Thứ bảy, 20/04/2024 18:58 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/12/2019

MTĐT -  Thứ tư, 11/12/2019 13:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/12/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/12/2019.

Lào Cai: Hơn 2 vạn gia súc có nguy cơ bị đói, rét do thời tiết lạnh

Chỉ có khoảng 3/4 số hộ chăn nuôi ở Lào Cai chuẩn bị chuồng trại kiên cố cho gia súc, còn lại là chuồng tạm hoặc không có chuồng trại phải thả rông.

Tỉnh Lào Cai vừa đưa ra các phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020.

Tỉnh yêu cầu các địa phương: tiếp tục vận động người dân thu gom triệt để rơm, rạ, cỏ; tận dụng tối đa các thân ngô, mía, lạc dùng làm thức ăn dự trữ cho gia súc.Các đàn gia súc chăn thả trong rừng phải di dời về chuồng kín gió tránh rét; tiêm phòng đầy đủ.

Hiện, chỉ có khoảng 3/4 số hộ chăn nuôi ở Lào Cai chuẩn bị chuồng trại kiên cố. Nếu rét đậm, rét hại kéo dài, sẽ có khoảng 18.000 gia súc ở đây Không có thức ăn và khoảng 8.000 gia súc không có chuồng trại; nguy cơ chết đói, chết rét.

Chuyển hóa đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là các đô thị lớn đã và đang phải đối diện với các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, như nhiệt độ tăng, ngập nước, ô nhiễm không khí, nguồn nước, chất thải công nghiệp. Đó là cảnh báo được đưa ra tại Hội thảo “Chuyển hóa đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu” do Trung tâm Phát triển vùng và đô thị (CRUS) phối hợp cùng ĐH Văn Lang TPHCM tổ chức vào ngày 10/12.

Phát biểu tại đây, TS Michael Waibel- chuyên gia quy hoạch đô thị ĐH Hamburg (Đức) cho rằng, những nhà hoạch định đô thị nên tập trung vào sự thích nghi của đô thị, chẳng hạn ở những lĩnh vực trọng điểm, các nhóm mục tiêu quan trọng cần ưu tiên biện pháp giảm nhẹ, đánh giá mối liên quan giữa việc thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trong nhà ở. TS Michael Waibel cũng đặt vấn đề về những người dân đô thị mới nên đóng một vai trò then chốt trong các chính sách quy hoạch đô thị có xem xét đến các yếu tố của biến đổi khí hậu.

Nghêu nuôi chết hàng loạt ở Thanh Hóa

Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa vừa cho biết, đang lấy mẫu bệnh phẩm, nước để làm rõ nguyên nhân nghêu nuôi chết hàng loạt tại xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương).

Hiện tượng nghêu chết bắt đầu xuất hiện từ ngày 27-11, đến nay đã có 30 hộ dân bị thiệt hại nặng. Qua kiểm tra tại hiện trường cho thấy, diện tích nghêu chết với tỷ lệ 40% - 50% là 53,3ha, tỷ lệ nghêu chết trên 90% là 8,7ha.

Hiện Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đang hướng dẫn các hộ nuôi thu gom, xử lý nghêu chết bằng cách khử trùng, chôn lấp cách xa khu vực nuôi, tránh gây nhiễm sang các vùng nuôi khác; cải tạo, làm sạch bãi nghêu trước khi nuôi mới.

Đề nghị đóng cửa trại heo xả thải ra đầu nguồn nhà máy nước

Ngày 10/12, tin từ UBND thị xã La Gi (Bình Thuận) cho biết ông Phạm Trọng Nhân, Chủ tịch UBND thị xã đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị chấm dứt hoạt động trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Huỳnh Gia Phúc.

Theo văn bản, trang trại nuôi heo của Công ty Huỳnh Gia Phúc tại xã Tân Phước, thị xã La Gi có quy mô chăn nuôi 12.000 con heo hậu bị trên diện tích hơn 10 ha. Tháng 9-2018, UBND thị xã đã phạt hành chính trang trại này 45 triệu đồng về hành vi không thực hiện một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đến tháng 11/2018, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục xử phạt trang trại này 300 triệu đồng về hành vi không có giấy chứng nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án mở rộng trang trại nuôi heo hậu bị từ 10.000 con lên 12.000 con.

Tiếp đó, tháng 7/2019, UBND thị xã La Gi một lần nữa ra quyết định xử phạt trang trại này 35 triệu đồng về hành vi không thực hiện một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau đó, trang trại này đã chấp hành nộp phạt và khắc phục hậu quả.

Thế nhưng các cơ quan chức năng liên tục nhận được phản ảnh hiện tượng suối Đó (La Gi) nước có màu nâu đen, hôi thối.

Trưa 4/12, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC05, Công an tỉnh Bình Thuận) đã phối hợp với Sở TN&MT và UBND thị xã La Gi bất ngờ kiểm tra bắt quả tang trang trại này  lén đặt ống loại lớn xả thải ra môi trường.

Tại đây lực lượng chức năng phát hiện công ty này dùng máy bơm công suất lớn bơm nước thải từ hồ điều hòa của trang trại (chưa qua hệ thống xử lý nước thải) ra vườn bạch đàn thông qua một đường ống dài khoảng 1 km, đường kính 60 mm, xuyên qua tường rào.

Xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng với Viện Nghiên cứu và Phát triển của Pháp (IRD) tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn Quốc gia về xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa và Xây dựng hành động”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Xây dựng Mạng lưới theo dõi nhựa và sự xuất hiện của nhựa trong xã hội và môi trường" (COMPOSE) và dự án "Rác thải nhựa và Cộng đồng ven biển" (MARPLASTICCs).

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Jake Brunner, quyền Trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam, khẳng định: Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đã được phê duyệt là một bước tiến quan trọng của Việt Nam. Tuy vậy, còn rất nhiều thách thức ở phía trước bởi ô nhiễm rác thải nhựa là thách thức liên quan đến sản xuất, tiêu dùng và quản lý rác thải cần phải được giải quyết tận gốc.

Hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ các bên liên quan của dự án MARPLASTICCs hiểu rõ phương pháp xác định điểm nóng nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa; cung cấp cơ hội cho nhóm dự án và các bên liên quan tìm ra những điểm còn thiếu, nguồn thông tin cần bổ sung trong quá trình xác định điểm nỏng và xây dựng chiến lược giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Theo ông Alexis Progonl, Trưởng đại diện IRD Việt Nam, dự án COMPOSE hướng tới việc xây dựng một mạng lưới theo dõi sự dịch chuyển về mặt xã hội và môi trường của chất nhựa tại Việt Nam. Từ đó giúp cơ quan chức năng hiểu được sự vận động của chất nhựa cũng như thiết kế các chính sách công giảm thiểu phát thải nhựa phù hợp.

Mỹ xếp cuối cùng trong bảng xếp hạng Chỉ số hành động biến đổi khí hậu

Một bản đánh giá về những nỗ lực của các nước nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã được công bố tại trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha ngày 10/12.

Theo đó, Mỹ là nước xếp sau cùng trong bảng xếp hạng Chỉ số hành động biến đổi khí hậu (CCPI). Đây là chỉ số đánh giá lượng khí thải, sự chú trọng năng lượng tái sinh và các chính sách khí hậu của 57 quốc gia Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài Mỹ, đứng áp chót trong danh sách này còn có Saudi Arabia và Australia. Nguyên nhân được chỉ rõ là do hoạt động sử dụng nguồn nhiên liệu than đá ở các nước này. Cùng với đó, bản đánh giá khẳng định không có bất cứ quốc gia nào tham gia khảo sát đang thực hiện các chính sách phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris đề ra.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã đặt mục tiêu kiềm chế mức tăng của nhiệt độ Trái Đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận mang tính toàn cầu về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính này.

Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia xả thải lớn nhất thế giới, có hành động chống biến đổi khí hậu ở mức trung bình nhờ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái sinh. Tuy nhiên, chỉ số CCPI của Bắc Kinh có thể rơi xuống "đáy" nếu nước này tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy điện than.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất