Thứ bảy, 20/04/2024 03:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/5/2019

MTĐT -  Thứ năm, 09/05/2019 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/5/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/5/2019.

Kênh Dài ô nhiễm... kéo dài

Theo báo Hà Nội mới thông tin, nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở các thôn Giao Tất A, Giao Tất B và tổ dân phố đường 181, xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) phải sống chung với ô nhiễm môi trường do tuyến kênh Dài (còn gọi là kênh Bắc Hưng Hải) gây nên. Người dân nơi đây đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.

Kênh dài do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Đuống quản lý, bắt nguồn từ Trạm bơm Bắc Hưng Hải, chảy qua địa phận huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên); các xã Dương Quang, Kim Sơn và Lệ Chi (huyện Gia Lâm), sau đó chảy vào địa phận huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh).

Song, đoạn kênh chảy qua xã Kim Sơn dài khoảng 3km ô nhiễm nặng nhất. Từ nhiều năm nay, nước tại kênh này luôn có màu đen kịt; rác thải, xác động vật ngập ngụa, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Rác thải chỉ giảm sau khi được đơn vị quản lý kênh vớt đi, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại ngập đầy kênh.

Theo phản ánh của người dân Khu tập thể Thủy Lợi, tổ dân phố đường 181 xã Kim Sơn, tình trạng ô nhiễm tại tuyến kênh Dài đã diễn ra khoảng 10 năm nay.

Từ năm 2017 đến nay, UBND huyện Gia Lâm đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Như Quỳnh xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh Dài; đồng thời, đề nghị đơn vị quản lý kênh tăng cường biện pháp quản lý, không để các tổ chức, cá nhân xả rác, nước thải ô nhiễm vào kênh… Tuy nhiên, đến nay, tình trạng ô nhiễm tại kênh Dài vẫn chưa được khắc phục.

Để bảo đảm môi trường sống trong lành và tránh ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp của người dân xã Kim Sơn, rất mong các cơ quan hữu quan tăng cường kiểm tra, phối hợp chặt chẽ và sớm có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng nêu trên.

Quảng Nam: Cá chết hàng loạt trên sông Bàn Thạch

Theo thông tin trên báo Tiền phong, ngày 8/5, trên sông Bàn Thạch (đoạn chảy qua xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ), nhiều xác cá rô phi, cá chép nổi trên mặt nước. Một số xác cá chết tấp vào bờ bốc mùi hôi thúi.

Người dân địa phương cho hay, tình trạng cá chết xuất hiện 3 ngày gần đây. “Cá chết hàng loạt không rõ là do nước sông ô nhiễm hay nhiễm mặn. Thời tiết nắng nóng cộng với mùi cá chết bốc lên rất khó chịu. Hy vọng cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ”- ông Trần Xuân Bàn (trú thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng) chia sẻ.

Ông Châu Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết: Sau khi nhận thông tin cá chết sông Bàn Thạch, chính quyền xã Tam Thăng đã cử cán bộ ban kinh tế xã phối hợp với phòng Kinh tế TP Tam Kỳ kiểm tra.

Qua kiểm tra xác định nguyên nhân cá chết là do nước sông bị mặn xâm nhập. Cụ thể, sáng 7/5, nước sông Bàn Thạch bị mặn xâm nhập với nồng độ mặn rất cao là 5/1000. Với độ mặn như vậy, cá không chịu nổi. Địa phương sẽ triển khai giải pháp khắc phục môi trường, vớt cá tiêu hủy tránh gây ô nhiễm.

Philippines ra hạn chót cho Canada đem rác về nước

Quốc gia Bắc Mỹ cho biết họ sẽ trả chi phí đem rác thải hồi hương, nhưng “Chính phủ Canada đang làm chậm lại quá trình”, Bộ Tài chính Philippines đưa ra tuyên bố mới nhất liên quan đến sự việc vào hôm 5/5.

Theo hãng tin AFP, Philippines đã đưa ra hạn chót 15/5 để Canada mang về 69 container rác “gửi nhầm” sang quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, Chính phủ Canada “thông báo sẽ phải mất vài tuần mới chuẩn bị được tài liệu nhập lại container rác thải”, ám chỉ có thể họ không thể thực hiện theo đúng hạn chót Philippines đề ra.

Các nhà hoạt động môi trường Philippines mặc trang phục mô phỏng thùng container đựng rác của Canada biểu tình. Ảnh: AP.

Trước đó, Trợ lý Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Canada Donald Bobiash đã gửi một bức thư từ ngày 24/4 xác nhận quốc gia này sẽ trả toàn bộ chi phí và “sắp xếp quá trình đem rác thải về”.

Từ năm 2013 đến 2014, Canada đã chuyển hơn 100 container rác thải gia đình, bao gồm các chai nhựa và túi nilon, giấy báo và tã giấy đã qua sử dụng tới Philippines. Quan chức nước này cho biết những thùng container được khai báo là vật liệu nhựa tái chế của một công ty tư nhân.

Năm 2016, một tòa án của Philippines đã lệnh chuyển các container rác về Canada. Một luật sư của vùng British Columbia, Canada, mới đây cũng nhận định rằng Canada đã vi phạm Công ước Basel, vốn ngăn cấm các nước đã phát triển chuyển rác thải độc hại hay nguy hiểm sang các nước đang phát triển - vốn đang loay hoay với vấn nạn rác trong nước - mà không được sự cho phép của nước nhận.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 23/4 cảnh báo nếu Canada không đưa hàng tấn rác thải trở về nước, ông sẽ "tuyên chiến" và chuyển ngược các container rác này sang Canada. Một người phát ngôn của tổng thống cho biết những lời nói của nhà lãnh đạo Philippine chỉ đơn thuần là thể hiện sự nóng giận.

Quảng Nam: Kêu gọi cộng đồng thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái; Tạo sự chuyển biến trong nhận thức về bảo vệ môi trường, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm do sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy gây ra.

Kế hoạch gồm nhiều hoạt động như: Tuyên truyền sâu rộng về phong trào “Chống rác thải nhựa” cho nhân dân và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đồng thời phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, từ đó tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy.

Đồng thời, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh  về việc tăng cường sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường; Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và tìm kiếm các sản phẩm thay thế trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị; không sử dụng ly, cốc, bình nhựa sử dụng một lần để tiếp khách và trong sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị. Thực hiện cắt giảm sử dụng, đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nilon, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, bao bì nhựa như túi giấy, túi nilon dễ phân hủy, dùng lá chuối, lá dong,... tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, bệnh viện, cơ sở y tế, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực để huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường và đảm bảo tiêu chí được công nhận thân thiện với môi trường theo Thông tư số 07/2012/TT-BTNMT ngày 04/7/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...