Thứ sáu, 19/04/2024 06:25 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/1/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 06/01/2019 10:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/1/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/1/2019.

Tìm giải pháp kỹ thuật phòng chống sụt lún, sạt lở các tỉnh phía Nam

Chiều 5/1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị giải trình về giải pháp kỹ thuật phòng, chống sụt lún, sạt lở tại các tỉnh phía Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2018, Đồng bằng sông Cửu Long có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.

Tình hình sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, diễn ra ở các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm, điểm nguy hiểm nhất thuộc tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 14km.

Tình hình sụt lún, sạt lở do nhiều nguyên nhân như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, việc sử dụng nước ngầm quá mức, tình trạng khai thác cát quá khối lượng cho phép, vấn đề sử dụng tài nguyên nước ở thượng nguồn sông Mekong... Bên cạnh đó, còn do công tác dự báo, quy hoạch chưa hiệu quả; vấn đề vận tải giao thông thủy do tàu thuyền trọng tải nặng, tốc độ cao dẫn đến sụt lún, sạt lở đất.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật để ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Quốc hội cũng đã phân bổ ngân sách lớn cho phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị phải có giải pháp kỹ thuật để xử lý tình trạng sụt lún, sạt lở tại các tỉnh phía Nam, trong đó cần có giải pháp lâu dài và giải pháp mang tính chất cấp bách trong vòng 2-5 năm tới. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, quy hoạch lại tổ chức sản xuất, dân cư, bố trí cơ sở hạ tầng, có những biện pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác chặt chẽ với các nước thượng nguồn sông Mekong... Trước mắt, các địa phương lựa chọn phương án kỹ thuật hợp lý, tập trung xử lý 562 điểm sạt lở cấp bách.

Nguy cơ trắng tay khi hàng chục hécta dưa hấu chìm trong nước

Đợt mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao mới đây đã làm cho hàng chục hécta diện tích trồng dưa hấu của người dân trên địa bàn xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau), bị chìm sâu trong nước (khoảng 40-50cm).

Ông Mạc Ngọc Truyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm cho biết, trước mắt, địa phương sẽ vận động bà con nông dân nên tích cực bơm tháo nước với hy vọng còn nước, còn tát”, địa phương cũng sẽ đồng hành cùng bà con.

“Xã sẽ rà soát thiệt hại cụ thể của từng hộ trên địa bàn để làm báo cáo trình lên UBND thành phố Cà Mau hỗ trợ cho bà con phần nào”, ông Truyền nói.

Theo thống kê của ngành chức năng xã Lý Văn Lâm, hiện trên địa bàn có 68 hécta diện tích trồng dưa hấu (trong đó, có 21 héc-ta diện tích dưa được trồng theo mô hình VietGAP). Hiện, có 4 hécta diện tích bị mất trắng, 64 hécta diện tích còn lại bị thiệt hại từ 50% trở lên.

Hàng trăm con gia súc ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn bị chết rét

Tính từ ngày 30/12/2018 đến hết ngày 4/1/2019, Cao Bằng bị thiệt hại nặng nề nhất khi có tới 134 con gia súc bị chết. Trong đó có 112 còn trâu, 20 con bò và 2 con dê. Địa phương để xảy nhiều nhất là huyện Trùng Khánh 37 con, Hạ Lang 26 con, Quảng Uyên 21 con.

Lãnh đạo Chi cục chăn nuôi – thú y của tỉnh Cao Bằng cho biết, mặc dù ngành nông nghiệp Cao Bằng, các địa phương đã tích cực tuyên truyền phòng chống rét cho vật nuôi, nhưng vẫn xảy ra tình trạng gia súc chết là do một số nguyên nhân như: do rét kéo dài, nền nhiệt xuống thấp kèm theo mưa nên những còn gia súc già, yếu, còn non không chống chịu được; tập quán thả rông gia súc vẫn diễn ra dù thời tiết lạnh giá như vậy; việc chuẩn bị dự trữ thức ăn chưa được người dân chú trọng; cuối cùng là vấn đề vệ sinh chuồng trại ở một số gia đình còn kém, để nền chuồng bẩn, ẩm ướt.

Tỉnh Bắc Kạn cũng đã có 26 gia súc bị chết trong thời gian này. Bao gồm  17 con trâu, 6 con bò và 3 con dê. Địa phương để xảy ra tình trạng gia súc chết nhiều nhất là huyện Ngân Sơn 8 con, Bạch Thông 6 con.

Theo thống kê của Chi cục Thú ý tỉnh Lạng Sơn, trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có 12 con gia súc bị chết (trong đó Lộc Bình 4 con, Đình Lập 5 con, Tràng định 2 con, Văn Quan 1 con). Những con mắc bệnh ốm, chết chủ yếu là bê, nghé.Nơi có nhiệt độ xuống thấp nhất là đỉnh Mẫu Sơn (huyên Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), thời tiết buốt lạnh, có nhiều hôm xuống âm 1 độ C đã gây khó khăn cho người dân.

Hà Nội: Chất lượng không khí diễn biến trái ngược trong tuần đầu tiên năm 2019

Tổng hợp báo cáo chỉ số AQI từ ngày 30/12/2018 - 5/1/2019 tại TP Hà Nội cho thấy, chất lượng không khí có xu hướng giảm dần vào cuối tuần.

Cụ thể: Số ngày có AQI đạt mức tốt tại các điểm quan trắc tăng so với tuần trước, số ngày AQI chạm ngưỡng kém tại các trạm quan trắc giao thông giữ nguyên, nhưng nhìn chung, chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức trung bình. Tân Mai và Tây Mỗ là 2 trạm có chỉ số chất lượng không khí đạt mức tốt cao nhất (3/7 ngày).

Chỉ số AQI dao động trong khoảng 22 - 133. Trong đó, các trạm nền đô thị AQI dao động trong khoảng 30 - 90, các trạm quan trắc giao thông AQI dao động trong khoảng 22 - 133.

Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, trong tuần này chỉ số chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức trung bình là chủ yếu, tuy nhiên số ngày AQI ở mức tốt tăng khá nhiều so với tuần trước. Trạm Tân Mai và Tây Mỗ có tỷ lệ số ngày AQI đạt mức tốt tăng từ 14,3% (Tân Mai), và 0% (Tây Mỗ) lên 42,9%. Tiếp đến là trạm Trung Yên, Kim Liên, Mỹ Đình đều có số ngày đạt mức tốt là 28,6%.

Tại 2 điểm quan trắc giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, trong tuần này chỉ số chất lượng không khí có cải thiện so với tuần trước. Số ngày AQI đạt mức tốt lần lượt là 28,6% và 14,3% (tuần trước đó không có ngày nào AQI đạt mức tốt). Số ngày AQI chạm ngưỡng kém ở cả 2 trạm đều chiếm 42,9%, các ngày còn lại ở mức trung bình. Những ngày AQI chạm ngưỡng Kém chủ yếu do nồng độ bụi PM2.5 vượt quá giá trị giới hạn. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm này cao lần lượt là 133 và 131.

Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công; theo ghi nhận trong tuần này trạm Hàng Đậu xuất hiện 3 ngày AQI chạm ngưỡng kém chiếm 42,9% còn lại ở mức trung bình; riêng trạm Thành Công có 1 ngày AQI chạm ngưỡng kém chiếm 14,3%; trạm Hoàn Kiếm không có ngày nào AQI chạm ngưỡng kém. Số ngày AQI đạt mức tốt tại các điểm quan trắc này cũng tăng so với tuần trước, cụ thể, trạm Thành Công có 28,6 % số ngày AQI đạt mức tốt, 2 trạm còn lại đều có 14,3% số ngày AQI đạt mức tốt.

Quảng Ninh: Hàng chục hộ dân khốn đốn vì ngao chết hàng loạt

Hiện tượng ngao chết xuất hiện từ những năm trước đây, đặc biệt là năm 2015, 2016 và thường vào dịp khoảng tháng 5, tháng 11 hằng năm. Năm 2018, hiện tượng ngao chết bắt đầu từ khoảng 16-20 tháng 10 ở địa bàn xã Quảng Điền, sau đó lan sang các xã Phú Hải và Quảng Minh.

Hiện nay, hiện tượng ngao chết vẫn đang tiếp tục xảy ra. Thậm chí, nhiều hộ có tỷ lệ chết đến 70-80%, thiệt hại 300-500 triệu đồng. Từ cuối tháng 12.2018 đến nay, tại khu vực bãi triều xã Quảng Minh (huyện Hải Hà), ước tính khoảng 70 ha bãi triều của 35 hộ có hiện tượng ngao chết.

Qua xác minh thực tế xác định, ngao chết do mật độ thả nuôi quá dày, cao gấp 4-5 lần so với khuyến cáo của địa phương (khuyến cáo nên thả 100 - 200 con/m2 với ngao Bến Tre và khuyến cáo nên thả 20 con/m2 đối với ngao dầu). Việc chăm sóc, cải tạo bãi nuôi ngao từ khi đưa vào nuôi thả đến nay (khoảng 20 năm) vẫn chưa được cải tạo, chỉ làm sạch tự nhiên.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/1/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.