Thứ sáu, 19/04/2024 23:26 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/2/2020

MTĐT -  Thứ ba, 11/02/2020 15:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/2/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/2/2020.

Sương muối gây thiệt hại gần 50 tỷ đồng tại Lâm Đồng

Những ngày đầu tháng 2 này, khi nhiệt độ xuống thấp, tại một số xã của huyện Lạc Dương đã xuất hiện sương muối gây ảnh hưởng trực tiếp đến cây cà phê và một số hoa màu.

Cụ thể, tại các xã Đa Nhim, Đạ Chais, Đạ Sar (huyện Lạc Dương) có 468ha cây trồng gồm cà phê, rau màu, cây ăn quả của hơn 800 hộ dân bị cháy lá, khô cành, ước thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, trên sở sở đánh giá mức độ thiệt hại của cà phê, Sở sẽ bố trí kinh phí từ chương trình chuyển đổi giống cây trồng, chương trình tái canh cải tạo giống cà phê năm 2020 để hỗ trợ các hộ dân khôi phục vườn cây.

Bên cạnh đó, Sở hỗ trợ huyện Lạc Dương lắp đặt một số trạm cảm biến nhiệt độ, ẩm độ để có cảnh báo sớm về tình hình diễn biến thời tiết, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc cây trồng, giảm nhẹ thiệt hại.

“Đối với những vườn cà phê bị ảnh hưởng nhẹ, chúng tôi hướng dẫn bà con tỉa cành để hạn chế thiệt hại. Những vườn bị thiệt hại trên 75% không thể khôi phục thì cưa đốn để trồng mới. Về lâu dài, Sở sẽ sờ soát lại những diện tích cà phê bị sương muối đề nghị bà con chuyển sang trồng những loại cây trồng khác”, ông Châu cho hay.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình chống hạn mặn

Việc đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi trọng điểm là tiền đề quan trọng để ĐBSCL vượt qua mùa hạn mặn năm nay với thiệt hại thấp nhất.

Theo đánh giá, mùa mặn năm nay sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lượng với dự báo có thể phá kỷ lục mùa mặn lịch sử cách đây 4 năm. Biểu hiện là xâm nhập mặn đã xảy ra ở mức cao bất thường, sớm hơn năm 2015-2016 gần 1 tháng, sớm hơn trung bình nhiều năm tới 2.5 - 3.5 tháng. Ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông Cửu Long vào sâu đến gần 60 km.

Theo các chuyên gia thời tiết, mặn đến sớm, xâm nhập sâu là hệ quả của một mùa lũ thấp, mực nước đầu nguồn sông Mekong cạn kỷ lục. Biển hồ ở Campuchia với vai trò điều tiết 70 - 80% lượng nước về sông Cửu Long, thiếu hụt tới gần 22 tỷ mét khối nước so với thông thường.

Dự báo từ nay đến tháng 3, mực nước tại Biển Hồ tiếp tục ở mức thấp, không bổ sung được nhiều cho đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là thời kỳ hạn mặn diễn ra gay gắt nhất. Trên sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn, đỉnh mặn sẽ xuất hiện vào tháng 3. Còn trên sông Cửu Long sẽ tập trung trong tháng 2.

Trước mắt, các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, từ ngày 11/2 đến 15/2, theo triều cường, mặn sẽ xâm nhập rất sâu vào nội đồng. Ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Vàm Cỏ từ 100-110 km, đối với sông Cửu Long, mức sâu nhất sẽ khoảng 75 km. Đều vượt cùng kỳ năm lịch sử 2016 từ 4 - 15 km.

Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn lịch sử 2016, ngay từ tháng 9/2019, khi còn đang trong thời điểm đỉnh lũ, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp quan trọng xác định năm 2020 hạn mặn sẽ căng thẳng ở ĐBSCL nên cần đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn xâm mặn tác động đến đời sống và sản xuất của nông dân. Bộ NN&PTNT cùng chính quyền các địa phương đã có những chỉ đạo rất sát sao để từng bước thay đổi tư duy của người dân từ chỗ phòng chống sang thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bão Ciara gây mưa lớn, ngập lụt tại nhiều quốc gia châu Âu

Với sức gió có thời điểm lên tới gần 150km/h, cơn bão Ciara (Sabine) đang gây ra mưa lớn, ngập lụt và gián đoạn giao thông tại hàng loạt các quốc gia châu Âu.

Truyền thông Anh cho rằng, sức mạnh của cơn bão lần này có thể khiến nó được liệt vào nhóm những cơn bão mạnh nhất trong thế kỷ quét qua nước này.

Nước ngập quá bánh xe ô tô, nước ngập tràn vào nhà cửa. Bão Ciara quét qua nước Anh với sức gió 140 km/h, có thời điểm lên tới gần 150 km/h. Cây cối bị bật góc, nhiều cột điện bị đổ. Hàng chục nghìn người dân sống trong cảnh không có điện. Hàng nghìn hành khách bị mắt kẹt tại các nhà ga vì chuyến tàu bị hủy.

Cơ quan Môi trường Anh cảnh báo nước, mưa lớn có thể khiến nước sông dâng cao hơn 5m, đe dọa hệ thống đê bao ở các khu vực miền Trung, đe dọa tới tính mạng người dân. Tuy nhiên may mắn là cảnh bảo này đã được rút lại sau đó.

Sau khi quét qua Anh, sáng nay (10/2), cơn bão đã đổ bộ vào Đức, gây đổ cây và rối loạn giao thông nhiều vùng. Ít nhất 300 chuyến bay tại Đức đã bị hủy, chuyển hướng hoặc chậm chuyến.

Trong khi đó, công ty đường sắt ở nước Đức cũng đã thông báo hủy tất cả các chuyến tàu liên tỉnh và đường dài trên cả nước.

Cơn bão đang tiến về phía Nam nước Đức và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nhiều nước châu Âu khác như: Hà Lan, Pháp, Bỉ, Đan Mạch và Na Uy.

Cà Mau: Gần 42.000 héc-ta rừng tràm có nguy cơ cháy cao

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có gần 42.000 héc-ta rừng tràm và rừng tại các cụm đảo đang trong tình trạng chịu ảnh hưởng gay gắt bởi nắng hạn, nguy cơ cháy rừng là rất cao.

Theo đó, trong số gần 42.000 héc-ta rừng chịu ảnh hưởng của nắng hạn, thì có hơn 2.600 héc-ta diện tích rừng được dự báo cháy ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), gần 13.200 héc-ta được dự báo cháy ở cấp IV (cấp nguy hiểm) và có hơn 25.000 héc-ta dự báo cháy cấp II và cấp III. Trong đó, tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã Khánh An, Khánh Lâm, Nguyễn Phích và Khánh Thuận của H.U Minh.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã đề nghị các đơn vị, cá nhân và các chủ rừng trên địa bàn tỉnh này tăng cường lực lượng, phương tiện ứng trực kịp thời tại những nơi có nguy cơ cháy cao để chủ động, ngăn ngừa và kiểm soát kịp thời khi có cháy xảy ra.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thời điểm này không sử dụng lửa khi vào rừng, không đốt đồng, hầm than trong khu vực dễ cháy. Các chủ rừng thường xuyên kiểm tra độ ẩm dưới chân rừng để đưa ra cấp dự báo cháy rừng phù hợp nhằm chủ động ứng phó, thường xuyên cắt cử lực lượng quan sát trên các chòi canh lửa và thực hiện tốt chế độ ứng trực theo quy định.

Nhiên liệu hóa thạch đe dọa sự phát triển bền vững của Indonesia

Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - đang bước vào giai đoạn thay đổi cơ cấu dân số. Trong vòng 10 năm tới, gần một nửa dân số Indonesia sẽ gia nhập thị trường lao động. Vào năm 2030, chỉ 3 trong số 10 người Indonesia là không làm việc. Tỷ lệ nghèo đói đang giảm, trong khi hàng triệu người di chuyển ra thành phố sinh sống mỗi năm.

Kịch bản này không phải chỉ xảy ra ở riêng Indonesia, mà còn ở nhiều nước khác ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong khi các nước láng giềng dành nhiều công sức để phát triển các giải pháp xanh, Indonesia lại chậm chạp trong việc này.

Tiềm năng phát triển của Indonesia đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ chiếm phần lớn nhu cầu năng lượng tại khu vực, giống như Trung Quốc hay Ấn Độ. Trong vòng 10 năm tới, nhu cầu sử dụng điện của Indonesia dự báo sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại và gấp 3 so với năm 2010.

Tháng 3 năm nay, chính phủ Indonesia dự kiến sẽ ban hành quy định mới nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Vì vậy, ông Fabby Tumiwa – Giám đốc Viện Cải cách Dịch vụ thiết yếu ở Jakarta cho rằng, 2020 là “năm quyết định” đối với ngành năng lượng sạch của Indonesia. Sự tụt hậu của Indonesia so với các quốc gia láng giềng đã khiến Jakarta gặp khó khăn hơn trong việc đạt mục tiêu sử dụng 23% năng lượng tái tạo vào năm 2025.

“Nếu muốn đạt mục tiêu nói trên, thì từ năm 2020, 80% nguồn năng lượng mới phải là năng lượng tái tạo”, ông Tumiwa nói. Hiện tại, chưa đến 10% năng lượng của Indonesia là năng lượng tái tạo.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...