnh triều cao nhất ngày tại các trạm như sau: Tại trạm Phú An, mực nước cao nhất là đạt 1,38 m, xấp xỉ BĐII; tại trạm Thủ Dầu Một mực nước cao 1,42 m, cao hơn BĐIII 0,11 m.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cũng cảnh báo với người dân mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực TP.HCM ở cấp độ 3.

Cụ thể, mực nước đỉnh triều tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ tiếp tục lên nhanh trong 2-3 ngày tới. Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 11 đến 12-3 (tức ngày 18, 19-2 âm lịch).

Tại trạm Phú An và Nhà Bè đạt mức cao trên BĐIII 0,05-0,10 m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều cao trong ngày từ 5 giờ đến 7 giờ và 18 giờ đến 19 giờ. Ngoài ra, đỉnh triều cao trên BĐII còn duy trì hết ngày 13-3, sau đó mực nước xuống nhanh theo triều.

Quảng Ngãi: Xả rác bừa bãi ở huyện nông thôn mới

Nghĩa Hành là huyện nông thôn mới đầu tiên và duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Thế nhưng, rác ở ngay trung tâm huyện ngày càng ùn ứ gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Theo báo Dân sinh, nhiều người gọi tuyến đường 23/3 (thị trấn Chợ Chùa) là "con đường rác".

Nguyên nhân là bởi một đoạn dài khoảng 100m của tuyến đường này rác thải bừa bãi, tung tóe mặt đường.

Đường 23/3 nằm ở trung tâm huyện Nghĩa Hành, bên cạnh nhiều cơ quan, khu dân cư nhưng ô nhiễm rất nghiêm trọng. Rác thải sinh hoạt, xác động vật... ùn ứ suốt nhiều tháng bốc mùi hôi thối.

Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Chùa cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, cho đến nay, rác thải vẫn chưa được xử lý mà chỉ được tấp vào 2 bên vệ đường, vẫn bốc mùi hôi thối.

Châu Âu thúc đẩy thỏa thuận nhằm kiểm soát rác thải nhựa trong khu vực

Hà Lan, Pháp, Đan Mạch cùng chính phủ của 16 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và 66 tổ chức (doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ) đã phát động một “Thỏa thuận châu Âu về nhựa."

Thỏa thuận này nhằm kiểm soát việc sử dụng nhựa thông qua một nền kinh tế tuần hoàn, bằng cách giảm thiểu rác thải nhựa và sử dụng nhựa trong sản xuất, cũng như bằng việc tái chế và tái sử dụng nhiều hơn vật liệu này.

Bộ trưởng Môi trường Đan Mạch Lea Wermelin cho rằng “Thỏa thuận châu Âu về nhựa” là một cơ hội duy nhất để các chính phủ và các doanh nghiệp làm việc cùng nhau để có một tương lai “xanh” hơn.

Cụ thể, từ nay tới năm 2025, các thành viên của liên minh công-tư này cam kết tất cả các bao bì nhựa và sản phẩm bằng nhựa sử dụng một lần được đưa ra thị trường theo hướng được tái sử dụng hoặc được tái chế; giảm ít nhất 20% (về khối lượng) sản phẩm và bao bì bằng nhựa; tăng sử dụng nhựa tái chế trong các sản phẩm và bao bì mới.

Theo Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề về sinh thái của Pháp, Brune Poirson, đây là một thỏa thuận tham vọng nhằm tạo ra phong trào hưởng ứng sáng kiến về “Thỏa thuận châu Âu về nhựa” nêu trên.

Bộ trưởng Môi trường và Nhà ở Hà Lan Stientje van Veldhoven tuyên bố rằng nếu muốn đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu, các nước cần phải bắt đầu xử lý nhựa như là một nguyên liệu quý và đảm bảo nó không làm ô nhiễm các đại dương.

Phó Chủ tịch phụ trách về Thỏa thuận Xanh châu Âu, ông Frans Timmermans đã tái khẳng định tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được mục tiêu không khí thải mà EU đã đặt ra từ nay tới năm 2050.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới